Diện mạo mới tại xã vùng biên Thông Bình
ĐTO - Qua thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, kinh tế - xã hội của xã Thông Bình (huyện Tân Hồng) có bước phát triển vượt bậc. Diện mạo nông thôn (hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sạch…) đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, mua bán, chăm sóc sức khỏe. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Nỗ lực đạt chuẩn xã nông thôn mới
Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Đảng ủy, UBND xã Thông Bình tập trung lãnh đạo tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho từng ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Ban Nhân dân ấp phụ trách từng tiêu chí trong xây dựng NTM theo kế hoạch đề ra. Ngoài ra, UBND xã Thông Bình thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định.
Một trong những nội dung quan trọng về xây dựng NTM là phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân. Do vậy, trên cơ sở 3 ngành hàng chủ lực (sản xuất lúa gạo, chăn nuôi bò thương phẩm và ngành hàng cá tra) được xác định trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, UBND xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, chọn ngành hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh của địa phương như: lúa gạo, nuôi bò vỗ béo, nuôi thủy sản, nuôi dê thương phẩm... mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng tổ chức lại sản xuất, tích cực áp dụng các biện pháp giảm giá thành, UBND xã Thông Bình phối hợp các đơn vị chuyên môn tỉnh, huyện triển khai đồng bộ 6 giải pháp kỹ thuật giảm giá thành sản xuất cùng với việc cơ giới hóa, góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận bình quân 1ha sản xuất lúa trong vụ đông xuân hàng năm khoảng 5,2 triệu đồng (tăng khoảng 1,9 triệu đồng/ha) so với quy trình sản xuất truyền thống. Đồng thời kết hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng vận động nông dân tham gia lớp đào tạo nghề lao động nông thôn được 21 lớp với 450 lao động nông thôn tham gia.
Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Thông Bình xác định lúa là một trong những thế mạnh, ngành hàng chủ lực tại địa phương. Đến nay, địa phương được cấp mã số vùng trồng lúa trên diện tích hơn 1.200ha tại cánh đồng ô bao Chòi Mòi, cánh đồng Cà Vàng. Ngoài ra, trên địa bàn có Công ty TNHH Thành Chào liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa an toàn và chế biến thành sản phẩm gạo được chứng nhận an toàn thực phẩm.
Thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục, UBND xã Thông Bình phối hợp tổ chức sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp học phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Nhất là ưu tiên đầu tư trường, lớp cho những nơi còn thiếu hoặc chưa có, tạo thuận lợi cho học sinh đến trường cũng như hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Thường xuyên phối hợp Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Hồng tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia đăng ký gia đình văn hóa, phát triển kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường. Việc xét tặng các danh hiệu văn hóa được thực hiện khách quan, công bằng, chính xác và công khai trên cơ sở tự nguyện đăng ký tham gia của người dân.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới
Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch, đề án được phê duyệt, địa phương tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành tạo động lực cho phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo. Chú trọng tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và người dân hiểu được xây dựng NTM là xây dựng một xã hội giàu đẹp, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao, là mục tiêu liên tục và lâu dài. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, huy động nguồn lực thực hiện duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình xuống cấp; đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, phấn đấu xây dựng các tiêu chí NTM đạt 100% theo quy định.
Toàn xã Thông Bình có 5 tuyến đường được tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp với tổng chiều dài hơn 11,2km; 6/6 cụm, tuyến dân cư được đầu tư hệ thống thu gom và thoát nước thải sinh hoạt. Số hộ gia đình có diện tích trồng cây xanh thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào bằng cây xanh hoặc các loại hàng rào khác nhưng có phủ cây xanh là 2.321/2.804 hộ (đạt 82,7%). Đến nay, toàn xã Thông Bình có 1.544 hộ (chiếm 55,06%) thực hiện thu gom phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Bên cạnh đó, tại trụ sở các đơn vị hành chính trên địa bàn (Trạm y tế xã, Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, trường học...) đều tổ chức triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Qua triển khai mô hình “Dòng sông không rác”, người dân tích cực tham gia khơi thông dòng chảy, thu gom chất thải tại khu vực ven bờ sông, góp phần bảo vệ môi trường
Phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng và Chi nhánh Điện lực huyện Tân Hồng khảo sát, có kế hoạch đầu tư cải tạo lưới điện dùng chung đạt chuẩn theo quy định. Vận động hộ sử dụng điện cải tạo, nâng cấp một số nhánh rẽ sau điện kế cho đạt chuẩn kỹ thuật điện nông thôn theo quy định. Hàng năm, vận động Nhân dân hưởng ứng tham gia xây dựng các công trình, phần việc chung sức xây dựng NTM; mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng NTM theo địa bàn dân cư, hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao.
Thực hiện công tác quản lý sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, nhằm tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng và cạnh tranh được trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện việc đào hố chôn, đốt và xử lý tốt rác bảo vệ thực vật. Triển khai các tuyến đường kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp, tạo cảnh quan môi trường, riêng các trục lộ chính đảm bảo việc “Thắp sáng đường quê”. Duy trì và nhân rộng các mô hình, phong trào của các tổ chức chính trị - xã hội như: Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Tổ hùn vốn xây dựng nhà kiên cố, mua trang thiết bị gia đình, thu gom rác thải, “5 không, 3 sạch”, “3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo”... tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng chí Phan Ngọc Minh Trung - Chủ tịch UBND xã Thông Bình, cho biết: “Thời gian tới, địa phương tăng cường công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, năng động, trách nhiệm, phục vụ Nhân dân. Phát huy tốt hơn nữa quy chế dân chủ cơ sở, xem người dân là chủ thể trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các phong trào hành động cách mạng ở địa phương. Song song đó, địa phương kết nối với các công ty, doanh nghiệp tiếp tục liên kết tiêu thụ nông sản, tạo việc làm thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ; đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ tốt cho hoạt động dạy và học, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân vùng biên”.
UBND xã Thông Bình phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện rà soát đánh giá phân loại hộ nghèo, từ đó, các tổ chức chính trị - xã hội kèm cặp, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo làm kinh tế sớm vươn lên thoát nghèo bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu chí xây dựng NTM. Đến năm 2023, xã Thông Bình có 42 hộ (trong đó số hộ nghèo không có khả năng lao động là 9 hộ) chiếm 1,18%, hộ cận nghèo 61 hộ (trong đó hộ cận nghèo không có khả năng lao động là 11 hộ) chiếm 1,79%. Qua khảo sát của ngành chức năng, xã Thông Bình có mức thu nhập bình quân đầu người năm 2023 hơn 56 triệu đồng (đạt tiêu chí xã NTM năm 2023).
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/dien-mao-moi-tai-xa-vung-bien-thong-binh-121755.aspx