'Điện mặt trời An Hảo'- nơi sắc thái văn hóa cộng hưởng

Thất Sơn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc đan xen giữa Kinh và Khmer với nhiều cụm dân cư mộc mạc, giản dị sinh sống. Với hệ thống kiến trúc chùa chiền đặc trưng và sự góp mặt của hoạt động du lịch làm cho nơi đây ngày càng phát triển. Trước đây, hầu hết cư dân đều sống trong cảnh khó khăn, quanh năm vất vả mà chẳng đủ sống. Công trình điện mặt trời (ĐMT) An Hảo từ khi hình thành đến nay đã mang lại nhiều 'khởi sắc' trên tất cả phương diện đời sống người dân, kinh tế - xã hội khu vực huyện Tri Tôn, Tịnh Biên.

Bức tranh cổ tích biên thùy

Bức tranh cổ tích biên thùy

Chúng tôi biết đến Khu tham quan ĐMT An Hảo đa số qua mạng xã hội, ấn tượng đầu tiên thôi thúc nhóm phải làm một chuyến phiêu lưu ngay chính là “cánh đồng cừu” độc nhất ở An Giang. Nằm ngay mặt tiền đường ĐT948 đoạn giáp ranh giữa Tri Tôn và Tịnh Biên nên rất dễ tìm, chỉ cần chạy theo “chị google” là đến đúng bon địa điểm này.

Vi vu tham quan nhà máy điện mặt trời bằng xe điện

Vi vu tham quan nhà máy điện mặt trời bằng xe điện

Sau khi vào cổng mua vé, chiếc xe điện cũng chạy bằng năng lượng mặt trời đưa bạn vi vu vào một vùng ngập tràn sắc xanh của “Solar Farm”. Khoảnh khắc thanh bình đến lạ, gió thổi mát rượi, cứ thế băng qua những con đường uốn lượn, len lỏi để tiến sâu vào nội khu. Mãi say sưa ngắm nhìn công trình điện năng lượng mặt trời kỳ vĩ ngoài sự tưởng tượng, vượt tầm hiểu biết của mình phút chốc đã đến nơi.

Vũ điệu nhạc nước chào đón du khách

Vũ điệu nhạc nước chào đón du khách

Trước mắt tôi mở ra khung cảnh tuyệt mỹ chưa bao giờ thấy, phía lưng chừng là vách núi Cấm cao ngút ngàn trời mây, cánh rừng già mấy trăm năm tuổi phủ xanh lên từng phiến đá hoang sơ theo mảng màu đậm nhạt khác nhau. Sở hữu vị trí địa lý vô cùng độc đáo Khu tham quan ĐMT An Hảo được mệnh danh “nàng tiên e ấp hiền hòa” bao bọc bởi dãy núi cao cao và cánh đồng pin chạy dài bất tận.

Cụm tiểu cảnh được bổ sung làm mới liên tục

Cụm tiểu cảnh được bổ sung làm mới liên tục

Đầu tiên, chúng tôi sà ngay vào thế giới của những bé cừu đáng yêu đang ngự trị. Có em siêng năng gặm cỏ, có em lười quá nằm ung dung thẫn thờ chỉ thích chụp ảnh với khách thôi. Chắc hẳn đây là trải nghiệm cực kỳ vui và thú vị đối với “khách nhí” vì cừu ở đây rất thân thiện, dễ gần. Hay ngắm từ trên Thủy Đài, thi thoảng du khách sẽ thấy chúng xếp hàng dài đẹp mắt “nhúc nhích” như một tấm lụa trắng tinh khôi phất phơ vắt mình trên thảo nguyên xanh mướt.

Những chú cừu dạn dĩ, thân thiện vui đùa cùng du khách

Những chú cừu dạn dĩ, thân thiện vui đùa cùng du khách

Sau khi chơi với cừu, chúng tôi bắt đầu tản bộ vòng quanh để chiêm ngưỡng cho hết bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc này. Khách sẽ mê mẩn khi dạo bước quanh “Hồ Thiên Cảnh”, ngắm nhìn cá lội tung tăng, đài phun nước trắng xóa vui tai, vui mắt như vũ điệu chào đón khách tham quan. Được sự hướng dẫn của nhân viên ở đây, chúng tôi săn được không biết bao nhiêu là ảnh đẹp, nào là: cầu gỗ, lướt trên trụ đá qua “ốc đảo mini”, vườn hoa sao nhái...

Vườn hoa sao nhái

Vườn hoa sao nhái

Thời điểm thích hợp để du lịch ở đây là sáng sớm hay chiều tà, bởi lúc này du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn cái tiết trời mát rượi, trong lành đặc trưng của xứ núi. Leo lên tầng trên cùng Thủy Đài Sao Mai, thiết kế hình trụ màu trắng và cầu thang xoắn đi lên là điểm cao nhất, ở đây bạn có thể phóng tầm nhìn ra xa, ngắm toàn cảnh khu du lịch. Ngoài ra, du khách có thể di chuyển đến chiêm bái, ngắm nhìn “bàn tay Phật” khổng lồ và nghe hướng dẫn viên kể về sự mầu nhiệm tâm linh chốn non thiêng này.

Du khách thích thú khi hóa thân thành cô gái Khmer

Du khách thích thú khi hóa thân thành cô gái Khmer

Bởi nói Khu tham quan ĐMT An Hảo là nơi kết tinh giữa hai nền văn hóa Kinh – Khmer vì phong cách ẩm thực hầu hết các món ăn đều là đặc sản của đồng bào Khmer như: đu đủ đâm, ếch nướng, gà đốt, bánh thốt nốt, bò lụi, bánh kà tum , bánh dừa... Chứa đựng bên trong mỗi món ăn là cả những nét văn hóa ẩm thực lâu đời của dân tộc Khmer An Giang.

Khu ẩm thực phục vụ các món ăn siêu hấp dẫn bởi hình thức công phu, tỉ mỉ trong đó món bánh kà tum lại ghi điểm bởi duy nhất vùng này mới có. Trao đổi với đầu bếp, cùng là nghệ nhân làm nên những chiếc bánh khéo léo này, chúng tôi được biết cái tên Kà Tum trong tiếng Khmer còn gọi là “Ka-tom” có nghĩa là “quả lựu” hoặc là “gói kín xung quanh”.

Thức bánh trái ngon lành phong vị Khmer An Giang không lẫn vào đâu được

Thức bánh trái ngon lành phong vị Khmer An Giang không lẫn vào đâu được

Số người biết làm bánh này không nhiều và cần thời gian rất lâu mới làm được thuần thục thế nên muốn gìn giữ không những món bánh ngon mà còn bảo tồn nét đẹp văn hóa Khmer. Chiếc bánh xinh yêu được xuất hiện trong những dịp “đại tiệc bánh dân gian” miễn phí, hoặc có thể thưởng thức mua về làm quà tại khu ẩm thực.

Bánh dừa

Bánh dừa

Đến Khu tham quan ĐMT An Hảo vào dịp cuối tuần, lễ, tết, du khách còn được xem những tiết mục dân ca, điệu múa Khmer... hoàn toàn miễn phí. Đây cũng là cách để quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer đến du khách trong nước và quốc tế, nhiều khách Tây rất ấn tượng và chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn nghệ sĩ biểu diễn tại đây.

Tất cả không đơn thuần mang lại giá trị thương mại về du lịch cho doanh nghiệp, mà còn mang lại sinh kế cho bà con sinh sống quanh vùng. Từ đó, du khách nước bạn cũng không khỏi trầm trồ trước sự đoàn kết, sống chan hòa giữa các dân tộc anh em men theo dãy Thất Sơn hùng vĩ đóng góp tích cực làm phong phú bản sắc văn hóa của địa phương.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/-dien-mat-troi-an-hao-noi-sac-thai-van-hoa-cong-huong-111582.aspx