Điện mặt trời mái nhà: Doanh nghiệp không cần ưu đãi, chỉ cần bớt rào cản

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc điều hành Công ty EverSolar cho rằng quan điểm của đa phần doanh nghiệp (DN) trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là không cần ưu đãi, chỉ cần đừng đưa ra rào cản.

Nhiều rào cản với điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu

Chiều 9.8 tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)".

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư EverSolar đề nghị cần khuyến khích trong thủ tục phát triển ĐMTMN. Đa phần chuyên gia, DN trong ngành cho rằng không cần ưu đãi, chỉ cần đừng đưa ra rào cản.

Theo ông Cường, với giá thành tấm pin quang năng ngày nay, một hệ thống ĐMTMN được phép nối lưới chỉ còn dưới 10 triệu đồng/1kwp, nếu thêm 1kwh pin lưu trữ thì giá thành ở mức 16 đến 19 triệu đồng (kwp + 1kwh). Mức giá này tương đương với thời kỳ 2017-2018 khi chính sách FIT1 đang còn hiệu lực và chi phí cho pin lưu trữ trên đà giảm nhanh.

Doanh nghiệp mong sớm có chính sách rõ ràng trong phát triển điện mặt trời mái nhà

Doanh nghiệp mong sớm có chính sách rõ ràng trong phát triển điện mặt trời mái nhà

Tuy nhiên, theo doanh nhân này, việc triển khai hệ thống ĐMTMN tự sử dụng/tự sản tự tiêu đang gặp rất nhiều rào cản pháp lý. Cụ thể là không có thủ tục thỏa thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia; có thể phải thực hiện thủ tục bổ sung vào Quy hoạch điện 8, điều không khả thi đối với người dân, DN vừa và nhỏ…

Ngoài ra, ĐMTMN còn bị coi là một “công trình xây dựng”, dù không thay đổi về quy hoạch sử dụng đất và DN đã thuê tư vấn có năng lực trình độ thực hiện đánh giá, kiểm định kết cấu chịu lực công trình xây dựng hiện hữu. Thủ tục này đòi hỏi DN phải thực hiện rất nhiều bước theo các nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Sớm có chính sách rõ ràng, nhất quán

Ông Nguyễn Ngọc Cường kiến nghị sớm có chính sách rõ ràng, nhất quán trong phát triển ĐMTMN, ĐMTMN kết hợp với lưu trữ điện năng.

Để tránh làm khó cho lưới điện, cần có sự phần loại, phân rõ cấp độ đối với hệ thống điện mặt trời áp mái tự sử dụng/tự sản tự tiêu và đối tượng đầu tư sử dụng để đơn giản hóa thủ tục đăng ký thực hiện và quản lý hành chính.

Ví dụ, đối với hệ thống do người dân tự đầu tư trên công trình nhà ở (đất ở); hệ thống do DN lắp đặt trên các nhà cho mục đích kinh doanh thương mại, văn phòng và dưới quy mô 100kw được phân loại là công trình dân dụng quy mô nhỏ, cần bãi bỏ các hồ sơ thủ tục cấp phép, chỉ cần đăng ký phát triển công trình với sở công thương.

Đối với các hệ thống lắp đặt trên mái nhà xưởng công nghiệp (đất sản xuất), hoặc lắp đặt trên các nhà cho mục đích kinh doanh thương mại, văn phòng và có quy mô lớn hơn 100kw cho tới dưới 1MW (tương đương 1250kwp) được phân loại là công trình quy mô vừa (công nghiệp và thương mại - hệ thống C&I quy mô 100kw~1MW) thì cần quản lý.

Cảnh hội thảo

Cảnh hội thảo

Về mặt quy hoạch điện quốc gia, sớm có thủ tục minh bạch cho việc đăng ký phát triển phù hợp hài hòa với khả năng của lưới điện; được miễn giấy phép hoạt động điện lực, miễn, giảm thủ tục về cải tạo công trình xây dựng để lắp đặt hệ thống.

Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô trên 1MW (1.250kwp) trở lên thì cần có đầy đủ quy định về cấp phép cải tạo xây dựng, PCCC và giấy phép hoạt động điện lực, và cần có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư nội địa tham gia trong lĩnh vực này.

Đừng để doanh nghiệp Việt bị đẩy ra ngoài cuộc

Cũng theo ông Cường, giá thành sản xuất điện năng quy đổi (LCOE) rất thấp và nhu cầu điện luôn tăng tỷ lệ thuận theo mức tăng GDP của Việt Nam. Đây là lĩnh vực mang lại nguồn lợi thương mại rất lớn, trong khi các DN và nhà đầu tư nội địa hoàn toàn có thể đủ nguồn lực tài chính và công nghệ để tự thực hiện.

“Thực trạng hiện nay có quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng ưu đãi của Chính phủ đối với các DN FDI, tận dụng dòng vốn giá rẻ và mối quan hệ sẵn có với các DN FDI để giành lợi thế lớn trong việc đầu tư kinh doanh ở mảng này. Các DN Việt bị đẩy ra ngoài cuộc, hoặc chỉ có thể làm nhân công/nhà thầu cho họ với giá trị thấp”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng kiến nghị có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với năng lượng tái tạo không nối lưới (bao gồm cả micro-Grid) như: hỗ trợ về thủ tục xây dựng, quỹ đất, tài chính, lãi vay. Cần quy định rõ ĐMTMN có lưu trữ với tỷ lệ nhất định được quyền đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Bộ phận Đối ngoại và trách nhiệm xã hội, Công ty TNHH Canon Việt Nam cho rằng việc đầu tư hệ thống ĐMTMN cần rất nhiều chi phí, chịu nhiều thủ tục rất phức tạp, do đó không phải DN nào cũng có thể thực hiện được.

Vì vậy, DN sẽ cho nhà đầu tư mượn/thuê mái nhà xưởng của DN để lắp đặt hệ thống và DN sẽ mua lại điện từ hệ thống đó để sử dụng. Việc tận dụng lợi thế này giúp DN không phải bỏ ra chi phí lớn, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường khi sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên.

Trước đó, VCCI cho rằng ĐMTMN là loại nguồn điện được khuyến khích, nhưng các chính sách phát triển liên quan chưa minh bạch, thống nhất và còn nhiều cách hiểu khác nhau tại mỗi địa phương.

"Bộ Công Thương cần rà soát các quy định khi sửa để thống nhất, giúp DN, người dân áp dụng thuận lợi", VCCI đề nghị.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dien-mat-troi-mai-nha-doanh-nghiep-khong-can-uu-dai-chi-can-bot-rao-can-222554.html