Tiếng cười trẻ thơ trong chùa Thái Ân

Nằm ở cuối cánh đồng thôn Bùi Xá, chùa Thái Ân tọa lạc tại một vùng trồng sen và lúa nổi tiếng của huyện Thanh Oai (Hà Nội). Nhiều năm qua, nơi đây là mái nhà của 7 đứa trẻ mồ côi.

Diện mạo của chùa Thái Ân đã thay đổi rất nhiều sau khi nhận được sự giúp đỡ của các Phật tử trong vùng.

Diện mạo của chùa Thái Ân đã thay đổi rất nhiều sau khi nhận được sự giúp đỡ của các Phật tử trong vùng.

1.Sư thầy Thích Đàm Thảo cho biết, bản thân đã được giao trách nhiệm trụ trì chùa Thái Ân từ năm 2006. Một buổi sáng, thầy Thảo được người dân trao tay một bọc vải. Bên trong là một đứa trẻ. Đợi vài ngày không thấy người nào tới nhận lại con, thầy Thảo làm thủ tục với chính quyền xã để nhận nuôi đứa trẻ, rồi đặt tên là Thanh Tâm.

Khi bế đứa trẻ lần đầu tiên trên tay, thầy Thảo cũng hết sức ngỡ ngàng, bởi khi đó thầy mới chỉ 21 tuổi. Kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ hoàn toàn bằng không.

Vào thời điểm đó, chùa Thái Ân dù được công nhận là di tích cấp thành phố, nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Các bức tường rạn nứt, mái ngói xô lệch, hễ mưa to là dột.

Tháng đầu, thầy Thảo phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ đẻ ở quê nhà Phú Xuyên (Hà Nội) để chăm sóc cho Thanh Tâm. Được một thời gian, thầy Thảo lại đón Thanh Tâm về, những tưởng sẽ có người tới đón bé. Nhưng chẳng có ai quay lại đón bé Tâm.

Kể từ buổi sáng định mệnh đó, tới nay đã 15 năm. Chùa Thái Ân hiện cưu mang 7 đứa trẻ. Đứa nhỏ nhất năm nay lên 4, Thanh Tâm giờ đã là học sinh cấp 3.

Đám trẻ trong chùa, ngoài chị cả Thanh Tâm, còn có Tuệ Tâm, Tịnh Tâm, Tân Phúc, Tâm Đức, Tâm An và Tuệ Minh. Những cái tên được thầy Thảo đặt với mong ước lũ trẻ sẽ gặp nhiều bình an, may mắn trong cuộc sống.

Để có tiền lo ăn uống, học hành cho đám trẻ, sư thầy đã phải xoay đủ mọi cách để tạo nguồn thu nhập ổn định. Vài sào đất sau chùa được thầy Thảo cùng các bà vãi trong làng trồng nhiều loại nông sản như rau ngót, rau dền, rau lang, rau bí...

Vì trồng theo phương pháp hữu cơ nên phải vài tháng mới có thu hoạch. Đến ngày thu hoạch, thầy gửi một số Phật tử mang ra Hà Nội bán. Đã có lúc, rau sạch trở thành nguồn sống bền vững cho thầy Thảo và đám trẻ.

Giai đoạn 2009-2013, khi liên tiếp nhận nuôi những đứa trẻ tuổi khát sữa, thầy Thảo phải làm việc quần quật để lo kiếm đủ bỉm, sữa. Hết tiền thì đành vay mượn, có người thương tình thì cho thầy mua chịu.

“Thỉnh thoảng chùa cũng nhận được sự giúp đỡ của một số cá nhân, tổ chức. Nhưng cũng chỉ một vài lần rồi thôi. Mà nuôi một đứa trẻ, ngoài bỉm sữa, cơm ăn nước uống hằng ngày tôi còn phải lo nhiều khoản”, thầy Thảo hồi tưởng quãng thời gian khó khăn nhất.

Hết buổi lao động, đám trẻ được thầy Thảo khao kem.

Hết buổi lao động, đám trẻ được thầy Thảo khao kem.

2.Vài năm nay, vì phải đi học xa nhà, thầy Thảo đành gửi Thanh Tâm và Tuệ Minh về quê nhà Phú Xuyên cho ông bà chăm sóc, tiện việc học hành. Giờ chỉ còn Tuệ Tâm, Tịnh Tâm, Tâm Phúc, Tâm Đức và Tâm An sống trong chùa Thái Ân.

Thầy đi vắng, năm anh chị em được giao nhiệm vụ trông chùa. Vắng thầy, nhưng mọi sinh hoạt đều được lũ trẻ giữ gìn cẩn thận dù đã vào hè. Đều đặn 6 giờ sáng, lũ trẻ hò nhau dậy thổi cơm sáng. Ăn xong, mỗi đứa một chân một tay dọn dẹp rồi lên Điện Tam Bảo đọc kinh.

Vào ngày nắng, đám trẻ rủ nhau đạp xe quanh làng, đi bơi. Còn vào ngày mưa, chúng lại túm tụm nhau đọc truyện tranh. Không điện thoại, không mạng xã hội, bọn trẻ cũng không chán, vì chúng có nhau.

Sống trong chùa, lũ trẻ không cần phải cạo đầu. Thầy Thảo muốn các con có một cuộc sống bình thường nhất, để đợi cha mẹ đến đón. Dù vậy, sống trong chùa, cũng phải có một quy tắc, đó là biết lao động từ nhỏ.

Nghỉ hè, đám trẻ được thầy giao chăm sóc vườn rau. Mấy luống rau ngốn gần như cả ngày của chúng. Hết nhổ cỏ, cắt rau, tới cuốc đất, tra hạt.

Cùng tay thầy nuôi, những lớn lên mỗi đứa một tính.

Hết trồng rau, thầy Thảo và đám trẻ lại cặm cụi chất củi thành bó để Tết luộc bánh chưng.

Hết trồng rau, thầy Thảo và đám trẻ lại cặm cụi chất củi thành bó để Tết luộc bánh chưng.

Chị hai Tuệ Tâm chuẩn bị lên lớp 9. Không có thầy ở chùa, cô bé là người phân việc cho các em. Khác với vẻ hoạt bát của Tuệ Tâm, chị ba Tịnh Tâm ít nói. Cậu bé Tâm Đức, 11 tuổi, được thầy nhận xét rất thông minh, sáng dạ. Bám riết lấy Tâm Đức là em áp út Tâm An, cô bé 9 tuổi này luôn được thầy và các anh, chị cưng chiều.

Nổi bật nhất trong đám trẻ là Tâm Phúc, 11 tuổi. Phúc được thầy Thảo tìm thấy trong tình trạng thập tử nhất sinh.

“Khi bế cháu lên tôi thấy nhẹ bẫng. Sau mới biết cháu bị sinh non, cân nặng chỉ khoảng 1,6 kg. Khi ấy cháu thở rất yếu”, thầy Thảo kể. Giữa đêm, thầy bồng Phúc đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trải qua 23 ngày nằm trong lồng kính và thêm 9 ngày điều trị nội trú, sức khỏe của Tâm Phúc đã “thoát khỏi cửa tử”. Hai năm sau đó là chuỗi ngày đằng đẵng thầy Thảo đưa Phúc đi khám. Di chứng của việc sinh non vẫn bám riết lấy cậu bé. Cứ hễ thời tiết lạnh, Phúc lại lên cơn khó thở. Nhưng sau cơn mưa, trời dần tỏ.

Giờ đã 11 tuổi, Phúc vẫn chỉ cao bằng em Tâm An. Làn da nâu, bắp tay rắn rỏi, cậu bé với thân hình còi cọc này luôn là hạt nhân trong những buổi lao động của 5 anh chị em.

Cùng cuốc đất trồng rau với lũ trẻ, bà Nguyễn Thị La (Bùi Xá, Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội), cho biết mình cùng một số bà vãi trong làng nhân lúc nông nhàn lại tới chùa quét dọn và chăm sóc lũ trẻ.

"Ở đây xa trung tâm nên thầy Thảo vất vả hơn chúng tôi nhiều. Từ lúc các cháu còn nhỏ, cho đến giờ lại lo ăn học...", bà La vừa cuốc, vừa dõi theo thành quả của đám trẻ.

Mảnh vườn sau chùa được tận dụng để trồng rau. Thầy đi vắng, cậu bé Tâm Phúc được tin tưởng giao việc chăm sóc vườn rau.

Mảnh vườn sau chùa được tận dụng để trồng rau. Thầy đi vắng, cậu bé Tâm Phúc được tin tưởng giao việc chăm sóc vườn rau.

Trong làng, không chỉ có những bà vãi tốt bụng nhận trông nom đám trẻ thay thầy Thảo. Một cô giáo tốt bụng, người mà bé Tâm An gọi là mẹ, cũng nhận chăm sóc và dạy dỗ đám trẻ trong thời gian thầy đi học xa nhà.

Dù có sự giúp đỡ của cộng đồng, nhưng nỗi lo đặt lên vai của thầy Thảo cũng theo lũ trẻ mà ngày một lớn dần.

Hết buổi làm vườn, lũ trẻ lại ngồi quây quần ngồi cạnh thầy Thảo dưới gốc cây. Nghe thầy nhắc chuyện gia đình, ánh mắt lũ trẻ chợt chùng xuống. Mỗi đứa trẻ đều mang trong mình những câu hỏi rất thầm kín về bản thân, nhưng dưới mái chùa Thái Ân, chúng đã tìm thấy niềm an ủi và tình thương từ thầy Thảo và những người dân tốt bụng trong làng.

“Mặc dù rất yêu thương, nhưng tôi biết các con vẫn thiếu cái gì đó. Tình thầy trò rất ấm áp, nhưng tình cha nghĩa mẹ mới là mái nhà ấm áp nhất”, thầy Thảo nói.

Suốt buổi trò chuyện, đám trẻ chăm chú ngồi nghe thầy nói. Khi được hỏi muốn quà gì, cả bọn đều cười lắc đầu ngượng ngùng. Thầy Thảo nói, có mình ở đây nên đám trẻ không dám đòi hỏi.

Đợi thầy đi lo việc Phật sự, người viết hỏi lại lần nữa, lũ trẻ mới tủm tỉm cười: “Bọn con chỉ cần thêm truyện tranh ạ”.

HUY VŨ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tieng-cuoi-tre-tho-trong-chua-thai-an-10289841.html