Điện mặt trời mái nhà hòa lưới giá 0 đồng; tăng giá trần vé máy bay
Đề xuất điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới giá 0 đồng; tăng giá trần vé máy bay nội địa; đề xuất kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu hết 2024; thông tin mới về mã số thuế cá nhân... là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.
Điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới điện sẽ có giá 0 đồng
Bộ Công Thương vừa gửi lấy ý kiến Dự thảo Hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà.
Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đề xuất điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia. Nếu phát lên lưới thì cũng chỉ được ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. (Xem thêm)
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, hạng phổ thông cao nhất tới 4 triệu/chiều
Bộ trưởng Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo đó, từ 1/3/2024, giá vé máy bay phổ thông nội địa sẽ tăng trung bình từ 3,75-6,67%, trong đó có đường bay tăng lên 4 triệu đồng/vé một chiều.
Lý giải việc tăng giá vé máy bay trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trần giá vé máy bay vẫn được giữ ổn định từ năm 2019. Nhưng chi phí nhiên liệu tại thời điểm tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng gần 62,4% so với tháng 12/2014 và tăng xấp xỉ 81% so với tháng 9/2015. (Xem thêm)
Đề xuất kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2024
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm 2024. Mức giảm thuế tương đương 50% biểu khung thuế và đang được áp dụng từ tháng 4/2022. Ngân sách dự tính giảm thu hơn 38.900 tỷ đồng khi áp dụng chính sách này.
Theo tờ trình, năm 2024, mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít; với nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; với dầu hỏa 600 đồng/lít. Theo tính toán, khi giảm thuế này, giá xăng, dầu tới tay người tiêu dùng sẽ giảm tương ứng 1.100-2.200 đồng/lít (đã gồm VAT), riêng dầu hỏa hạ 660 đồn/lít. (Xem thêm)
Bộ Tài chính thông tin hàng loạt vấn đề về mã số thuế cá nhân
Bộ Tài chính vừa thông tin hàng loạt vấn đề về mã số thuế cá nhân trong việc làm sạch, thống nhất sử dụng mã định danh công dân thay cho mã số thuế.
Đáng chú ý, mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Theo quy định nêu trên, khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ thuế thì mã số thuế người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân dùng để kê khai, nộp thuế theo quy định. Khi người phụ thuộc phát sinh tờ khai thuế thì mã số thuế của người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế chuyển thành mã số thuế cá nhân mà không yêu cầu người nộp thuế phải làm thủ tục chuyển đổi với cơ quan thuế. (Xem thêm)
Thủ tướng chỉ đạo chấm dứt cho vay doanh nghiệp sân sau
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngân hàng chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn.
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với các tổ chức tín dụng tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra sáng 7/12. (Xem thêm)
NHNN muốn 'gia hạn' thông tư về giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét nghiên cứu và sẽ có báo cáo Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Báo cáo tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sáng 7/12, NHNN cho biết, đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%).
NHNN cũng cho biết, hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2-3% so với cuối năm 2022 và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. (Xem thêm)
Bộ trưởng Công Thương thúc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Ngày 9/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Lãnh đạo ngành công thương đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát Quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch.
"Các địa phương đều phải triển khai thực hiện tốt Đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương xây dựng và đã được Chính phủ thông qua”- Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh và đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường giao thương để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại đầu tư ở khu vực biên giới.
Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch cấp khí cho sản xuất điện năm 2024
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch cấp khí cho sản xuất điện năm 2024.
Theo đó, sản lượng khí cấp cho sản xuất điện năm 2024 là 4.191-4.470 tỷ m3. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ: 2.943-3.060 tỷ m3; khu vực Tây Nam Bộ: 1.248-1.410 tỷ m3.
Hà Nội thu phí tham quan, thắng cảnh cao nhất 120.000 đồng
HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua Dự thảo Nghị quyết sửa đổi quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn Thành phố. Nghị quyết mới điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan, thắng cảnh từ 30.000 đồng/lượt/nơi lên mức thu mới.
Cụ thể, phí tham quan Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 70.000 đồng/lượt/khách; di tích đền Ngọc Sơn 50.000 đồng/lượt/khách; di tích Nhà tù Hỏa Lò 50.000 đồng/lượt/khách; Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long 100.000 đồng/lượt/khách; thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương): 120.000 đồng/lượt/khách.
Hà Nội tăng hệ số điều chỉnh giá đất tại 5 khu vực
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã biểu quyết thông qua hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 đối với các trường hợp áp dụng hệ số theo quy định của pháp luật.
Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 làm căn cứ thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá; thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn Hà Nội áp dụng tại 5 khu vực được điều chỉnh tăng so với năm 2023, trung bình tại các quận tăng khoảng gần 17% và tại các huyện khoảng 22%. (Xem thêm)