Điện mặt trời mái nhà: Từ giá '0 đồng' đến yêu cầu sửa Quy hoạch điện VIII

Điện mặt trời mái nhà mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân. Vì thế, thị trường này cũng nóng lên theo những đề xuất chính sách ở dự thảo nghị định đang được Bộ Công thương xây dựng.

Tháo "kìm" để người dân, doanh nghiệp tự dùng

Tại dự thảo nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công thương đề xuất tổng công suất lắp đặt nguồn điện này (nối lưới) không vượt quá 2.600 MW - do bị giới hạn trong Quy hoạch điện VIII.

Sau nhiều cuộc họp về dự thảo nghị định trên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đưa ra chỉ đạo xem xét, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đối với năng lượng mặt trời mái nhà ngay trong tháng 9, để điều chỉnh quy mô công suất với miền Bắc có thể lên tới 7.000 MW và tính toán lại khả năng huy động cho khu vực TP.HCM.

Theo EVN, miền Bắc hiện có khoảng 700 MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW. (Ảnh minh họa)

Theo EVN, miền Bắc hiện có khoảng 700 MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW. (Ảnh minh họa)

Chỉ đạo mới của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giúp người dân, doanh nghiệp có nhu cầu lắp điện mặt trời mái nhà thở phào. Bởi lẽ, điều đó đúng với xu thế hiện nay khi đòi hỏi về chuyển đổi xanh ngày càng khắt khe mà chính doanh nghiệp không thể làm khác.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, chỉ đạo mới của Phó thủ tướng đã từng bước tháo "kìm" cho người dân, doanh nghiệp được lắp điện mặt trời mái nhà tự dùng.

"Sau khi chính sách khuyến khích phát triển nguồn điện này hết hạn từ năm 2021, nhiều doanh nghiệp vẫn phải lắp điện mặt trời mái nhà để đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Vì thế, con số 2.600 MW nhiều khả năng đã bị vượt nếu được tính các dự án chuyển tiếp đã lắp đặt trước đó", vị đại diện doanh nghiệp bày tỏ.

Ông Đỗ Văn Năm, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tính toán, khi tự dùng điện mặt trời mái nhà, người dân sẽ tiết kiệm được điện vào giờ cao điểm.

Cùng với mức giá bán điện dư vào hệ thống thì sau khoảng 5-6 năm, hộ gia đình có thể thu hồi vốn đầu tư, trong khi thời hạn sử dụng của một tấm pin mặt trời hiện khoảng 12-15 năm.

Tại dự thảo mới nhất, Bộ Công thương đề xuất giá mua điện dư từ hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu mức gần 1.100 đồng/kWh, thay đổi từ mức giá đề xuất 671 đồng/kWh ở dự thảo trước đó, sau thời gian dài bộ này bảo lưu quan điểm mua giá "0 đồng" nhằm tránh trục lợi chính sách.

Vẫn còn loạt điểm vướng

Góp ý cho dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà, đại diện một chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói, mục tiêu của nghị định là nguồn điện để các cá nhân, tổ chức tự dùng nhưng các thủ tục hành chính còn quá rườm rà.

Đơn cử, trước khi đi đăng ký công suất với Sở công thương, doanh nghiệp đã phải đầu tư kinh phí vào bản vẽ thiết kế hay các hồ sơ phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong khi chưa biết sản lượng đăng ký đó có được cho phép thực hiện hay không do. Điều này sẽ làm mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đã tự lắp đặt điện mặt trời mái nhà để đảm bảo tiêu chuẩn xanh. (Ảnh minh họa)

Nhiều doanh nghiệp đã tự lắp đặt điện mặt trời mái nhà để đảm bảo tiêu chuẩn xanh. (Ảnh minh họa)

Do đó, theo vị này, nên xây dựng cơ chế "một cửa" trong việc xin cấp phép và kết nối vào lưới điện, đồng thời số hóa việc đăng ký và phê duyệt công suất qua hệ thống phần mềm trên máy tính.

Từ đó, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp cũng như giảm thiểu công việc không cần thiết cho các cơ quan thực thi cấp phép.

Vị đại diện cũng cho rằng, đây là loại hình tốt, có giá rẻ, do đó cần chính sách khuyến khích đa dạng. Tức là, bên cạnh các chính sách về thuế, cần nghiên cứu thêm các cơ chế khuyến khích khác như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật…

Một điểm quan trọng khác, theo vị này, cần phân tích và làm rõ các yếu tố từ điện mặt trời mái nhà ảnh hưởng đến lưới điện như thế nào và các biện pháp khắc phục.

Thực tế, điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng đã chứng minh là nguồn điện rẻ nhất và dễ thực hiện nhất với hiệu quả công suất đầu ra cao.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc phân bổ "hạn ngạch" theo các tỉnh sẽ là một rào cản lớn để họ và người dân tiếp cận nguồn điện này.

Theo một chuyên gia năng lượng, về mặt quản lý hệ thống điện, việc giám sát và điều khiển điện mặt trời mái nhà từ trung tâm điều độ quốc gia có thể coi là "điểm mù" do chỉ có thể giám sát đến cấp trạm biến áp 110/22 kV trở lên. Trong khi đó, hệ thống điện mặt trời mái nhà lại ảnh hưởng từ cấp độ lưới điện hạ áp 0,4 kV.

Do đó, để giải quyết "điểm mù" này, theo kinh nghiệm từ các nước cho thấy cần phân cấp quản lý theo vùng và tăng cường sự tham gia của các công ty điện lực phân phối tỉnh/thành trong việc kiểm soát nguồn điện mặt trời phân tán...

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dien-mat-troi-mai-nha-tu-gia-0-dong-den-yeu-cau-sua-quy-hoach-dien-viii-192240821104848415.htm