Điện than toàn cầu đã giảm 13% công suất trong năm 2021
Công suất các nhà máy điện than trên toàn cầu đã giảm 13% vào năm 2021, nhưng vẫn cần có sự cắt giảm mạnh mẽ và nhanh chóng hơn để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Cơ quan giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor - GEM) mới có báo cáo khảo sát hàng năm về cắt giảm các dự án nhà máy điện than, trong đó chỉ rõ công suất nhà máy điện than trên toàn cầu đã có sự sụt giảm trong năm 2021. Báo cáo cho thấy, sau khi tăng lần đầu tiên vào năm 2020 kể từ 2015, tổng công suất điện than đang được phát triển đã giảm 13% vào năm ngoái, từ 525 GW xuống còn 457 GW và đây là mức giảm kỷ lục.
Cụ thể, năm 2021 chỉ còn 34/41 quốc gia cần xem xét cắt giảm các nhà máy điện than mới. Đặc biệt, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cam kết ngừng cấp vốn cho các nhà máy điện than mới. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu tất cả các quốc gia về xây dựng các nhà máy điện than mới, cũng như đưa vào vận hành nhiều công suất điện than hơn tất cả các quốc gia còn lại.
Theo bà Flora Champenois, phụ trách các vấn đề về năng lượng của GEM, các dự án nhà máy điện than đang bị thu hẹp, nhưng đơn giản là không còn ngân sách carbon để xây dựng các nhà máy điện than mới và cần phải dừng lại. Chỉ thị mới nhất từ báo cáo của IPCC về cơ hội vì một môi trường đáng sống đã rất rõ ràng, đó là việc ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới và cho các nhà máy hiện có ở các nước phát triển ngừng hoạt động vào năm 2030 và sau đó là các nhà máy ở các quốc gia còn lại.
Liên quan đến cắt giảm công suất điện than, báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) tháng 4/2022 cũng cảnh báo, năm 2021, công suất tổ máy điện than ròng đang hoạt động đã tăng 18,2 GW. Công suất điện than tiền xây dựng chạm mốc 280 GW trên toàn cầu, tương đương với các tổ máy đang hoạt động hiện tại của Mỹ và Nhật Bản cộng lại. Trong khi đó, công suất của các nhà máy điện than được cho ngừng hoạt động tại Mỹ đã giảm năm thứ 2 liên tiếp, từ 16,1 GW vào năm 2019, xuống 11,6 GW vào năm 2020, ước tính năm 2021 sẽ còn khoảng 6,4 GW đến 9 GW. Việc sử dụng than cần giảm 75% vào năm 2030) để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C, phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Theo IPCC, 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã cho ngừng hoạt động 12,9 GW điện than năm 2021, trong đó số công suất điện than bị ngừng hoạt động nhiều nhất ở Đức (5,8 GW), Tây Ban Nha (1,7 GW) và Bồ Đào Nha (1,9 GW). Bồ Đào Nha trở thành quốc gia không có điện than vào tháng 11/2021, sớm hơn 9 năm so với mục tiêu loại bỏ điện than vào năm 2030. Đặc biệt, công suất nhà máy điện than trong giai đoạn tiền xây dựng đã giảm 77% kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015.
Nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) – ông Lauri Myllyvirta cũng cảnh báo, nhiều nền kinh tế mới nổi đã có kế hoạch cắt giảm công suất nhiệt điện than mới, trong đó mức cắt giảm lớn nhất là ở Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh và Ai Cập. Các nước phát triển đã công bố các mục tiêu loại bỏ việc xây dựng các nhà máy điện than mới và cho ngừng hoạt động các nhà máy hiện đang hoạt động. Các quốc gia có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 nhưng không có kế hoạch loại bỏ điện than phù hợp với các mục tiêu đó cần phải đẩy mạnh các bước đi tiếp theo.
“Kế hoạch phát triển các nhà máy nhiệt điện than mới tiếp tục được Trung Quốc công bố, cùng với tham vọng tăng sản lượng điện sạch vào năm 2025. Tuy nhiên, nếu các dự án điện than mới không được kiểm soát chặt chẽ hơn, tình trạng dư thừa năng lượng từ nhiệt điện than ngày càng trầm trọng có thể khiến quá trình chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn và tốn kém hơn”, ông Lauri Myllyvirta đề xuất.
Giám đốc nghiên cứu tại E3G - ông Leo Roberts cho biết, những tác động trực tiếp của việc Nga tấn công Ukraine đối với thị trường năng lượng toàn cầu càng chứng tỏ xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới là một sai lầm phải trả giá bằng tiền.
“Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra điều này và quay lưng lại với các dự án điện than mới, nhưng nhiều quốc gia khác vẫn chưa thể bắt kịp. Những quốc gia vẫn đang cân nhắc xây dựng các nhà máy điện than mới vào năm 2022 đang công khai chấp nhận chi phí năng lượng cao cho người tiêu dùng, mối đe dọa sắp xảy ra từ khối tài sản mắc kẹt đắt đỏ, và tình trạng bất ổn an ninh năng lượng song hành với việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế”, ông Leo Roberts lưu ý./.