Điện thoại 'cục gạch' sắp bị khai tử tại Việt Nam, hàng triệu người cần biết
Theo kế hoạch tắt sóng 2G, các dòng điện thoại phổ thông – điện thoại 'cục gạch' tại Việt Nam sẽ không còn sử dụng được từ tháng 9/2024.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến tháng 9/2024 sẽ thực hiện tắt sóng 2G, từng bước tiến tới tắt sóng 3G trong những năm tới. Như vậy, các điện thoại phổ thông (hay còn gọi là "điện thoại cục gạch") chỉ nghe - gọi, nhắn tin sẽ bị "khai tử" tại Việt Nam từ tháng 9/2024.
Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia, cùng với đó là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy phát triển Chính phủ Điện tử, Kinh tế Số, Xã hội Số, giao dịch điện tử một cách nhanh chóng, đồng thời cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Tại tọa đàm "Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường mạng" do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 5/12, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, cả nước hiện còn khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động trên môi trường mạng.
Như vậy, từ tháng 9/2024, hàng triệu thuê bao 2G – những người đang dùng "điện thoại cục gạch" – sẽ chịu tác động khi tắt sóng 2G.
Các nhà mạng đã có kế hoạch giảm dần số thuê bao di động này và đang triển khai thực hiện, với mục tiêu đến tháng 9/2024 sẽ không còn những thuê bao này nữa.
Theo ông Nguyễn Trọng Tính - Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, nhà mạng này đã thực hiện chuyển đổi các khách hàng sử dụng mạng 2G lên 4G từ khoảng 4 năm trước.
Hiện Viettel cũng là nhà mạng đầu tiên đã chuyển đổi toàn bộ thuê bao 3G lên 4G thành công, chỉ còn khoảng 0,2% khách hàng sử dụng 3G.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT - cho biết, nhà mạng này mong muốn cùng đồng hành với các nhà mạng khác và các bên liên quan để tắt sóng 2G.
Năm 2015-2016, lưu lượng 2G của VinaPhone chiếm 60%. Khi áp dụng công nghệ 3G, 4G thì VNPT tiến tới kế hoạch cắt sóng 2G, kết hợp trong các chương trình ưu tiên phát triển thuê bao sử dụng 3G, 4G.
Hai năm gần đây, VNPT cũng đã chủ động tắt các trạm riêng lẻ khi nhu cầu hay lưu lượng sử dụng ít.
Về phía đại diện Mobifone, ông Lê Mai Sơn - Phó ban Truyền thông - cho biết, việc tắt sóng 2G là phù hợp với quan điểm hài hòa tối ưu cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Trong thời gian qua, Mobifone cũng đã thực hiện tắt dần thuê bao 2G only ở những nơi truy cập thấp, đồng thời có phương án đánh giá ảnh hưởng của người dân, cũng như có lộ trình cụ thể tiến tới cắt hẳn thuê bao 2G.
Tuy nhiên, theo đại diện Mobifone, cần có thêm thời gian để thuyết phục người dân, bao gồm việc hạn chế những rào cản của công nghệ 2G truyền thống và chuyển sang những công nghệ mới.
Cũng tại buổi tọa đàm, bà Vũ Thu Hiền - Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số (Cục Tần số vô tuyến điện) - cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông báo tới các doanh nghiệp viễn thông việc đến tháng 9/2024 trên mạng di động Việt Nam sẽ không còn thuê bao 2G Only.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp thêm 2 năm trên băng tần 900 MHz để cung cấp dịch vụ thoại trên nền tảng 2G cho thuê bao 3G, 4G non-VoLTE.
Sở dĩ như vậy là bởi nhiều thuê bao smartphone 3G, 4G thời kỳ đầu chưa tích hợp VoLTE - tính năng trao đổi qua nền tảng 4G. Vì thế, những thuê bao này sẽ sử dụng dịch vụ thoại qua nền tảng 2G, 3G cho đến tháng 9/2026.
Sau thời điểm tháng 9/2026, băng tần 900 MHz sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét quy hoạch lại. Dự kiến, quy hoạch mới sẽ bảo đảm việc phân chia băng tần phù hợp với sự phát triển của các công nghệ 4G, 5G.