Điện thoại trong trường, làm gì sau lệnh cấm?

Đây có thể là bước đi cần thiết để đưa môi trường học đường trở lại nơi nuôi dưỡng thể chất, cảm xúc và kỹ năng sống, thay vì những khoảng lặng rời rạc bên màn hình.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa yêu cầu nghiên cứu phương án không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi và các hoạt động giáo dục, trừ một số trường hợp. Nhưng nếu không muốn dừng lại ở một lệnh cấm đơn thuần thì trường học sẽ cần thay đổi những gì?

Lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học có thể là bước đi cần thiết để đưa môi trường học đường trở lại nơi nuôi dưỡng thể chất, cảm xúc và kỹ năng sống (Ảnh minh họa: Gemini)

Lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học có thể là bước đi cần thiết để đưa môi trường học đường trở lại nơi nuôi dưỡng thể chất, cảm xúc và kỹ năng sống (Ảnh minh họa: Gemini)

Anh Vũ Đức Thành, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, có hai con trai học lớp 6 và lớp 4. Anh dự định sẽ không cho các cháu dùng điện thoại riêng đến hết cấp 2 trước sự cám dỗ của các trò chơi điện tử và mạng xã hội:

"Ở nhà các cháu đã chơi và xem quá nhiều rồi, bây giờ đến trường lại xem nữa thì còn thời gian và tâm trí đâu mà học. Tôi mong muốn nhà trường có biện pháp giáo dục, không cho học sinh dùng điện thoại trong trường. Ở trường là thời gian dành để học tập và vui chơi, giải trí những trò chơi lành mạnh".

Hầu hết phụ huynh đều ủng hộ đề xuất cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường, và thực tế, một số trường như: THPT Trường Chinh, THPT Thạnh Lộc (TP.HCM), hay THPT Việt Đức (Hà Nội)… đã thực hiện mà không gây xáo trộn việc dạy và học:

"Vào đầu giờ trước khi vào học, tất cả lớp sẽ thu điện thoại vào một cái hộp, sau đó cất vào tủ và đợi đến khi hết giờ hoặc có chỉ thị của giáo viên thì các bạn mới được lấy điện thoại ra để sử dụng. Cháu thấy cũng không ảnh hưởng ạ. Cháu nghĩ các trường nên đầu tư vào cơ sở vật chất thể thao hoặc các phòng máy để học sinh có thể sử dụng trong thời gian rảnh".

"Em thấy rất hợp lý vì nó không bị phân tâm vào điện thoại và những thứ trên mạng. Mọi thứ thì tập trung vào học và chơi, vận động thể chất là ok nhất".

"Em thấy nên cấm, không cho dùng ở trường, còn về nhà thì các bậc phụ huynh nên quản lý nhiều hơn. Có thể dùng đồng hồ thông minh. Dùng điện thoại có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng việc học tập".

Th.S Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng, Chủ tịch Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt (IEDV) đánh giá, đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM không chỉ là biện pháp quản lý hành vi học sinh, mà còn là hành động mang tính giáo dục tổng thể.

Nhất là khi nhiều nghiên cứu đều chỉ ra việc tiếp xúc quá mức với smartphone sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vùng não bộ chịu trách nhiệm tập trung, kiểm soát cảm xúc và ghi nhớ, đồng thời trở thành “bức tường” vô hình ngăn cách học sinh giao tiếp với cộng đồng.

Tuy nhiên, để các em không phản ứng với lệnh cấm thì cần xây dựng một môi trường học đường đầy đủ “dinh dưỡng tinh thần” và những hoạt động thể chất phù hợp:

"Thứ nhất, cần thiết kế giờ ra chơi trở thành giờ tái tạo thể chất và cảm xúc, biến sân trường thành một không gian sống đúng nghĩa. Ở đó, các con có thể có khu vận động nhẹ nhàng, tương tác nhóm, góc đọc sách và một loạt trò chơi dân gian…

Thứ hai, xây dựng hệ sinh thái tương tác giữa người với người trong trường học; đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ kỹ năng để tổ chức các hoạt động kết nối để học sinh không bị bỏ rơi cảm xúc khi thiếu thiết bị.

Thứ ba, tích hợp giáo dục công dân số vào chương trình chính khóa. Bởi vì rõ ràng, các con vẫn cần sử dụng smartphone phục vụ học tập.

Trước khi áp dụng, các trường cần tổ chức các buổi gặp gỡ học sinh để lắng nghe, giải thích, thảo luận cũng như xây dựng bộ quy tắc ứng xử số. Kết nối phụ huynh để cùng nhà trường xây dựng một môi trường không thiết bị cả trong lớp học và tại nhà".

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia giáo dục, TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường là xu thế tất yếu. Nhiều nước phát triển như: Anh, Pháp, Nga, Phần Lan, Trung Quốc,… đã thực hiện trước những ảnh hưởng liên quan sức khỏe tâm thần của học sinh, sự tập trung trong học tập, khả năng giao tiếp hay quá trình vui chơi độc lập:

"Chúng ta nên tổ chức những buổi chia sẻ, thảo luận với học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh. Ai ủng hộ, ai phản đối, vì sao ủng hộ, vì sao phản đối? Dần dần các bạn và ngay cả cha mẹ cũng sẽ hiểu tại sao nên đưa quy định này vào.

Thứ hai, chúng ta sẽ phải thiết kế lại những hoạt động trong giờ chơi. Hiện nay chúng ta đã có một môn là hoạt động trải nghiệm. Thầy cô cũng có thể đưa vào các hoạt động trải nghiệm, các trò chơi dân gian, các trò chơi phát triển thể lực cho các em, cho các em thấy được niềm vui khi chơi với nhau.

Và chúng ta cũng sẽ linh hoạt trong việc thiết kế những hoạt động liên quan thiết bị công nghệ để tìm kiếm thông tin".

Các trường có thể tận dụng khoảng sân làm nơi tổ chức các hoạt động thể thao nhẹ nhàng, các buổi giao lưu nghệ thuật, đọc sách, thảo luận nhóm hoặc chơi các trò chơi dân gian... (Ảnh minh họa: Gemini)

Các trường có thể tận dụng khoảng sân làm nơi tổ chức các hoạt động thể thao nhẹ nhàng, các buổi giao lưu nghệ thuật, đọc sách, thảo luận nhóm hoặc chơi các trò chơi dân gian... (Ảnh minh họa: Gemini)

Dưới một góc nhìn khác, ThS. Lê Thị Loan, nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục, Học viện quản lý giáo dục bày tỏ, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học là cần thiết, nhưng việc thiết kế các hoạt động như thế nào để duy trì thường xuyên, lâu dài, không nhàm chán lại không đơn giản:

"Hoạt động ngoài giờ học là đoàn đội, kỹ năng sống. Muốn thế thì thầy hiệu trưởng và bên quản lý trường sẽ rất vất vả. Không phải dễ đâu, vì hàng nghìn học sinh, hàng nghìn đối tượng khác nhau, các nhu cầu khác nhau, giải trí khác nhau trong quá trình giải lao 10-15 phút. Làm thế nào để thu hút sự tham gia của người học vào các hoạt động một cách tự giác? Chúng ta phải suy nghĩ, phải đầu tư vào đó và thậm chí phải huy động cả sức mạnh của ngoài nhà trường nữa".

Ngoài TP.HCM, để áp dụng thống nhất và bài bản trên phạm vi cả nước, Th.S Lê Thị Lan Anh cho rằng cần chính sách linh hoạt, nhân văn và có ngoại lệ rõ ràng. Một số học sinh có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt như: trẻ tự kỷ, rối loạn lo âu hay khiếm khuyết ngôn ngữ,… cần sử dụng điện thoại để trị liệu, giao tiếp thay thế.

Với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, điện thoại đôi khi là công cụ học tập duy nhất, kết nối với cha mẹ. Ngoài ra, học sinh bậc cao hơn có thể sử dụng smartphone để tra cứu thông tin, học ngoại ngữ, rèn kỹ năng qua các nền tảng trực tuyến nếu được giáo viên cho phép.

Trong từng trường hợp, nhà trường cần phối hợp phụ huynh và chuyên gia để đưa ra phương án phù hợp, tránh áp dụng cứng nhắc, làm mất đi những giá trị tích cực của thiết bị.

Nhiều nước phát triển đã thực hiện lệnh cấm sử dụng điện thoại trong trường học và ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Như tại bang New South Wales (Australia), 87% học sinh đã giảm sự phân tâm và chất lượng học tập của 81% học sinh đã được cải thiện.

Vì vậy, việc TP.HCM nghiên cứu phương án không cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường được hầu hết người dân ủng hộ.

Đó không phải là quay lưng với công nghệ, mà là cách để giành lại không gian giáo dục đúng nghĩa, nơi các em học cách lắng nghe, trò chuyện, vận động và sáng tạo, để lớn lên cùng cộng đồng thay vì trở thành “phiên bản mini” của người lớn nghiện công nghệ.

Cất điện thoại, mở không gian phát triển toàn diện cho trẻ

Giờ ra chơi - khoảng thời gian từng gắn liền với nhảy dây, đá cầu, sách truyện,… của biết bao thế hệ học trò, nay đang dần vắng bóng trên sân trường thời công nghệ. Từng nhóm học sinh ngồi lặng lẽ, cắm cúi trước thiết bị di động.

Không gian trường lớp không còn là nơi kết nối, mà dần trở thành nơi “tiêu thụ” nội dung, hình ảnh và tương tác ảo một cách nhanh, liên tục và đơn độc. Thậm chí, ngay cả trong giờ học, với chiếc smartphone kè kè bên mình, học sinh có thể dùng trộm mà giáo viên không thể kiểm soát từ ly từng tí.

Vì vậy, việc cấm điện thoại trong môi trường học đường không chỉ là một mệnh lệnh hành chính, mà còn là “tuyên ngôn” của ngành giáo dục để đưa trường học trở lại với vai trò cơ bản nhất: nơi nuôi dưỡng con người, cả về thể chất lẫn cảm xúc.

Tuy nhiên, nếu bị “tước” điện thoại mà không có gì thay thế thì cảm giác hụt hẫng là điều khó tránh. Để học sinh không tìm cách đối phó, phản kháng, nhà trường cần trở thành “kiến trúc sư” cho những khoảng chơi thực sự lôi cuốn và nhân văn.

Trường học cần được nhìn nhận không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn là không gian sống, không gian cảm xúc và rèn luyện thói quen. Sẽ là một thay đổi lớn nếu mỗi giờ ra chơi, mỗi khoảng nghỉ được thiết kế như một phần mở rộng của giáo dục, không phải bằng sách vở mà bằng trải nghiệm sống động, nơi khuyến khích sự vận động, tương tác và sáng tạo.

Nhưng trước hết, giờ ra chơi, giải lao nên là khoảng thời gian để học sinh nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ học tập trung, căng thẳng. Giáo viên cũng có thể hướng dẫn các em vài động tác vươn vai, tập luyện nhẹ nhàng tại chỗ để giãn cơ, giảm mỏi mắt và nạp lại năng lượng. Đó sẽ là khoảng ngắn quý giá để tái tạo cả thể chất lẫn tinh thần, thứ lâu nay bị điện thoại âm thầm chiếm chỗ.

Sau đó, các trường có thể tận dụng khoảng sân làm nơi tổ chức các hoạt động thể thao nhẹ nhàng, các buổi giao lưu nghệ thuật, đọc sách, thảo luận nhóm hoặc chơi các trò chơi dân gian,… Thay vì để học sinh tự xoay sở với thời gian rảnh, các “trạm hoạt động” luân phiên có thể được thực hiện với sự tự do lựa chọn của học sinh, giúp các em nuôi dưỡng cả sở thích lẫn kỹ năng mềm.

Trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn là không gian sống, nơi trẻ học cách lắng nghe, trò chuyện, vận động, sáng tạo và lớn lên cùng cộng đồng (Ảnh minh họa: Gemini)

Trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn là không gian sống, nơi trẻ học cách lắng nghe, trò chuyện, vận động, sáng tạo và lớn lên cùng cộng đồng (Ảnh minh họa: Gemini)

Tuy nhiên, việc tổ chức là “bài toán” không dễ với nhà trường, bởi bất kỳ hoạt động nào cũng có thể dần nhàm chán sau một thời gian dài. Lúc này, vai trò của các CLB, tổ chức đoàn đội là rất quan trọng, không chỉ làm tươi mới mà còn cập nhật những xu hướng đang được học sinh quan tâm. Bên cạnh tâm huyết của các thầy cô, chính các em có thể tự tay dựng sân chơi yêu thích cho mình khi được trao quyền chủ động.

Song song với đó, cần giải thích cụ thể để học sinh hiểu rằng việc cấm điện thoại không phải là trừng phạt, mà là bảo vệ chính các em. Đặc biệt là lứa tuổi trung học, vốn có ý thức cá nhân mạnh mẽ, lại càng cần thuyết phục bằng lý lẽ, trải nghiệm thực tế và bằng cả sự lắng nghe để không biến lệnh cấm thành cuộc đối đầu.

Và để thuyết phục hơn nữa, nhà trường, thầy cô giáo phải làm gương. Trong không gian học đường, người lớn đừng sao nhãng giao tiếp trực tiếp với học sinh vì mải điện thoại. Giáo viên đừng sao nhãng giờ giảng, giờ sinh hoạt với các em bởi điện thoại. Cũng đừng để trẻ phải chăm chăm xem điện thoại để biết thầy cô giao việc, hướng dẫn tài liệu hoặc truyền đạt, dặn dò gì.

Muốn vậy, người lớn cần thay đổi cách ứng xử và sử dụng điện thoại một cách thực chất, từ cơ chế trao đổi thông tin, giao tiếp đến sử dụng nó như một công cụ. Giáo viên cố gắng thôi chưa đủ, mà nhà trường cần để giáo viên toàn tâm toàn ý cho thời gian trên lớp bằng cách đừng tích hợp cho thầy cô giáo quá nhiều nhiệm vụ ngoài giảng dạy.

Còn với những trường hợp đặc biệt, như các em có nhu cầu liên lạc thường xuyên với gia đình vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh cá nhân, nhà trường cần có cơ chế linh hoạt, cho phép sử dụng điện thoại theo khung giờ và vị trí cụ thể, dưới sự theo dõi của giáo viên hoặc cán bộ hỗ trợ.

Đồng thời, các trường cần công bố rõ ràng đầu mối trực trong giờ học như số điện thoại của văn phòng, hỗ trợ phụ huynh nhanh chóng, chính xác và có trách nhiệm. Một hệ thống đơn giản, minh bạch sẽ giúp phụ huynh yên tâm và học sinh không còn viện cớ để giữ điện thoại bên người.

Bên cạnh không gian vật lý, cần thay đổi cả không gian tinh thần của nhà trường. Giáo viên cần được đào tạo để không xem giờ ra chơi hay hoạt động ngoại khóa là phần việc phụ, mà là cơ hội giáo dục quý giá. Những mối quan hệ thầy trò, bạn bè sẽ được xây dựng vững chắc hơn nếu có nhiều tương tác thực.

Một số quốc gia đã đi trước Việt Nam trong việc xây dựng những khoảng chơi lành mạnh. Ở Phần Lan, học sinh có thể vận động nhẹ ngoài trời giữa các tiết học, không thiết bị di động. Ở Singapore, nhiều trường tổ chức “silent reading time” - khoảng thời gian yên lặng để đọc sách hàng ngày ngoài giờ học chính.

Hay Nhật Bản, học sinh được khuyến khích tham gia chăm sóc vườn trường, dọn dẹp lớp học, giúp đỡ nhau như một phần văn hóa giáo dục. Những hoạt động này không đòi hỏi chi phí cao, nhưng mang đến lợi ích lớn cho sự phát triển toàn diện.

Và giống như mọi hoạt động giáo dục khác, thành công không thể thiếu vai trò đồng hành của gia đình. Phụ huynh không nên chỉ kiểm soát giờ con dùng điện thoại ở nhà, mà cần cùng con hình thành thói quen giải trí lành mạnh. Nếu cha mẹ vẫn còn lướt điện thoại trong vô thức thì những lời khuyên về smartphone sẽ chẳng có sức thuyết phục với con trẻ.

Khi những chiếc điện thoại được cất đi, điều trường học cần trả lại cho học sinh không chỉ là thời gian, mà là cảm giác thuộc về một cộng đồng sống động - nơi các em được nhìn thấy nhau, lắng nghe và lớn lên cùng nhau.

Nếu nhịp đập cuộc sống thật quay trở lại với tiếng gọi nhau từ cuối lớp, ánh mắt rạng rỡ khi chuyền tay nhau một cuốn sách vừa mượn, hay tiếng reo vang bên những trò chơi mà cha mẹ các em từng nô đùa thuở nhỏ, thì lúc đó, lệnh cấm điện thoại không phải là giới hạn, mà là khởi đầu cho một hành trình trưởng thành trọn vẹn.

Minh Hiếu/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dien-thoai-trong-truong-lam-gi-sau-lenh-cam-post1216328.vov