Diện tích nhỏ, giá trị lớn

Những năm qua, người dân trồng vải thiều trong tỉnh không ngừng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, tạo vùng vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, dù diện tích một số vùng trồng vải không lớn nhưng do đạt chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường cao cấp nên mang lại giá trị lớn.

Theo bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, năm nay là năm thứ 6 doanh nghiệp đồng hành cùng bà con Bắc Giang xuất khẩu vải thiều. Đến nay, Công ty đã xuất khẩu sản phẩm sang 10 quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và một số nước châu Âu, khu vực Đông Nam Á... Hiệu ứng lan tỏa sản phẩm từ những thị trường này khá tốt. Tuy nhiên, để sản phẩm xuất khẩu được vào những thị trường cao cấp, doanh nghiệp phải cùng nhà vườn liên kết chặt chẽ từ khâu chăm sóc đến thu hoạch.

 Bà Lý Thị Hà, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) chăm sóc vải thiều theo quy trình VietGAP.

Bà Lý Thị Hà, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) chăm sóc vải thiều theo quy trình VietGAP.

Công đoạn chăm sóc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, khi phân tích mẫu, các chỉ số phải đạt theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Nhờ thực hiện đồng bộ nên quả vải trồng theo quy trình này có giá bán cao, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cao hơn nhiều so với cách chăm sóc thông thường. Dự kiến, năm 2025, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 nghìn tấn quả vải tươi Bắc Giang sang thị trường cao cấp.

Đồng tình với bà Hồng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng cho rằng, để xuất khẩu vải vào thị trường khó tính cần có nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng. Muốn vậy phải có sự quy hoạch, giám sát các mô hình sản xuất, tạo thêm nhiều chuỗi liên kết hơn nữa giữa người trồng vải và doanh nghiệp. Vì thế, ngoài sự tham gia của người dân, đồng hành của doanh nghiệp cần có sự đầu tư xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu của cơ quan chức năng; Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ, xúc tiến mở rộng thị trường ở những quốc gia có tiềm năng, người dân có nhu cầu sử dụng vải thiều lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Cùng đó, cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu công nghệ bảo quản vải thiều sau thu hoạch. Việc điều chỉnh thời gian thu hoạch vải thiều sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, đặc biệt là nếu có thể đẩy sớm hơn hoặc kéo dài mùa vụ thu hoạch thì thêm cơ hội xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bắc Giang có vùng vải thiều tập trung lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 29,7 nghìn ha. Trong đó, huyện Lục Ngạn có hơn 10 nghìn ha, đã có diện tích dù quy mô không lớn nhưng giá trị cao do được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường cao cấp. Bà Lý Thị Hà, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) cho biết, nhiều năm nay, gia đình bà trồng vải theo quy trình VietGAP cho quả to, mã đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến mùa thu hoạch, vải được thương nhân về đặt hàng, thu mua tại vườn, giá cao hơn vải trồng thông thường. Nếu thời tiết thuận lợi từ nay đến cuối vụ, gia đình bà ước vụ này thu được hơn 10 tấn quả.

Dư địa để sản xuất vải theo quy trình tiên tiến còn nhiều. Với sự đồng hành của Nhà nước, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp thì không chỉ một phần diện tích mà tới đây, tại huyện Lục Ngạn nói riêng, Bắc Giang nói chung sẽ có hàng loạt vùng trồng vải thiều đáp ứng tiêu chuẩn, khẳng định thương hiệu và vị thế trên thị trường quốc tế.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dien-tich-nho-gia-tri-lon-postid418339.bbg