Thuế quan Mỹ làm chậm hoạt động kinh tế của Trung Quốc

Các chỉ số kinh tế chủ chốt của Trung Quốc trong tháng 4 đều không đạt kỳ vọng, phản ánh nhiều thách thức còn tồn đọng.

 Doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc trong tháng 4 đều không đạt kỳ vọng. Ảnh: Reuters.

Doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc trong tháng 4 đều không đạt kỳ vọng. Ảnh: Reuters.

Ngày 19/5, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sản lượng công nghiệp tháng 4 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn tháng 3 là 7,7%.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ chỉ tăng 5,1%, thấp hơn mức dự báo của Reuters (5,5%) và cũng chậm hơn tháng trước đó (5,9%).

Kinh tế đối mặt nhiều bất ổn

Dù sản xuất giữ được đà tăng, sức tiêu dùng tháng 4 chững lại cho thấy Trung Quốc vẫn cần thêm hỗ trợ, nhất là khi giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ "tâm lý chủ quan" sau 90 ngày tạm hạ nhiệt căng thẳng thuế quan.

"Môi trường bên ngoài vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn và không chắc chắn. Các nền tảng để phục hồi kinh tế cần tiếp tục được củng cố", NBS nhận định.

Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2025, đồng thời xác định thúc đẩy tiêu dùng trong nước là ưu tiên hàng đầu của năm nay.

Ông Raymond Yeung, Kinh tế trưởng Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ cũng nhấn mạnh rằng tiêu dùng vẫn là động lực chủ chốt nếu Trung Quốc muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 5%.

Bên cạnh đó, trong 4 tháng đầu năm, đầu tư tài sản cố định tăng 4%, thấp hơn mức kỳ vọng 4,2% theo khảo sát của Reuters. Riêng lĩnh vực bất động sản ghi nhận mức sụt giảm mạnh 10,3%.

 Tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế. Ảnh: NBS.

Tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế. Ảnh: NBS.

Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tháng 4 chỉ giảm nhẹ xuống 5,1%, giữa lo ngại về nguy cơ thất nghiệp diện rộng do căng thẳng thương mại với Mỹ.

Tháng trước, Mỹ áp thuế nhập khẩu 145% lên hàng Trung Quốc, và Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125%. Căng thẳng tạm hạ nhiệt sau cuộc gặp tại Geneva đầu tháng 5, khi hai bên đồng ý giảm mạnh thuế trong 90 ngày.

Thỏa thuận tạm hạ nhiệt căng thẳng thuế quan được đưa ra sau khi nền kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc đều "thấm đòn" từ các chính sách áp thuế, theo CNBC.

Tại Trung Quốc, sản xuất tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, trong khi chỉ số đơn hàng mới chạm đáy hơn 2 năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng giảm 3 tháng liên tiếp, phản ánh áp lực giảm phát kéo dài trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 lại vượt kỳ vọng, nhờ đẩy mạnh bán hàng sang Đông Nam Á để bù đắp cho sự sụt giảm tại thị trường Mỹ. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu sang Mỹ giảm 2,5% trong 4 tháng đầu năm, riêng tháng 4 giảm tới 21%.

Đáng nói, sự thiếu rõ ràng trong các vòng đàm phán tiếp theo khiến doanh nghiệp vẫn dè chừng mở rộng sản xuất hay đầu tư mới, theo Bloomberg.

Tự tin đạt tăng trưởng, chưa vội tung thêm gói kích thích

Tommy Xie, Giám đốc nghiên cứu tại Ngân hàng OCBC, dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 5% trong quý II, sau khi đạt 5,4% trong quý I. Mức này đủ để Bắc Kinh chạm mục tiêu tăng trưởng quanh 5% trong năm nay.

 Ngành bất động sản Trung Quốc chật vật phục hồi sau nhiều năm suy thoái. Nguồn: NBS.

Ngành bất động sản Trung Quốc chật vật phục hồi sau nhiều năm suy thoái. Nguồn: NBS.

Một số tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs cũng đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2025, dù vẫn thấp hơn mục tiêu mà giới chức đề ra. Việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại được kỳ vọng sẽ giúp chính phủ có thêm dư địa trước khi phải tung ra các gói hỗ trợ tiếp theo.

Trong bối cảnh đó, Morgan Stanley gần đây đã hạ dự báo về quy mô gói kích thích tài khóa bổ sung trong quý IV, từ 1.500 tỷ nhân dân tệ xuống còn 1.000 tỷ (tương đương 139 tỷ USD). "Khi căng thẳng thương mại lắng dịu và nền kinh tế trong nước tiếp tục trụ vững, Trung Quốc có thể chưa cần thêm biện pháp kích thích", ông Xiangrong Yu, kinh tế trưởng Trung Quốc tại Citi, nhận định trong báo cáo ngày 15/5.

Tuy nhiên, dữ liệu tiêu dùng cho thấy sự phục hồi vẫn còn mong manh. Trong tháng 4, chương trình trợ giá đã góp phần thúc đẩy doanh số nhóm hàng gia dụng, viễn thông và nội thất. Dù vậy, doanh số ôtô, chiếm gần 10% tổng mức bán lẻ, chỉ tăng chưa tới 1%, thấp hơn nhiều so với mức 5,5% của tháng 3.

"Các chính sách như hỗ trợ đổi cũ lấy mới có thể giúp tiêu dùng ổn định trong ngắn hạn", ông Lynn Song, Kinh tế trưởng Trung Quốc tại ING, nhận định. Nhưng để phục hồi bền vững, ông khẳng định chính phủ cần cải thiện tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt thông qua sự ổn định giá tài sản và tăng trưởng thu nhập.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/thue-quan-my-lam-cham-hoat-dong-kinh-te-cua-trung-quoc-post1554161.html