Diễn từ của nhà văn

Diễn từ là một lời phát biểu được đọc trong dịp long trọng. Diễn từ của nhà văn thường là một bài phát biểu, hay một tham luận thường được chuẩn bị kỹ lưỡng để đọc trong những buổi được nhận giải thưởng văn chương, hay một sự kiện văn học nào đó. Đó là những bài viết thể hiện những tư tưởng, suy nghĩ của nhà văn ở từng thời điểm, với những thông điệp, kỳ vọng…

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tại một buổi giao lưu, tặng chữ ký cho độc giả.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tại một buổi giao lưu, tặng chữ ký cho độc giả.

Văn chương Việt Nam trong những năm vừa qua, bằng cách này hay cách khác, đã bước ra thế giới và nhận được những giải thưởng vinh danh. Tác giả của nhiều tác phẩm văn học đó cũng đã ra nước ngoài nhận giải thưởng.

Có thể kể đến những cái tên, như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư… Tại những buổi lễ vinh danh trang trọng đó, các nhà văn Việt Nam cũng có những bài diễn từ thú vị.

Tinh hoa Việt số này xin giới thiệu 2 diễn từ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, một đọc tại buổi lễ trao giải thưởng LiBeraturpreis 2018 của Đức; và một tại Hàn Quốc, nhân dịp ra mắt bản dịch "Cách đồng bất tận" ra tiếng Hàn (năm 2007).

Từ những thì thầm

Tôi thường đọc sách trong sự ồn ào. Nhiều tiếng nói vang lên, và không dễ chịu chút nào, khi đó là những lời thẳng thắn. Rằng: "Lúc mi chưa sinh ra thì những Honoré de Balzac, Franz Kafka, William Faulkner, Heinrich Boll, Patrick White, Gabriel García Márquez... đã vĩ đại rồi, và những trường phái văn chương đã định hình, hoàn thiện khi mi tập đi bên những hố bom. Văn chương thế giới đã rực rỡ trước khi mi trở thành đốm lửa".

"Sống và viết trong cộng đồng ngôn ngữ nhỏ bé, không phải trung tâm thế giới, ai sẽ nhìn thấy ánh sáng của mi?".

"Con đường mà mi tưởng mình là người đầu tiên bước vào, đã có người đi rất nhiều năm trước, và mi chỉ đang giẫm lên những dấu chân có sẵn. Mi tới nơi khi họ đã xong việc, đã rời đi".

Những tiếng nói ấy không cười nhạo tôi, không chút nào, chúng chỉ nói sự thật. Và sự thật thường mất lòng.

Gặp một cuốn sách hay, nghĩa là đọc cùng với những cơn chóng mặt. Văn chương thế giới mà tôi tiếp xúc, bằng những cuốn sách chuyền tay cũ sờn, đôi khi là bản photocopy - thứ sách giả như những nhà sưu tầm thường gọi - nhưng chữ của chúng là thật.

Những cuốn sách ấy, rất sớm, đã nhấc bổng mang tôi ra khỏi lòng giếng chật chội, và vào giây phút tôi nhận ra bầu trời rộng lớn nhường nào, tôi ngộp thở. Thứ sức mạnh mà tôi có được từ ảo tưởng, rằng mình là trung tâm của thế giới, cũng mất đi.

Những cuốn sách đánh thức bản năng viết, giúp tôi bước vào thế giới văn chương bằng những câu chuyện, nhưng chính chúng đôi khi đã làm tôi thấy mình biến dạng, chực tan đi không dấu vết gì.

Nhưng may thay, tôi là một người viết. Và lúc tôi viết, tôi cố định lại hình dáng và tiếng nói của mình, lấy lại những màu sắc vốn có, bởi những lời đáng sợ kia đã ngừng bên ngoài trang giấy. Duy nhất, lúc đó, chỉ còn lời thì thầm. Hãy kể câu chuyện này. Hãy kể câu chuyện này. Hãy kể câu chuyện này.

Bám riết, dẳng dai, nhưng lời thì thầm ấy đủ vang động để lay tôi dậy lúc nửa đêm, nằm với tôi cho tới khi trời sáng. Đôi khi vì mãi lắng nghe sự thôi thúc mãnh liệt đó, tôi đã văng ra khỏi cuộc trò chuyện với con mình, và tụi nhỏ đã quen với việc bà mẹ bỗng dưng xao lãng, không nghe thấy lời của chúng.

Đi chợ về, tôi thường lạc đường, cho tới khi nhận ra đang ngược hướng nhà mình. Và tôi ngờ rằng những món ăn tôi nấu lên trong căn bếp mù khói đã không ngon bởi vì tôi chẳng trọn lòng để ý tiếng cơm sôi, tiếng con cá nứt mình ra trong nồi, mà mãi lắng tai nghe lời thì thầm ấy.

Chẳng có gì để dứt tôi ra khỏi lời thì thầm, khi tôi chơi trong vườn với các con mình, đưa chúng tới trường, khi ngồi trong buổi tiệc đông người, hay lúc lau dọn căn nhà hay bị bày bừa bởi những đứa trẻ. Cả lúc tôi lang thang trên những nơi chốn xa xôi trên đất nước mình nhằm kháng cự sự tẻ nhạt, thì lời thì thầm vẫn theo chân.

Âm thanh đó chỉ ngưng khi tôi viết ra xong câu chuyện của mình, để lại trong tôi không cơn trống rỗng. Thật may, có quá nhiều câu chuyện đang xếp hàng chờ được kể, và cũng chừng ấy lời thì thầm còn chờ để vẳng bên tôi.

Hãy kể câu chuyện này, nó là của bạn. Một khi lời thì thầm cất tiếng, tôi không còn bối rối bởi những ồn ã chung quanh. Những hứa hẹn và dọa dẫm. Tán thưởng và ghét bỏ. Ảo tưởng và mặc cảm. Yêu thương và đố kỵ.

Chúng có thể vang động, gây choáng váng vào một vài giây phút nào đó, rồi lời thì thầm kia về lại với tôi, chỉ để nói hãy viết câu chuyện thuộc về tôi.

Nó xua sợ hãi, và làm tôi quên mất những cái bóng vĩ đại trên đầu mình. Hãy kể câu chuyện này ra, bởi bạn là nhà văn, đó là việc bạn phải làm, duy nhất. Và đó là thứ duy nhất làm nên một thế đứng kiêu hãnh, cho người viết.

Tôi tin người ta luôn có những câu chuyện giống nhau, cùng sở hữu một vốn từ ngữ gần như nhau, nhưng mỗi người sẽ có một cách kể của riêng mình, từ cách chạm vào đời sống, cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời sống ấy, tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn, và tinh tế.

Và tôi cũng tin có hàng triệu câu chuyện được viết ra dưới vòm trời này, chúng lẩn khuất đâu đó ở những xứ sở xa xôi, với những người đọc ít ỏi của mình, trong những tiểu vùng ngôn ngữ, nhưng chúng vẫn ở đó, không chờ đợi được tưởng thưởng hay vỗ về, chúng ở đó vì người viết chúng không thể và không muốn quay lưng lại với lời thì thầm: "Bạn hãy kể câu chuyện này ra, nó sinh ra là dành cho bạn, không phải sao?".

Khi những câu chuyện của tôi đến với bạn đọc Đức, tôi đã nghĩ những người dịch cuốn sách không chỉ có mối đồng cảm lớn, mà còn rất can đảm.

Họ đã làm việc với một bản văn nhiều thổ ngữ, bối cảnh xa lạ, mà cả người ở miền Bắc Việt Nam cũng thấy hoang mang không hình dung được bụi ô rô mọc ven sông, tiếng con chim bìm bịp vào lúc thủy triều lên, và ngọn gió chướng vẫn thường thổi suốt mùa khô đồng bằng hạ lưu sông Mekong.

Có thứ quen thuộc nào chăng, thì đó là những con người đi lại, nói cười và đau đớn ở trong những tác phẩm ấy. Và con người thì không xa lạ với nhau.

Tôi đặc biệt cảm ơn ông bà dịch giả Günter Giesenfeld cùng với các cộng sự đã mang những câu chuyện của tôi đến nơi chốn bất ngờ này, mặc cho nó bộ áo ngôn ngữ mới. Như tôi có lần đã viết trong thư riêng với ông Giesenfeid, nay xin lặp lại ở đây, "giải thưởng này là của chúng ta".

Cảm ơn Hiệp hội Litprom đã níu giữ những câu chuyện của tôi, dát cho chúng chút ánh sáng, trước khi chúng tiếp tục chuyến đi vào cuộc thử thách của thời gian. Chúng có thể lấm bụi, hoặc rực rỡ ở cuối đường, không ai biết được, kể cả người tạo ra chúng. Tôi ngờ rằng mình quá bận để dõi theo, bởi đang lắng nghe những lời thì thầm khác.

Lớn lên từ những ngộ nhận

Làm sao giải thoát được sự cô đơn, làm sao nói với nhiều hơn một người, tôi tự hỏi mình câu hỏi đó khi bắt đầu tuổi mười tám trên một mảnh vườn thênh thang vắng rợn bóng người. Những năm sau đó thật là dài, như vô tận, với một đứa trẻ luôn cần sự sôi động. Và tôi viết văn. Câu hỏi mà những người thân đặt ra khi nhìn thấy những trang viết đầu tiên của tôi là “tại sao con viết văn?”. Tôi bảo rằng, tại con buồn.

Đó là ngộ nhận đầu tiên của tôi về nghề viết, tôi tưởng viết là sẽ không cô đơn nữa. Nhưng cô đơn là sự tối cần của người viết, nó là một điều kiện hàng đầu của nhà văn. Không một người viết hay nào tôi biết mà không cô đơn, không một thần tượng văn chương nào của tôi mà không bị cô đơn giày vò. Và để chạy trốn nỗi cô đơn trong giao tiếp đơn thuần mặt nhìn mặt, tay nắm tay, việc viết văn đã dẫn tôi đến sự cô đơn khác, đó là ở giữa đám đông mà họ không thấy tôi, hoặc họ thấy một cái gì đó giống tôi, họ tưởng là tôi, nhưng tôi đang đứng ở một chỗ khác, một mình, chờ một bàn tay chạm. Khi người ta bằng mọi cách chạy trốn sự cô đơn thì tôi, và những đồng nghiệp của tôi lại nuôi cô đơn, cho nó ăn để duy trì sự cô đơn tồn tại trong người mình cho cái gọi là sáng tạo văn chương.

Với lý do đó, tôi bắt đầu một ngộ nhận khác, rằng văn chương là công việc đơn độc, đó là công việc thuần túy cá nhân, ít ảnh hưởng đến những người chung quanh. Nhưng khả năng tác động của văn học với mỗi độc giả đã dạy tôi rằng, một khi tác phẩm đến với bạn đọc, nó không còn là của tôi, và tư duy theo cách của tôi nữa. Mỗi người đọc có một cách nghĩ khác nhau. Nhà văn luôn ở trong tâm thế của một người mẹ phải đưa đứa con ra đường, và để cho nó tự sống, được nâng niu hay ruồng rẫy, được chăm sóc hay chà đạp, bà mẹ không thể làm gì, bởi đứa con đã vượt ra khỏi tầm tay bà. Một người viết dấn thân luôn gặp phải va chạm giữa những tư tưởng, những kiểu hiểu và hành xử khác nhau. Đó là công việc không an toàn chút nào, nó đầy rủi ro, bất trắc. Người viết cũng là một người lính. Tôi hoàn toàn thích cách ví von này, nó làm cho tôi có được một lý do để yêu nghề.

Tranh: Thành Chương.

Tranh: Thành Chương.

Bởi tôi đã tưởng mình không yêu thích, không đam mê viết. Tôi chỉ nghĩ, đó là một nghề sống được, như người thợ máy, như người thầy giáo, như một viên chức mẫn cán... Tôi sẽ rời bỏ công việc này khi nào tôi không thích nữa. Nhưng văn chương đã ở bên tôi vào những lúc mệt mỏi và kiệt sức nhất, những lúc tôi hạnh phúc, thăng hoa nhất. Và giữa lúc này đây, ở giữa các bạn, những người thuộc một quốc gia khác, với một văn hóa chính trị khác với đất nước tôi, tôi thấy mình yêu công việc sáng tạo văn chương hơn bao giờ hết, yêu vì ngạc nhiên trước khả năng chia sẻ của văn học, đã vượt qua khỏi những biên giới địa lý, những rào cản ngôn ngữ, những khác biệt của lối sống. Tôi vốn là người hay xây những bức tường quanh mình, bỗng một ngày nhận mình cũng có khả năng bắc một nhịp cầu. Và tôi có thể đến với người, nếu muốn.

Tôi sinh sống ở vùng đất Nam Bộ, và những tác phẩm của tôi đều viết về đất và người Nam Bộ. Mảnh đất cuối cùng của đất nước tôi hay mang một cảm giác nhược tiểu của vùng đất mới khai phá, không có cái nền văn hóa dày và sâu, nằm xa những trung tâm văn hóa kinh tế lớn, giáo dục, đặc biệt là văn học ít có thành tựu, không được đánh giá cao trong giới cầm bút, trong những tổng kết của văn học Việt Nam. Bất cứ người viết văn nào xuất hiện ở vùng đất này đều được sự đón nhận nồng nhiệt, tôi cũng vậy. Được xem như một đặc sản của miền Nam, một người viết Nam Bộ thuần túy, nhận nhiều kỳ vọng của mọi người, đặc biệt là đồng nghiệp, tôi sung sướng, và thấy hài lòng, mình đã làm việc đó cho quê hương, cho mảnh đất này.

Nhưng sự trải nghiệm của tuổi tác, của thời gian đã làm tôi nhận ra, những gì tôi viết là không gian của riêng tôi, của sự tưởng tượng và sáng tạo. Những đất ấy, người ấy, tôi chỉ mượn cái hồn cốt, giai điệu của Nam Bộ để chuyển tải. Thổ ngữ địa phương chỉ là phương tiện thể hiện ý tưởng và câu chuyện của người viết. Chúng được mọi người xem là phong cách riêng của văn tôi. Nhưng thực chất đó chỉ là một lớp vỏ, tôi muốn bỏ qua cả lớp vỏ đó, để tận mắt thấy trên mảnh đất này, người đời đang lạnh hay ấm, vui hay đau qua làn da, qua từng vết tím, từng cái se lại của lỗ chân lông, thấu thị tận tâm hồn, như một người hành hương về chốn tâm linh không cần bất cứ phương tiện hiện đại nào, chỉ bằng đôi chân trần. Những gì tôi viết, tình yêu, sự dối trá, thù hận, sự tha thứ, hay trả thù, tôi tin rằng chúng xảy ra ở bất cứ vùng miền nào trên trái đất này. Bởi đâu đâu cũng những thân phận, những số phận con người.

Nghề viết, văn chương vốn gây nhiều ngộ nhận, ngộ nhận liên tiếp ngộ nhận. Ngộ nhận ngay từ trên tác phẩm, tưởng chỉ là con chữ nhưng bỗng đâu nhân vật với đầy đủ xương thịt sống động mỉm cười. Tỉnh ra là sự thất vọng bàng hoàng giữa ý tưởng và thể hiện thực tế; giữa cuộc sống bề bộn nóng hổi và sự xa lạ lạnh lẽo của trang viết; giữa thực tại và mơ ước, khát vọng văn chương; giữa cái cảm giác của một người viết ra tác phẩm và của một người đọc để nhìn nhận nó theo cách khách quan.

Tôi luôn tự hỏi, mình đã đủ tỉnh táo chưa, đầu mình đã đủ lạnh chưa cho một trái tim quá nóng? Những trang viết này có làm mình xấu hổ không, có đi vào lòng người không, có khiến người ta nhớ không? Những câu hỏi đặt ra chỉ là cách để tôi không phải vướng vào một ngộ nhận sơ đẳng nhất, nhưng dễ giết chết người viết văn nhất, đó là ảo tưởng về mình. Tôi sợ mất mình, sợ lạc mình ở một nơi mà cả đời không tìm lại được vì tưởng mình đã ở quá cao. Thực tế, trong văn học không hề có đỉnh cao nào, và tôi chỉ là người viết cô đơn ngơ ngác bên chân núi.

Chỉ cần giữ được mình, dù thời gian tiếp nối, những ngộ nhận cũng tiếp nối, lên một bậc thang, ngoái nhìn bên dưới, tôi sẽ nhìn rõ hơn con đường mình từng đi. Nó in hằn những bước chân lúc thẳng, cương quyết, lúc chuệch choạc, ngập ngừng.

Ngày mai, khi nghĩ về những gì tôi phát biểu trong cuộc gặp gỡ này, rất có thể tôi sẽ tự cười mình. Bản thân tác phẩm của mỗi người viết văn đã nói lên nỗi buồn, nỗi cô đơn, tư duy sáng tạo, cách nhìn cuộc sống… Diễn giải bản thân ngoại phạm vi tác phẩm, mong nhận được sự đồng cảm của các bạn, có thể sẽ là một ngộ nhận khác.

Sự quyền biến sâu thẳm của công việc viết văn khiến tôi có những giấc mơ dại dột của riêng mình và khi tỉnh dậy, tôi luôn thấy mình lớn lên.

T.H.V

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dien-tu-cua-nha-van-10287969.html