Diễn viên, NSND Lê Khanh Còn cuộc sống là còn tất cả
Hai năm kể từ khi nghỉ hưu và rời Nhà hát Tuổi trẻ tưởng như khép lại sự đa đoan trên sân khấu của NSND Lê Khanh. Nhưng đó lại là bước mở đầu cho một quãng thời gian mới của chị, với biên độ hoạt động được mở ra trong cả điện ảnh, gameshows, giảng dạy - mà quả ngọt lớn nhất chính là giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII vừa rồi.
Người ta đã nói rất nhiều về chị với thành công của một Lý Lệ Hà trong Gái già lắm chiêu V, cũng như hành trình tái xuất màn bạc sau hai thập kỷ vắng bóng. Và cả sự hạnh phúc, viên mãn ở tuổi xế chiều khi tận hưởng cuộc sống cùng gia đình nhỏ ở ngôi nhà mới rộng 200 mét vuông tại ngoại ô Hà Nội - nơi còn giữ được những nét sinh hoạt thuần chất thôn quê như chị hằng mong đợi nhiều năm nay.
Thế nhưng, với NSND Lê Khanh, hai năm qua không chỉ có vậy. Như tất cả những con người bình thường nhất, người phụ nữ ở tuổi 58 này cũng có những xúc cảm và chiêm nghiệm riêng về quãng thời gian đón "bão Covid-19", về những hệ giá trị bỗng được nhìn nhận lại trong dịch bệnh. Và cả về cái Tết đang được trông đợi và đón chờ, để mở ra luồng sinh khí mới sau chuỗi 365 nhịp mặt trời Tân Sửu.
Ðại dịch dạy ta trân quý những gì giản dị nhất
Mỗi người trong số chúng ta đều có những câu chuyện về cách nhập cuộc của mình trong quãng thời gian khó khăn vừa rồi. Và, tôi rất muốn được nghe câu chuyện từ chị…
Có lẽ, mỗi làn sóng của đại dịch Covid-19 lại mang cho tôi những cảm xúc khác nhau. Lần đầu là sự bần thần và cảm giác sốc đến tận óc, khi tôi đứng ngẩn ngơ trước cửa nhà để nhìn hai thái cực đang cùng lúc tồn tại trên phố phường Hà Nội: vắng tanh vắng ngắt ở những trục đường lớn, nhưng lại kéo dài mãi những dòng người xếp hàng trước các siêu thị, với sự hối hả pha chút hoang mang.
Rồi đợt dịch thứ hai, thứ ba. Chúng ta dần có sự bình tĩnh để vừa gắng lạc quan, vừa học cách đối diện cùng sự thật. Nhưng quả thật, những gì xảy đến trong đợt dịch thứ tư liền sau đó vẫn vượt qua hình dung của hầu hết mọi người.
Những ngày ấy, nhìn các dòng tin trên mặt báo, trong tôi luôn lẫn lộn hai tâm trạng: Vừa tự nhủ rằng có những thứ không nên xem, không nên đọc kỹ, bởi làm vậy sẽ không đủ bình tâm để sống. Nhưng ngược lại, như bao người Việt Nam khác, tôi vẫn cần được ngóng theo số người ra viện, nhập viện hay về cõi hư không, cần được nghe câu chuyện xúc động của những người đang trực tiếp tham gia và hy sinh trên tuyến đầu chống dịch.
Và đó cũng là khi tôi thấm thía nhất khái niệm "sắp đặt lại mọi giá trị trong bệnh dịch", như người ta hay nói.
Cụ thể với chị, đó là sự sắp đặt theo cách nào?
Nghệ thuật đương đại có một câu mà chúng tôi thường nhắc mãi: "Không có nhau, ta cô đơn. Nhưng có nhau rồi, ta còn cô đơn hơn". Đúng vậy đấy. Không phải vô tình mà guồng quay chóng mặt của cuộc sống hiện đại có thể khiến chúng ta bên nhau hằng ngày mà không cần hiểu nhau cho lắm - khi cả nhà quây quần trong một mâm cơm nhưng mỗi người vẫn theo đuổi những dòng suy nghĩ riêng.
Sau những biến cố nằm ngoài tưởng tượng, mọi thứ trong cuộc sống bỗng trở nên đơn giản và rành mạch hơn trước rất nhiều. Những đòi hỏi phức tạp, cầu kì hay mơ tưởng cao xa trong cuộc sống bỗng bay biến cả, để ta thấy trân quý những gì giản dị nhất. Một bữa cơm ngon tự nấu cho gia đình, một người bạn lâu ngày gặp lại và biết tin bạn vẫn bình an trong dịch... Chừng đó đã đủ tạo nên những phút rạng rỡ sau chuỗi ngày u ám hoang mang.
Có vẻ, điều này cũng giống với khái niệm "sống chậm" đang được nhắc tới khá nhiều trong giai đoạn này?
Thật ra, so với thời cuộc, có lẽ tôi cũng đã luôn sống chậm rồi (cười). Còn lại, tôi đủ trải nghiệm để hiểu rằng, sống chậm theo đúng nghĩa không hề dễ, dù nó đang trở thành một xu thế. Bởi trong cuộc đời, sẽ rất khó để tự "giảm tốc" trong nhiều trường hợp, khi mà ta vẫn háo hức vì tầm ảnh hưởng của mình trong đời sống, vì thấy bản thân vẫn còn có ích, còn khả năng truyền cảm hứng hoặc tạo ra những giá trị ý nghĩa với những người chung quanh.
Giống như trong mùa dịch vừa rồi, gia đình luôn trách khi thấy tôi kêu mệt sau khi nghĩ ra đủ việc để làm: dậy từ sớm, nấu ăn, dọn dẹp chăm sóc vườn tược rồi say sưa đứng ngắm thành quả đến hết ngày (cười). Câu trả lời đây: Tôi thấy hạnh phúc khi người thân về nhà có một bữa cơm ngon, một căn phòng sạch sẽ, một bình hoa cắm khéo trong phòng khách. Thêm chút lãng mạn vào sự tham-sân-si của mình như vậy, có thể ta không đủ sống chậm nhưng sẽ thấy cuộc đời thi vị hơn.
Vui với Tết theo cách của mình
Đây không phải lần đầu tiên chị cho thấy sự điềm đạm và "biết mình biết người", trong cả cuộc sống lẫn công việc. Vậy phong thái ấy đã có từ rất sớm hay được hoàn thiện dần theo hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ?
Có những thứ đến từ tính cách Trời sinh và cũng có những thứ do lựa chọn. Chẳng hạn, tôi luôn ý thức được hạn chế của mình về sức khỏe, vì thế luôn gắng tránh đi sự mệt mỏi trong cuộc sống. Mệt thì không làm nghệ thuật được, và không vô tư thì cũng khó mà sáng tạo lắm. Bởi, muốn làm nghệ thuật thuần túy, người ta luôn cần một thế giới tinh thần đủ lạc quan và hồn nhiên, không được phép vẩn đục quá nhiều.
Muốn có trạng thái ấy, tôi phải biết tự dọn dẹp thế giới tinh thần của mình. Đôi khi, tôi vẫn tự nhắc mình: nghĩ ít thôi và biết cũng ít thôi. Dù làm được vậy không dễ gì, bởi sự hóng hớt luôn vô cùng thú vị (cười).
Hai năm qua, chị chuyển về sống tại làng Phú Thượng. Từ con phố đẹp nhất Hà Nội chuyển về ngoại ô, chị bắt nhịp với sự thay đổi ấy theo cách nào?
Thật ra, tôi đã mua mảnh đất này từ hơn 20 năm trước nhưng mãi bây giờ mới chuyển về. Ban đầu, tôi cũng băn khoăn khi rời xa mái ấm 20 Phan Đình Phùng mà đại gia đình từng gắn bó ba đời. Bởi thế, ý tưởng đầu tiên của tôi là thiết kế căn nhà mới sao cho gần với kiến trúc Pháp cổ mà mình từng gắn bó bao năm, để vừa có sự giao hòa nhuần nhị với không gian của những đình làng giếng cổ xung quanh, vừa có sự gần gũi thân thương như chưa hề rời bỏ ngôi nhà xưa.
May mắn, tôi có đức ông chồng rất chiều vợ nên đã tìm đủ cách để đáp ứng điều này. Đơn cử, tôi nói đùa: "Em quyết định rời phố cổ, anh cố mà tái hiện một phố Phái cho em". Kết quả, tôi có một "phố Phái" thật, ngay trong căn bếp của mình. Thay cho chiếc tủ bếp thường thấy của các bà nội trợ, chồng tôi đã mày mò thiết kế một chiếc tủ mang dáng dấp gần với bố cục của nhà cổ trong tranh Bùi Xuân Phái, để tôi có thể yên tâm nấu cơm và ăn cơm với suy nghĩ đã "bê" được cả một Hà Nội đong đầy hoài niệm về đây.
Và theo thời gian, tôi thấy mọi thứ cũng dần trở nên quen thuộc, thoải mái với mình. Cái Tết đầu tiên ở nhà mới cũng là "Tết Covid" lần đầu, bao kế hoạch mua bán, sắm sửa, hẹn hò bạn bè tới chơi tưởng như dừng cả. Nhưng sát Tết, ngồi một mình luộc nồi bánh chưng trước đền cổ Thượng Thụy, tôi vẫn thấy mọi thứ đẹp vô cùng. Và sự lung linh của cái Tết cổ truyền vẫn còn nguyên, thậm chí là còn xúc động hơn khi được lọc bớt những gì cầu kỳ. Để ta vẫn giữ được cảm giác ấm áp trong ánh đèn vàng của ngày Tết với bánh chưng, với hoa đào cùng mâm cơm cúng...
Chúng ta đang chuẩn bị đón cái Tết của năm 2022. Nổi tiếng là người mê Tết truyền thống, có bao giờ chị cảm thấy sự nhàm chán, xô bồ của cái Tết hiện đại?
Nếu hoài cổ, bạn vẫn có thể phần nào tìm những màu sắc của cái Tết xưa, khi mà mọi thứ bây giờ khá sẵn. Và tôi thấy chúng ta đều có thể vui với Tết theo cách của mình. Chẳng hạn với tôi, nếu không ngồi cạnh bếp lửa với hương thơm ấm sực của nồi bánh chưng thì sẽ không còn Tết nữa.
Có câu chuyện vui thế này: Có năm, tôi đi diễn ở Thái Nguyên đến hai giờ sáng ngày 30 mới về tới Hà Nội. Qua chợ Nghi Tàm, tôi bảo xe dừng lại, chạy bộ xuống mươi phút để mua sắm. Về tới nhà, thêm hai tiếng đảo qua chợ Đồng Xuân nữa, các nguyên liệu cho nồi bánh chưng cũng đã sẵn sàng. Chồng tôi thấy vậy chỉ còn biết lắc đầu rồi thú thật, anh thương tôi Tết nào cũng hì hục luộc bánh, trang hoàng nhà cửa nên cố tình bố trí cho tôi đi diễn show ấy để "thoát nợ". Vậy nhưng, như anh nói, bệnh nặng quá và vô phương cứu chữa rồi (cười).
Xin được cảm ơn về cuộc trò chuyện thú vị này và chúc chị một năm mới bình an, hạnh phúc!