Diễn viên Vĩnh Xương: Mơ về một sân khấu có 100 nghệ sĩ nhân dân
Lễ trao giải Cánh diều vàng 2023, Vĩnh Xương được vinh danh ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất thể loại phim truyền hình. Anh chia sẻ với Báo Giao thông về cuộc sống hiện tại của mình và dự định trong tương lai.
Không nhận mình là doanh nhân
Năm 2023 anh đạt danh hiệu Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất phim truyền hình "Đấu trí". Giờ anh lại mở thêm nhà hàng mang tên Cánh diều 70. Điều gì khiến anh muốn trở thành doanh nhân?
Tôi giành giải thưởng Cánh diều - một sự ghi nhận cho những nỗ lực cống hiến. Còn danh xưng là doanh nhân quá to tát đối với tôi.
Nghệ sĩ Vĩnh Xương đạt giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất thể loại phim truyền hình, giải Cánh diều vàng năm 2023.
Tôi chuyển công việc vì thời điểm năm 2013 vợ tôi sinh đôi hai cháu. Lương và phụ cấp trách nhiệm của tôi khoảng hơn 5 triệu/tháng trong khi thuê một người giúp việc đã mất 4 triệu. Chưa kể những chi phí khác cho cả một gia đình gồm 2 vợ chồng, 2 con nhỏ và 2 giúp việc. Hoàn cảnh bắt buộc tôi phải lựa chọn làm viên chức Nhà nước hay ra ngoài bươn chải.
Những ngày đầu kinh doanh của anh như thế nào?
Thời điểm mới mở nhà hàng, tôi và các cộng sự trực tiếp làm tất cả mọi khâu từ trông xe, bán hàng đến đứng bếp. Có những đêm tôi chỉ ngủ được 2-3 tiếng. Sáng dậy sớm, có mặt ở nhà hàng từ 4h để chuẩn bị đun nước, pha trà, làm nước sốt rồi cứ thế miệt mài đến 12h đêm mới về.
Bây giờ nghĩ lại tôi không hiểu mình lấy đâu ra sức lực để vượt qua những ngày tháng đó. Nhưng nếu ngày đó không nỗ lực như thế tôi đã không thể có điều kiện kinh tế vững vàng như hiện này. Tôi cho rằng, trong kinh doanh mình may mắn hoặc đó là sự kết hợp của thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Từ khi nào anh bắt đầu quay lại với phim ảnh?
Từ khi rời nhà hát, thỉnh thoảng tôi vẫn đi lồng tiếng, đọc quảng cáo, thu đài nhưng đã có lần tôi ngã lộn cổ trong phòng lồng tiếng vì ngủ gật, hậu quả của những đêm bán hàng về muộn.
Vì thế, tôi quyết định phải tập trung vào một việc thôi. Tính tôi cầu toàn lại không muốn vì mình mà ảnh hưởng đến việc chung, nên từ năm 2015 tôi tập trung toàn lực vào việc kinh doanh, đến tận năm 2019 khi các con đã lớn, nhà hàng cũng đi vào ổn định tôi mới quay lại làm nghề.
Đầu tư 200% cho vai diễn Đinh Hoàng Đức
Vậy là phải mất 4 năm (từ 2019-2022) để làm lại và phải đến vai Đinh Hoàng Đức trong phim "Đấu trí" anh mới có một vai diễn được giới chuyên môn và khán giả ghi nhận. Vì sao?
Nghệ sĩ Vĩnh Xương (giữa) với tạo hình vai diễn Đinh Hoàng Đức trong phim "Đấu trí".
Từ năm 1996 tôi đã bắt đầu vào vai chính trong phim, tôi làm khá nhiều vai theo mẫu người tốt việc tốt nhưng khán giả chỉ biết tôi chứ chưa nhớ tôi. Cho đến khi tôi vào vai một kẻ phản diện, đa chiều thì khán giả nhớ tôi là Vĩnh Xương đóng vai Đinh Hoàng Đức.
Có lẽ những trải nghiệm trong cuộc sống đã giúp tôi cảm nhận nhân vật của mình một cách thấu đáo nên tôi bàn bạc và đề xuất với đạo diễn rằng mình muốn thể hiện Đinh Hoàng Đức với nhiều màu sắc khác nhau. Sự giúp đỡ của ê-kíp làm phim, những người bạn diễn… đã cùng tôi tạo nên một Đinh Hoàng Đức rất chân thật.
Anh vừa nhắc đến từ chân thật, phải chăng anh cũng có một chút trải nghiệm của Đinh Hoàng Đức ngoài đời?
Tôi muốn dùng từ chân thật ở khía cạnh khác. Bạn biết đấy, Đinh Hoàng Đức trong phim là một ông trùm có tài sản hàng nghìn tỷ, có lối sống xa hoa vương giả trong khi tôi chỉ là anh chủ nhà hàng nho nhỏ.
Tôi tự lo phục trang cho nhân vật bằng thu nhập từ việc kinh doanh chứ không phải thù lao của vai diễn. Khi khoác lên mình bộ vest lịch lãm, hút xì gà Cuba tôi thấy mình thoải mái và tự tin hơn rất nhiều. Hình thức xong rồi, nhiệm vụ của tôi là tập trung 200% công sức cho nhân vật.
Kết quả cho thấy là khi bạn đầu tư 200% cho vai diễn thì khán giả sẽ thưởng cho bạn gấp 10 lần như thế. Với tôi, khán giả là những người công tâm nhất. Tôi cảm ơn những tình cảm của khán giả đã dành cho tôi trong suốt thời gian qua.
Vậy trước kia anh chưa tập trung toàn lực cho nhân vật?
Bất kỳ một diễn viên nào khi vào vai cũng phải hết mình với nhân vật. Nhưng khi còn trẻ, tôi diễn bằng những gì tôi được học chứ không phải bằng trải nghiệm của bản thân.
Hơn nữa, khi cuộc sống còn bộn bề khó khăn, bạn không thể sống trọn vẹn với nhân vật khi vừa quay vừa canh đến giờ về đi diễn, đón con hay làm những công việc khác.
Cuộc sống của tôi bây giờ thảnh thơi hơn, tôi hoàn toàn có thể dành trọn quỹ thời gian trong một ngày để sống với nhân vật.
Chỉ đi xem kịch duy nhất một lần…
Anh còn nhớ sân khấu không?
Có thể bạn không biết, từ năm 2013-2020 tôi chỉ đi xem kịch duy nhất một lần vì tôi nhớ nghề, tôi sợ đi xem rồi yêu quá không chịu được lại lao lên sân khấu làm một vai, rồi hai vai…
Trong khi cuộc sống buộc tôi phải chọn một trong hai, nếu không tập trung thì cái gì cũng nửa chừng. Với tôi sân khấu vẫn là thánh đường, nên tôi vẫn luôn trân trọng và đau đáu về nó.
Nghệ sĩ Vĩnh Xương bên gia đình.
Nếu có cơ hội anh có trở lại sân khấu nữa không?
Có một hiện thực là số lượng sàn diễn để biểu diễn sân khấu ngày càng ít đi chứ không hề nhiều lên. Nếu vẫn giữ tư duy làm nghề của những năm 70, 80, chắc chắn mình không thể làm tốt bằng những thế hệ đi trước. Nếu muốn phát triển phải đổi mới, phải đầu tư.
Tôi luôn ước mơ về một đêm diễn được đầu tư hoành tráng, một sân khấu thật lớn, thật lộng lẫy có sự góp mặt của 100 nghệ sĩ nhân dân ở tất cả các loại hình nghệ thuật như nghệ sĩ chèo Thanh Ngoan, nghệ sĩ Lê Khanh, Lan Hương và cả những nghệ sĩ kéo đàn violin của dàn nhạc giao hưởng.
Tôi hình dung ra họ trong cuộc sống đời thường, ở ngay tại phố phường Hà Nội trên một sân khấu hình trụ xoay tròn để khán giả tiệm cận được nhân vật ở cự ly gần nhất.
Và anh đã làm gì để thực hiện ước mơ đó?
Tôi có thói quen hằng ngày quan sát những người xung quanh mình rồi tưởng tượng nếu anh Chí Trung vào vai ông bán cà phê dạo trên phố sẽ thế nào hoặc chị Hương Bông khi làm một bà trông trẻ thuê sẽ ra sao.
Những lúc dứt ra khỏi guồng quay của kinh doanh tôi lại viết kịch bản. Mười năm trước khi mở nhà hàng Bánh canh ghẹ 69 tôi đâu biết nó sẽ thành công như ngày hôm nay? Vậy tại sao tôi không thể mơ về một sân khấu thật lớn - nơi mà ở đó chúng tôi được tỏa sáng và khán giả được đắm chìm trong một không gian nghệ thuật vô cùng thiêng liêng.
Cảm ơn anh!
Nguyễn Vĩnh Xương sinh năm 1975, sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, năm 1997 anh về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam, đến năm 2013 anh từ bỏ vai trò là trưởng đoàn ở nhà hát và chuyển hướng sang kinh doanh ẩm thực.
Sau khi nghỉ việc, Vĩnh Xương vào Sài Gòn nửa tháng học nghề làm bánh canh ghẹ và sau đó mở cả ở Hà Nội.
Trên truyền hình, anh xuất hiện trong khá nhiều phim cả vai chính, nhưng chỉ đến khi vào vai Đinh Hoàng Đức trong Đấu Trí, khán giả mới biết đến anh nhiều hơn.