Diễn viên xuất sắc gọi tên Ngô Thanh Vân, Hồng Đào hay Liên Bỉnh Phát?
Liên Bỉnh Phát (Song Lang) và Lương Mạnh Hải (Khi con là nhà) có ưu thế trong hạng mục Nam chính. Trong khi đó, đả nữ Ngô Thanh Vân (Hai Phượng) phải cạnh tranh với Hồng Đào (Thưa mẹ, con đi) và Hoàng Yến Chibi (Tháng năm rực rỡ)...
Khai mạc vào ngày 24.11 tại TP. Vũng Tàu, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 có sự tham gia của hơn 1.000 khách mời là các nghệ sĩ, nhà sản xuất, phát hành, các đại biểu quốc tế và đại diện ngoại giao đoàn.
BTC cũng đã chọn lựa được 104 bộ phim tiêu biểu thuộc thể loại phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, khoa học và phim hoạt hình... để trình chiếu tại liên hoan nhằm mang đến cho khán giả góc nhìn khái quát về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong hơn hai năm qua.
Về cơ cấu giải thưởng, Ban tổ chức sẽ trao các giải thưởng: Bông Sen Vàng, Bông Sen Bạc cho các bộ phim xuất sắc; giải thưởng dành cho cá nhân gồm: Đạo diễn xuất sắc, Tác giả kịch bản xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc…Ban tổ chức cũng nhấn mạnh việc trao các giải thưởng sẽ dựa vào chất lượng thực tế, không nhất thiết phải trao đủ số lượng giải thưởng như dự định.
Trước thềm lễ bế mạc vào tối nay (27.11), báo điện tử Một Thế Giới điểm qua một số gương mặt diễn viên sáng giá ở hạng mục Nam/Nữ diễn viên xuất sắc và nam/nữ diễn viên phụ xuất sắc của Liên hoan phim Việt Nam năm nay.
Nam diễn viên chính xuất sắc: Cuộc lột xác của Lương Mạnh Hải “đối đầu” với màn chào sân của Liêu Bỉnh Phát
Lần đầu chạm ngõ điện ảnh bằng một vai nặng ký trong Song Lang (Leon Lê), Liên Bỉnh Phát ngay lập tức được thừa nhận khả năng diễn xuất. "Một gương mặt rất nam tính, rất điện ảnh" là lời nhiều khán giả và giới chuyên môn ưu ái dành tặng anh.
Vào vai một kẻ vì hoàn cảnh thành giang hồ nhưng vẫn ấp ủ tình yêu nghệ thuật và mầm thiện lương, Phát thể hiện được cả chất xù xì, thô ráp lẫn sự tinh tế trong tâm lý. Thoại ít, diễn xuất nhiều bằng ánh mắt, anh đã tạo dựng được một nhân vật rất khó quên. Giải Cánh diều Vàng đầu năm cùng một số giải thưởng trong và ngoài nước khác có lẽ chưa phải điểm dừng.
15 năm kể từ ngày đóng một vai nhỏ trong Nữ tướng cướp, Lương Mạnh Hải đã có một sự nghiệp điện ảnh đáng kể, nhất là khi mới đây anh còn lấn sân làm đạo diễn. Nhưng, có lẽ là phải đến Khi con là nhà (Vũ Ngọc Đãng), anh mới thể hiện hết tài năng diễn xuất. Thoát khỏi những vai thư sinh, trai đẹp, anh lần đầu hóa thân một tay lái heo lôi thôi, lếch thếch vô cùng ra chất. Một sự lột xác ấn tượng. Với bề dày hoạt động điện ảnh mà chưa được tưởng thưởng bằng giải thưởng nào, cũng là hợp lý nếu LHP lần này ghi nhận anh với một giải Bông sen Vàng cho Nam chính.
Người bất tử không phải một thành công của đạo diễn Victor Vũ năm qua. Bộ phim công phu về sản xuất này có nội dung thường, tuy nhiên lại được đánh giá tốt ở phần diễn xuất, trong đó đáng kể có vai nam chính của Quách Ngọc Ngoan. Thể hiện một "người đàn ông sống qua ba thế kỷ", Ngọc Ngoan phải đầu tư công sức vào cả hóa trang, hành động đến tâm lý và vai Hùng cũng là một điểm sáng trong sự nghiệp của anh.
Hạng mục Nam chính còn là cuộc đua của Issac (Song lang) hay Lãnh Thanh (Thưa mẹ, con đi). Issac diễn ra chất thanh thuần của chàng nghệ sĩ đẹp từ sân khấu đến những rung cảm đời thực. Còn Lãnh Thanh tròn vai một cậu trai điềm đạm cân bằng giữa mối tình đồng giới và gánh nặng trách nhiệm cháu đích tôn.
Nữ diễn viên chính xuất sắc: Tri ân Hồng Đào hay khích lệ Hoàng Yến Chibi?
Thưa mẹ, con đi (Trịnh Đình Lê Minh) là một tác phẩm nổi bật kỳ liên hoan phim này. Trong thành công đó, diễn xuất của dàn diễn viên hợp vai đóng vai trò quan trọng. Đảm nhiệm vai nữ chính, Hồng Đào thể hiện nhuần nhị hình tượng một bà mẹ Việt trụ cột gia đình lớn, với cả đời cho những nghĩa vụ, trách nhiệm và giờ học cách chấp nhận bản thể của đứa con trai.
Là gương mặt diễn viên phụ quen thuộc cho Lý Hùng, Diễm Hương thời phim mì ăn liền thập niên 90, Hồng Đào đã có gần 30 năm gắn bó với màn ảnh và sân khấu. Trong khi những nữ chính của thời hoàng kim của điện ảnh thị trường đã không còn vang danh thì chị vẫn tích cực làm nghề. Sẽ khó có một vai nữ chính hay như thế ở tuổi này và một sự tri ân Hồng Đào cho những cống hiến trong nghề suốt bao năm là điều dễ hiểu.
Bộ phim thanh xuân Tháng năm rực rỡ (Nguyễn Quang Dũng), không phải nói nhiều, là tác phẩm tốt nhất cho đến nay trong sự nghiệp của đạo diễn này. Thủ vai chính Hiểu Phương, Hoàng Yến Chibi hóa thân trọn vẹn một cô gái lém lỉnh, đáng yêu, tinh nghịch bên nhóm bạn thân và trong sáng trong rung động đầu đời. Phân cảnh "bắn liên thanh" trong bài chửi khi đối đầu nhóm đối thủ của nhóm Ngựa hoang và trường đoạn cầm ô hát dưới mưa là 2 màn diễn xuất sắc nhất của cô nàng.
Nếu 2 vai diễn trên ở những bộ phim ít nhiều hơi hướng nghệ thuật thì đối thủ lớn nhất của họ - Ngô Thanh Vân lại xuất hiện trong một tác phẩm thương mại đình đám. Chỉ mặc đúng một trang phục áo bà ba, Vân Ngô làm mãn nhãn khán giả với những màn đua xe, đua ghe, đánh đấm cận chiến. Đả nữ cũng thể hiện khá tốt những diễn biến tâm lý của một bà mẹ mất con. Vân Ngô đã từng dành giải Nữ chính tại LHP lần thứ 15 với phim Dòng máu anh hùng nên có thể sẽ hợp lý hơn khi BGK trao giải cho 1 trong 2 đối thủ của cô.
Ngoài 3 gương mặt trên thì Thúy Hằng của Truyền thuyết về Quán Tiên, đại diện hiếm hoi của điện ảnh miền Bắc vẫn giữ được phong độ diễn xuất trong các phim nhà nước. Và Cát Phượng cũng có một vai diễn chính khác màu với bản thân trong bộ phim gia đình Hạnh phúc của mẹ (Huỳnh Đông).
Diễn viên phụ xuất sắc: Sẽ gọi tên bé Duy Anh và Thanh Tú?
Nếu 2 hạng mục diễn viên chính là cuộc đua tam mã gay cấn thì ở các hạng mục diễn viên phụ, ít có sự cạnh tranh hơn.
Trong vai trò Nam phụ, bé Duy Anh của phim Khi con là nhà đang có nhiều ưu thế. Vào vai một cậu bé quê nghèo trưởng thành trước tuổi sống bên cạnh ông bố ham chơi (Lương Mạnh Hải), Duy Anh diễn chân thật, sinh động vừa giữ được nét láu lỉnh trẻ thơ vừa "già dặn" bất đắc dĩ.
Đối thủ đáng gờm của Duy Anh là cây hài Mạc Văn Khoa khi anh thủ diễn ở cả 2 bộ phim trăm tỉ: Cua lại vợ bầu và Lật mặt: Nhà có khách. Vẻ mặt "xấu lạ" nhưng duyên hài trời cho, anh là nhân tố "đinh" mang đến tiếng cười sảng khoái cho 2 bộ phim.
Gương mặt mới Võ Điền Gia Huy của Thưa mẹ, con đi cũng mang lại nhiều chú ý. Vai diễn không phức tạp nhưng anh gây cảm tình với sự thanh xuân và nét diễn vừa vặn.
Ngoài ra, Đức Thịnh (Anh thầy ngôi sao) cũng là một "ngựa ô" ở giải bên cạnh các diễn viên của bộ phim chưa được xem Hợp đồng bán mình (Trần Ngọc Phong).
Giải thưởng Nữ phụ xuất sắc nhất có thể nói sớm sẽ thuộc về Thanh Tú, con gái của diễn viên Kiều Trinh. Năm nay, cô cùng lúc có tới 5 phim dự thi - tất cả đều là vai phụ: Người bất tử, Tháng năm rực rỡ, Song lang, Thưa mẹ con đi và 11 niềm hy vọng (xếp theo thứ tự xuất sắc). Thanh Tú đã sớm cho thấy tố chất thiên bẩm ở ngay phim đầu tay Dịu dàng (Lê Văn Kiệt) và không lúc nào thích hợp hơn là ghi nhận đại diện xuất sắc của thế hệ diễn viên 9X này bằng lúc này.
Nếu Thanh Tú là tài năng sớm khẳng định thì Thanh Hoa là bất ngờ thú vị nhất của mùa giải này. Vào vai "Thanh Sói", nữ nhân vật phản diện đối đầu với Hai Phượng trong bộ phim cùng tên, chị diễn lạnh lùng cùng vẻ ngoài cực ngầu, thuyết phục đến nỗi là phản diện mà được ưa thích và được làm phần phim riêng sắp khởi quay.
Diễn viên kỳ cựu Hồng Ánh có 2 vai phụ lần này trong Tháng năm rực rỡ và Thưa mẹ, con đi có thể là mảnh ghép để hoàn thiện Top 3 đề cử.
Mọi kết quả vẫn chờ công bố của BTC trong đêm Gala trao giải tối nay.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 - Sôi động khu vực thảm đỏ: