Điệp viên 'Của trời cho' ăn trộm bí mật bom nguyên tử Mỹ là ai?
Trong 70 năm, danh tính của nhân vật cuối cùng trong nhóm điệp viên Liên Xô ăn trộm bí mật về vũ khí nguyên tử Mỹ bị che giấu. Người này có bí danh 'Của trời cho'.
Quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới nổ vào ngày 16/7/1945 tại sa mạc bang New Mexico (Mỹ). Đây là kết quả của chương trình vũ khí tối mật mang tên Dự án Manhattan, với trung tâm nghiên cứu nằm ở Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (thuộc thị trấn Los Alamos, bang New Mexico).
Tuy nhiên, chỉ 49 tháng sau, Liên Xô thử nghiệm một quả bom nguyên tử tương tự ở Trung Á. Và thế độc quyền hạt nhân của Mỹ bị phá vỡ. Các nhà khoa học, sử gia và đặc vụ Mỹ choáng váng vì Moscow đạt bước tiến bộ quá thần tốc.
Sau đó, 3 điệp viên David Greenglass, Klaus Fuchs và Theodore Hall bị phát hiện đã ăn trộm bí mật vũ khí hạt nhân Mỹ và gửi cho Liên Xô từ năm 1940 đến 1948.
Nhà vật lý Fuchs bị bắt đầu năm 1950, ngay sau khi Liên Xô thử bom hạt nhân. Lời khai của Fuchs giúp nhà chức trách Mỹ bắt giữ Greenglass, một thợ máy. Mãi đến tận năm 1995, danh tính của điệp viên thứ ba - Hall, một nhà vật lý - mới được công khai. Khi đó Hall đã chuyển đến Anh và không bị truy tố.
Mật danh “Của trời cho”
Tuy nhiên, vẫn còn một điệp viên thứ tư không bị công bố danh tính. Người này có mật danh là “Godsend” (Của trời cho). Đó là Oscar Seborer.
Cũng giống như 3 điệp viên trên, Seborer làm việc tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos. Ông ta là người đã lén gửi thiết kế bom hạt nhân của Mỹ cho các điệp viên Liên Xô.
Seborer sau đó trốn sang Liên Xô. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát hiện ra hành vi gián điệp của Seborer nhưng giữ bí mật thông tin. “Vai trò của ông ta bị giữ kín trong suốt 70 năm”, tác giả Harvey Klehr và John Earl Haynes viết trong bài On the Trail of a Fourth Soviet Spy at Los Alamos (Theo dấu điệp viên Liên Xô thứ tư tại Los Alamos), đăng trên tạp chí Studies in Intelligence của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Ông Klehr là giáo sư chính trị và sử học tại Đại học Emory, còn ông Haynes là cựu sử gia tại Thư viện Quốc hội Mỹ. Cả hai đã viết nhiều cuốn sách về hoạt động tình báo của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo nghiên cứu của giáo sư Klehr và sử gia Haynes, điệp viên Seborer sinh tại New York vào năm 1921. Ông ta là con út trong một gia đình Do Thái di cư từ Ba Lan. Seborer học ngành cơ khí điện tại Đại học City College ở New York và làm việc ở Los Alamos từ năm 1944 đến 1946.
Seborer gia nhập quân đội Mỹ vào tháng 10/1942 và được điều tới tổ hợp Oak Ridge ở Tennessee, một chi nhánh của Dự án Manhattan. Ông ta được điều chuyển tới Los Alamos năm 1944.
Tháng 7/1945, Seborer tham gia vào nhóm giám sát tác động địa chất của vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên. Năm 1951, ông ta rời Mỹ cùng vợ chồng anh trai Stuart và đến Liên Xô.
Năm 1964, Seborer nhận Huy chương Sao Đỏ của quân đội Liên Xô. Với cái tên giả Smith, ông ta qua đời tại Moscow vào tháng 4/2015. Tang lễ của Seborer có sự hiện diện của các điệp viên an ninh Nga.
Phân tích tài liệu của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB, cơ quan tình báo Liên Xô), giáo sư Klehr và sử gia Haynes lần ra dấu vết của một nhóm điệp viên nằm vùng tại Mỹ có tên “Nhóm họ hàng”. Ba trong số đó - có biệt danh “Họ hàng”, “Cha đỡ đầu” và “Của trời cho” - là anh em.
Cung cấp công thức bom hạt nhân cho Liên Xô
“Của trời cho” làm việc tại Los Alamos và cung cấp cho KGB thông tin mật về “Khổng lồ”, mật danh của Liên Xô dành cho chương trình bom hạt nhân Mỹ. Năm 2012, giáo sư Klehr tìm thấy hồ sơ mật của FBI (được giải mật hồi năm 2011) và phát hiện nhiều đề cập tới gia đình Seborer.
Ông xác định Oscar là “Của để dành”, Stuart là “Cha đỡ đầu” và anh trai Max là “Họ hàng”. Hiện giáo sư Klehr và sử gia Haynes vẫn đang chờ đợi thêm các hồ sơ được giải mật mới của chính phủ Mỹ để xác định rõ vai trò của Seborer trong vụ đánh cắp bí mật vũ khí hạt nhân Mỹ.
Năm 1955, FBI biết Seborer đã trốn sang Liên Xô, nhưng giữ bí mật thông tin. Nguồn tin của FBI là các điệp viên nằm vùng, do đó cơ quan này lo sợ việc công bố thông tin về Seborer sẽ khiến các điệp viên này bị lộ tẩy. FBI đặt mật danh cho chiến dịch săn lùng điệp viên thứ tư là Soho.
Các hồ sơ giải mật về chiến dịch Soho cho thấy Seborer là người “cung cấp công thức bom hạt nhân cho Liên Xô”.
“Có lẽ đến khi chúng tôi qua đời các hồ sơ mới được giải mật hết”, giáo sư Klehr than thở. Dù vậy, hai người quyết định viết bài trên tạp chí Studies in Intelligence vì đã có hòm hòm tài liệu trong tay.
Ông Mark Kramer, giám đốc nghiên cứu Chiến tranh Lạnh tại Đại học Havard, nhận định nghiên cứu của giáo sư Klehr và sử gia Haynes đã làm sáng tỏ nhiều điều về chiến dịch phản gián nhắm vào Dự án Manhattan và vai trò của các gián điệp đối với bước đột phá hạt nhân của Liên Xô.
Ông Kramer cho biết nhờ nỗ lực của 4 gián điệp, các nhà khoa học vũ khí Liên Xô đã nắm được những thông tin quý giá về bom hạt nhân.
Giáo sư Klehr hi vọng các hồ sơ được giải mật trong tương lai sẽ giúp hai nhà nghiên cứu làm sáng tỏ thêm nhiều vụ đánh cắp bí mật hạt nhân Mỹ, ví dụ Seborer làm việc cho KGB hay Tổng cục Tình báo Nga (GRU).
Những dấu vết khác có thể tồn tại ở Moscow, nơi Oscar Seborer và anh trai Stuart sống ít nhất 6 thập kỷ. Năm 2018, ông Kramer tới Moscow và hỗ trợ 2 nhà nghiên cứu tìm kiếm Stuart. Họ cho rằng Stuart lúc đó còn sống, nhưng các nỗ lực tìm kiếm không thành công.