Diệt 'mắt thần' của Mỹ trên đỉnh Pa Thí
Cách đây 55 năm, trận tập kích của liên minh quân đội hai nước Việt Nam-Lào vào căn cứ Pa Thí (Sầm Nưa, Lào) đã đập tan một trong hai sào huyệt lớn của quân đội Mỹ ở Thượng Lào, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, giáng một đòn mạnh vào lực lượng chiến lược trong chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ ở Bắc Lào.
Núi Pa Thí cao hơn 1.000m so với mực nước biển, địa hình hiểm trở, có vị trí quan trọng về quân sự, đặc biệt là triển khai hệ thống radar dẫn đường và radar cảnh giới trên phạm vi rộng. Vì vậy, tháng 3-1967, quân đội Mỹ xây dựng trung tâm chỉ huy dẫn đường bay trên đỉnh núi với mục đích phát hiện máy bay của ta, gây nhiễu và chỉ huy toàn bộ máy bay phản lực Mỹ ở các căn cứ Thái Lan vào đánh phá vùng giải phóng Lào và các địa phương miền Bắc Việt Nam.
Trên đỉnh Pa Thí, chúng tổ chức thành các khu: Khu nhân viên kỹ thuật do quân đánh thuê phụ trách khoảng 2 trung đội được tăng cường hỏa lực bảo vệ; khu trung tâm có khoảng 20 sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Mỹ cùng 2 tiểu đội cảnh vệ; khu kỹ thuật, thông tin quân số khoảng 1 trung đội cùng trận địa pháo 105mm và sở chỉ huy. Ngoài ra còn có sân bay trực thăng, trận địa pháo 85mm và khu bảo vệ tiền tiêu (phía Đông); khu tiền tiêu phía Nam (trên điểm cao 1687) với lực lượng khoảng 1 trung đội; khu vực đồi 5 mỏm có 1 tiểu đoàn của Mỹ chiếm đóng.
Ngoài ra, để bảo vệ Pa Thí, khu vực xung quanh chúng bố trí hàng chục đại đội thiện chiến của phỉ Vàng Pao, có sự chỉ huy của cố vấn Mỹ. Với việc bố trí chặt chẽ, nhiều tầng, nhiều lớp, hỏa lực mạnh, có sự chi viện của pháo binh, không quân, cùng với địa hình hiểm trở, quân Mỹ thách thức, nếu Việt Cộng và Lào Cộng chiếm được Pa Thí thì mặt trời sẽ mọc ở đằng Tây và nước biển sẽ chảy vào Lào.
Lên đỉnh Pa Thí phải men theo một lối nhỏ độc đạo. Để chuẩn bị cho trận Pa Thí, lực lượng công binh của ta đã điều nghiên tỉ mỉ, tìm cách mở đường cho quân ta tiềm nhập. Đánh chiếm Pa Thí có Tiểu đoàn 705 và Tiểu đoàn 613 của bộ đội chủ lực Lào, 1 tiểu đoàn bộ đội địa phương của tỉnh Hủa Phăn. Lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam gồm 2 tiểu đoàn bộ binh (5 và 923), thuộc Đoàn 766, với sự chi viện của không quân. Đặc biệt, phân đội đặc công của Quân khu Tây Bắc gồm 33 cán bộ, chiến sĩ đã bí mật tiếp cận, đánh chiếm các vị trí quan trọng của địch.
Sau khi trinh sát, nắm chắc địa hình và quy luật hoạt động của địch, ngày 1-3-1968, lực lượng đặc công của ta cơ động vào vị trí tập kết ở chân núi, tổ chức thành hai mũi và bộ phận dự bị có nhiệm vụ đánh chiếm khu trung tâm khu kỹ thuật, thông tin, sân bay, đài khí tượng, trạm radar, khu phát điện và trận địa hỏa lực của địch. Đêm 11-3-1968, các hướng, mũi bí mật luồn sâu, lót sát mục tiêu. 3 giờ 45 phút, tổ 1, mũi 1 gặp vọng gác bí mật của địch, bộ đội ta cướp súng của lính gác, nhưng chúng ném lựu đạn rồi bỏ chạy. Lập tức, các chiến sĩ đặc công chuyển sang cường tập, dùng B-40 bắn vào nhà có ăng-ten, tổ chức thọc sâu chiến đấu. Sau 15 phút, các tổ đã chiếm được khu thông tin, trạm radar. Bị đánh bất ngờ, địch chạy tán loạn, không có tinh thần chống cự. Tận dụng thời cơ, các tổ nhanh chóng phát triển chiếu đấu. Cùng lúc đó, các lực lượng khác của ta và Lào tiến công mãnh liệt đánh chiếm được các mục tiêu.
Trưa 12-3, liên quân Lào-Việt đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Pa Thí. Kết quả, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 872 tên trong đó có một Thiếu tá-Chỉ huy trưởng và một số cố vấn, nhân viên kỹ thuật của Mỹ, làm tan rã 3 đại đội, bắn rơi 10 máy bay, thu gần 300 khẩu súng các loại... Đặc biệt, việc phá hủy trung tâm chỉ huy, điều khiển bay của địch trên đỉnh Pa Thí đã diệt "mắt thần" của giặc, hạn chế sự oanh tạc của không quân Mỹ vào vùng Thượng Lào và miền Bắc nước ta. Sau chiến công này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư khen liên quân Lào-Việt tham gia trận chiến trên đỉnh Pa Thí.