Diêu bông mùa đông

ĐBP - Tuổi trẻ còn dài nhưng tuổi thơ thì chấm dứt từ rất sớm, những cô bé chưa đủ tuổi trưởng thành đã vội thành thiếu phụ, những cậu trai đang tuổi ăn, tuổi lớn đã phải gánh trên vai trách nhiệm làm chồng, làm cha. Lập gia đình sớm, học hành dang dở, 'cánh cửa' tương lai tươi sáng dường như đã đóng lại, nhất là với những bé gái bởi chồng, con, cơm, áo...

Phụ nữ vùng cao tại chợ phiên Tả Sìn Thàng.

Cháu 14 tuổi, “mới” lấy chồng năm ngoái!

Chợ phiên Tả Sìn Thàng (xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa) một sớm mùa đông lạnh giá. Cái lạnh cộng với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong tỉnh khiến buổi chợ trầm lắng hơn. Xen lẫn những phụ nữ Mông, Dao trung tuổi đang mua, bán nhu yếu phẩm, nông sản... có 2 phụ nữ còn rất trẻ tha thẩn dạo bước trong khu chợ. Gọi họ là “phụ nữ” thì có cảm giác hơi quá nhưng bởi 1 trong 2 người đang mang bầu - đó cũng là điều khiến chúng tôi chú ý. Lại gần hỏi thăm với mục đích chính là xác định tuổi thật của “bà bầu”, chúng tôi được biết: Em tên là V. T. S., sinh năm 2006, nhà ở thôn Háng Sùa (xã Tả Sìn Thàng), S. đang mang thai con đầu lòng ở tháng thứ 6. Dù không quá ngạc nhiên nhưng tôi vẫn thốt lên: Mới 15 tuổi. Sao lấy chồng sớm thế? S. lúng búng: “Chỗ cháu ai cũng thế, bằng tuổi cháu có người còn 2 con rồi cơ!”. Tôi tiện thể hỏi luôn cô bé “mặt búng ra sữa” đi cùng S.: Thế còn cháu, bao nhiêu tuổi, đã lấy chồng chưa, còn đi học không? Có vẻ bạo dạn, cởi mở hơn S., cô bảo: Cháu 14 tuổi rồi, mới lấy chồng năm ngoái thôi, chưa có con! Rồi G. T. D. (tên cô bé) cho biết: “Nhà cháu ở xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa), lấy chồng người Tả Sìn Thàng này, từ khi theo chồng về đây cháu cũng nghỉ học luôn. Chồng cháu 20 tuổi, làm công nhân xây dựng, ít về nhà. Chắc cũng vì thế mà vợ chồng chưa có em bé...”. D. nói vậy nhưng thú thật trong tôi lúc đó nghĩ về vấn đề khác, đó là: Cô bé này thậm chí cơ thể phát triển chưa hoàn thiện để có thể có con được!.

Rời chợ phiên Tả Sìn Thàng với niềm ưu tư về 2 thiếu phụ chưa hưởng trọn tuổi thiếu nữ, chúng tôi vượt làn sương tiết chính đông buốt lạnh lên xã Sín Chải. Chia sẻ câu chuyện tảo hôn với ông Vừ A Mùa, Phó Chủ tịch UBND xã, ông Mùa thủng thẳng: Theo tôi được biết, năm 2020, tỷ lệ tảo hôn ở các xã vùng cao của huyện rất cao, có xã (không phải Sín Chải) lên đến 65% tổng số trường hợp kết hôn (100% vụ tảo hôn không đăng ký kết hôn lúc cưới). Bản thân tôi lấy vợ năm 25 tuổi, vợ khi đó 23 tuổi - ở miền xuôi, thành phố thì đó là chuyện bình thường, thậm chí là lập gia đình hơi sớm. Nhưng ở vùng cao, nhất là vùng sâu vùng xa, khó khăn thì lấy vợ tuổi 25, lấy chồng tuổi 23 như vợ chồng tôi là trường hợp rất bất thường, dị biệt, bị cho vào diện “ế”, “tồn kho, mất chìa khóa” lâu ngày! Rồi ông Mùa bảo: Anh đi một vòng quanh huyện, hỏi thăm tại địa bàn có ai lên chức bà ngoại ở tuổi đôi mươi không? Tôi chắc chắn là xã vùng cao nào cũng có. Bởi như câu chuyện anh vừa kể, 14 tuổi có con, thì 14 năm nữa con gái cũng lấy chồng, sinh con, thì chả làm bà ngoại ở tuổi 28 à?! Tôi hỏi: Thế chính quyền, đoàn thể không can thiệp gì được à? Chứ lấy vợ, quan hệ tình dục với trẻ 13 tuổi, về mặt pháp luật là tội hình sự, khung rất nặng đấy. Phó Chủ tịch UBND xã Vừ A Mùa thở dài: Vẫn biết là như thế nhưng thực tế rất khó anh ạ. Các hộ có con tảo hôn nhưng họ không công khai, không đi đăng ký kết hôn. Chính quyền điều tra được, can thiệp không khéo thì hậu quả có khi còn nặng nề hơn. Đơn cử như làm thẳng thừng, khởi tố người chồng chẳng hạn, xác suất cô vợ sẽ tự tử là rất cao. Thế thì thảm quá!

Ngoài ra, như các anh biết, thời buổi công nghệ, hầu như ai cũng có cái điện thoại thông minh, rồi máy tính bảng, máy vi tính để truy cập internet. Mà môi trường mạng thì cơ bản tự do, trẻ nhỏ dễ dàng truy cập vào các nội dung phương Tây gọi là “18+”, dẫn đến ảnh hưởng tâm sinh lý, dậy thì sớm. Ở phương Tây họ có nội dung giáo dục giới tính rất thẳng thắn, cụ thể, họ có thể “thoáng” trong vấn đề tình dục nhưng rất nghiêm khắc trong bảo vệ, chống xâm hại tình dục trẻ em. Và những đứa trẻ cũng được giáo dục từ nhỏ về giới tính, sức khỏe sinh sản, pháp luật. Còn ở vùng cao tỉnh ta, dậy thì sớm đồng nghĩa với tảo hôn... đây là một nghịch lý.

2 bé gái S. và D. dù chỉ 14 - 15 tuổi nhưng đều đã lấy chồng.

Vấn đề giáo dục giới tính nói riêng, hay giáo dục, tuyên truyền chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói chung, đương nhiên địa phương, các nhà trường vẫn triển khai thường xuyên. Nhưng thầy cô ở các trường cấp 2 thôi, cứ sau nghỉ tết Nguyên đán là được... mời dự đám cưới tới tấp, đi cũng ngại vì vô tình bị hiểu là đồng ý với tảo hôn nhưng không đi cũng không được bởi còn phải đến để động viên cô dâu, chú rể cưới xong trở lại lớp. Còn cặp nào “ăn cơm trước kẻng”, sắp có em bé thì xác định sĩ số lớp sụt giảm một bạn nữ, chứ “đi học thì ai nuôi con cho em”! Vì vậy, vấn đề này theo tôi thuộc về ý thức hệ, thuộc về chủ thể...

Nỗi buồn diêu bông

Năm 1990, nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài hát “Lá diêu bông - Sao em nỡ vội lấy chồng”, phỏng theo bài thơ “Lá diêu bông” của thi sĩ Hoàng Cầm (sáng tác năm 1959). Bài hát ra đời để tuyên truyền cho phong trào dân số - kế hoạch hóa gia đình với đoạn ca từ nổi tiếng “Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn”. Đã 31 năm qua, khúc hát đã qua nhiều thế hệ, góp phần đổi thay quan điểm, tập quán hôn nhân của hàng triệu gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, dường như bài hát vẫn chưa vang vọng đến những thôn bản vùng cao tỉnh ta. Điển hình là số liệu thống kê của huyện Tủa Chùa cho thấy: Những năm gần đây, tỷ lệ tảo hôn ở địa phương có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện có trên 120 trường hợp tảo hôn, phần lớn diễn ra ở dân tộc Mông, tập trung ở một số xã như: Trung Thu, Lao Xả Phình, Sính Phình, Tả Sìn Thàng... Lứa tuổi phổ biến tảo hôn thường từ 15 - 17 đối với nữ, 16 -17 tuổi đối với nam. Cá biệt có trường hợp nữ 12 - 14 tuổi đã lấy chồng. Mặc dù huyện Tủa Chùa đã thành lập 11 mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 11 xã, với hơn 800 thành viên nhưng các hoạt động trên đều chưa mang lại hiệu quả. Thêm một khó khăn nữa là các chương trình tuyên truyền thì đối tượng tham gia trực tiếp chủ yếu cán bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín, cha mẹ học sinh, còn chủ thể là học sinh tham gia trực tiếp rất ít...

Cao nguyên đá Tủa Chùa mùa đông, mây mù giăng kín lối, nghĩ về bài thơ xưa, chạnh lòng cho mối tình tuyệt vọng của thi sĩ Hoàng Cầm - Người dành cả tuổi trẻ đi tìm lá diêu bông (một loài lá không có thật) cho người mình yêu, đến cả khi cô ấy đã có 3 con. Buồn cho nhạc sĩ Trần Tiến vì bài hát của ông không phát huy được hết tác dụng... Và thương cho những bé gái sớm phải làm vợ, làm mẹ, đối diện với những nguy cơ về sức khỏe, tính mạng, một tương lai mịt mờ, gập ghềnh như con đường chúng tôi đang đi...

Nguyệt Lãm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/192348/dieu-bong--mua-dong