ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THAI CHẾT LƯU
Thai chết lưu là thai chết còn lưu lại trong buồng tử cung
Mang thai là sinh lý sinh sản của loài để duy trì giống nòi. Thế nhưng, không phải người phụ nữ nào mang thai, thai nhi cũng khỏe mạnh, phát triển một cách tự nhiên, bình thường theo mong muốn. Thai nhi là một sinh vật được hình thành ở trong cơ thể mẹ, nó cũng có thể gặp những rủi ro rồi chết.
Rất nhiều nguyên nhân làm cho thai nhi không thể tiếp tục phát triển được, nhưng một số nguyên nhân hay gặp như noãn và tinh trùng dị tật; huyết khối bánh rau; nhiễm độc (từ không khí, thức ăn, đồ uống, công việc, nghề nghiệp…), nhiễm xạ; nhiễm vi rút cấp hoặc mạn; nhiễm khuẩn cấp; sốt kéo dài; mẹ bị các bệnh lý mạn tính (tim, phổi, thận, lao…); các bệnh lý ở tử cung của người mẹ như sẹo tử cung, vách ngăn tử cung, tử cung 1 sừng, 2 sừng, 2 tử cung, khối u tử cung, u cạnh tử cung…
Khi bị thai chết lưu, tâm lý thai phụ và người thân thường bất ổn, có thể suy sụp tinh thần, dễ cáu gắt... Hy vọng bài viết dưới đây có thể giúp các mẹ bầu cũng như gia đình hiểu hơn về thai chết lưu.
Ở nửa đầu của thai kỳ: Dấu hiệu nhận biết thai lưu thường không rõ ràng trên thực tế lâm sàng. Song, mẹ bầu cần biết một số dấu hiệu quan trọng như các biểu hiện ốm nghén giảm đi, bụng không thấy to lên… Đó là những biểu hiện bất thường cho thấy thai nhi có thể đã bị chết lưu.
Đặc biệt ở 3 tháng đầu, túi thai còn rất nhỏ, phải đo trên hình ảnh siêu âm mới đánh giá được, nên các mẹ bầu cần đi khám bác sĩ sản khoa và siêu âm để xác định sự phát triển của thai ở giai đoạn này giúp nhận biết các dấu hiệu bất thường của túi thai trên siêu âm để được tư vấn, theo dõi và xử trí cụ thể như thai ngoài tử cung, thai trứng, phôi thai không phát triển (túi ối trống)…
Khi thai lưu ở giai đoạn này gần như không có dấu hiệu (hay triệu chứng) đặc hiệu lâm sàng nào để giúp chẩn đoán xác định (ngoại trừ siêu âm đánh giá). Nếu thai lưu mà ra máu âm đạo và đau bụng tức là có dấu hiệu dọa sẩy thai lưu, kèm theo thai phụ mất hết cảm giác nghén.
Khi thai lớn hơn một chút (tuổi thai từ 14-22 tuần), lúc này bụng đã lộ rõ, khi thai ngừng phát triển sẽ mất các dấu hiệu như bụng nhỏ đi, tiết sữa non, không thấy dấu hiệu thai máy. Hình ảnh siêu âm sẽ đánh giá chính xác có tim thai hay không.
Ở nửa sau của thai kỳ: Ở giai đoạn này thai đã lớn, bụng to, mẹ bầu đã cảm nhận được cử động của thai rõ ràng, khi thai chết lưu sẽ biểu hiện rất rõ như mất cảm giác thai đạp (cử động); vú tiết sữa; bụng mềm hơn và nhỏ đi. Khi thấy các dấu hiệu không bình thường, các mẹ bầu lưu ý đi siêu âm ngay để kiểm tra.
Đặc biệt lưu ý, chỉ cần thấy cử động thai giảm hơn bình thường là phải đi khám ở cơ sở có điều kiện siêu âm hỗ trợ; nhưng nếu thai thay đổi cử động vào ban đêm (lúc ngủ) là giờ mà mẹ bầu khó nhận định nên khi phát hiện được thường đã muộn.
Thai chết lưu sẽ xảy ra ở bất kỳ ngày giờ nào; bất kỳ tuổi thai nào; bất kỳ lần mang thai nào; gặp ở bất kỳ bà mẹ nào khi mang thai. Điều muốn nói là phụ nữ khi mang thai cần chuẩn bị tâm lý thật thoải mái, vui vẻ, không quá căng thẳng và biết xác định, biết chấp nhận những rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình mang thai và trong chuyển dạ đẻ thường hay cả trong phẫu thuật.
Tuy vậy, tỷ lệ rủi ro không nhiều, nên các mẹ bầu không nên quá lo lắng. Hãy ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng, làm những công việc vừa sức để không ảnh hưởng đến sức khỏe khi mang thai.