Điều cần biết về tiền sản giật-sản giật

Tiền sản giật-sản giật (TSG-SG) là rối loạn chức năng đa cơ quan liên quan đến thai nghén, chiếm tỷ lệ khoảng 2-10% trong toàn bộ thai kỳ. TSG là bệnh lý có nhiều biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, tử vong chu sinh trên toàn thế giới.

Mặc dù đã có những nỗ lực trong quản lý giai đoạn tiền sản nhưng TSG-SG vẫn là một trong những gánh nặng bệnh tật trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Có thể hạn chế các ảnh hưởng của TSG-SG thông qua dự báo và điều trị dự phòng bệnh, tối ưu là dự phòng xuất hiện bệnh, ngăn chặn tiến triển nặng và ngăn chặn các biến chứng.

1. Định nghĩa TSG-SG

TSG là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng HA và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của TSG.

SG được xem là một biến chứng biểu hiện tình trạng nặng của TSG, có thể xảy ra trong thai kỳ hoặc thời kỳ hậu sản. Biểu hiện của SG là sự xuất hiện những cơn co cứng - co giật khu trú hoặc toàn thân có hoặc không kèm theo hôn mê xảy ra trên những bệnh nhân có triệu chứng của TSG sau khi đã loại trừ cơn co giật do các nguyên nhân khác như động kinh, nhồi máu não, xuất huyết não hoặc do sử dụng thuốc.

2. Triệu chứng

Tăng huyết áp (HA): Triệu chứng tăng HA trong TSG được xác định khi tuổi thai sau tuần thứ 20. Trường hợp bệnh nhân chưa biết giá trị HA trước đó, chẩn đoán khi HATT ≥ 140mmHg hoặc HATTr ≥ 90mmHg, đo 2 lần cách nhau 4 giờ và không quá 1 tuần. Có thể chỉ định Holter HA để chẩn đoán nếu cần.

Xét nghiệm nước tiểu có Protein: ≥ 300 mg/24 giờ.

Các triệu chứng lâm sàng khác như:

+ Triệu chứng phù ít có giá trị và không còn là tiêu chuẩn chẩn đoán TSG.

+ Rối loạn thị giác và tri giác: Nhìn mờ.

+ Đau đầu không đáp ứng với các thuốc giảm đau.

+ Đau vùng thượng vị - hạ sườn phải, căng bao Glisson, tan máu, phù phổi...

+ Tê phù vùng mặt hoặc 2 tay.

+ Xét nghiệm máu: Men gan tăng; giảm tiểu cầu.

+ Soi đáy mắt: Thấy phù võng mạc.

+ Chức năng thận thay đổi: Đi tiểu ít, xét nghiệm creatinin tăng, có dấu hiệu suy thận.

3. Dự phòng TSG-SG bằng cách: Quản lý thai, khám thai cho thai phụ

Thực hiện sàng lọc TSG theo mô hình hai giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Tại thời điểm 11 - 13+6 tuần tuổi thai, mục tiêu tập trung vào sàng lọc TSG sớm và can thiệp dự phòng.

+ Giai đoạn 2: Vào 3 tháng giữa và/hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, sàng lọc TSG được tiếp tục thực hiện cho cả TSG sớm và TSG muộn, nhằm mục đích quản lý phù hợp các trường hợp nguy cơ cao, xác định thời điểm, địa điểm và cách thức kết thúc thai kỳ hợp lý cho từng trường hợp.

4. Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ về phía mẹ:

Mức sống thấp. Lạm dụng chất kích thích.

Tiền sử mắc các bệnh mạn tính, như:

- Có trên một lần mang thai TSG, đặc biệt là tiền sử TSG sớm và sinh cực non (< 34 tuần).

- Bệnh thận mạn tính.

- Bệnh lý tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid.

- Bệnh lý tăng đông máu.

- Đái tháo đường týp 1 hoặc týp 2.

- Tăng HA mạn tính.

- Tiền sử gia đình mắc các bệnh tim mạch sớm, mẹ thai phụ có tăng huyết áp.

- Chế độ ăn uống trong khi mang thai không hợp lý.

Các yếu tố nguy cơ về phía thai nhi:

- Cách lần mang thai trước trên 10 năm.

- Mang thai con so.

- Đa thai.

- Chồng, bạn tình khác so với các lần mang thai trước.

- Có sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

- Mẹ mang thai ở tuổi từ 40 trở lên.

- Hút thuốc lá trong thai kỳ .

- Chỉ số khối cơ thể (BMI) trước mang thai ≥ 35kg/m2.

- Mức HA cơ bản: HATT > 130mmHg hoặc HATTr > 80mmHg.

- Tăng cân quá mức trong thai kỳ.

- Nhiễm trùng thai nghén.

- Bệnh lý tế bào nuôi.

- Tăng triglycerid trong thai kỳ.

TSG-SG gây tỷ lệ tử vong cả mẹ và con cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị. Vì vậy, các thai phụ cần được quản lý thai nghén, khám thai định kỳ để được tư vấn, theo dõi và xử trí bệnh lý kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Hồng Chín

(Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/suc-khoe-doi-song/71976/dieu-can-biet-ve-tien-san-giat-san-giat.html