Điều cần nhớ để không bị 'chặt chém' khi đi du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5
Không đi theo 'cò' dịch vụ, lưu số điện thoại đường dây nóng, không ngại mặc cả, chọn cơ sở niêm yết giá công khai, đối chiếu giá trên phiếu tính tiền với giá niêm yết… là điều du khách cần nhớ khi đi du lịch dịp nghỉ lễ.
Nắm trước thông tin về các sản phẩm du lịch sẽ sử dụng
Tại các vùng trọng điểm về du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)…trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 thường đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Để không bị "chặt chém" hoặc sử dụng các dịch vụ kém chất lượng, du khách, hướng dẫn viên cần nắm rõ một số thông tin nơi mình sẽ đến.
Ông Nguyễn Nhân, một người làm thương mại-du lịch lâu năm ở Khánh Hòa chia sẻ, một trong những cách tránh bị "chặt chém" tốt nhất là nắm rõ trước thông tin về các sản phẩm du lịch mình sẽ sử dụng, nhà hàng mình sẽ đến.
Theo đó, nên chọn nơi công khai giá kèm số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng. Khi ăn uống xong hoặc sử dụng xong dịch vụ, cần xem kỹ hóa đơn trước khi thanh toán tiền để tránh tình trạng bị ghi thêm món ăn. Mặt khác khi sử dụng taxi cần yêu cầu họ đến đúng địa chỉ mình đã tìm hiểu trước, đã có trường hợp nói taxi đến điểm này nhưng lại bị chèo kéo sang địa chỉ khác.
Cũng theo ông Nhân, đối với các món ăn, sản phẩm du lịch chưa ghi cụ thể giá tiền nên hỏi rõ trước để tránh phát sinh các rắc rối hay cãi vã. Khi mua các đặc sản thì tìm về các cơ sở uy tín hoặc đại lý phân phối chính hiệu để không mua phải hàng kém chất lượng, giá cao.

Dịp nghỉ lễ, khách du lịch đến Khánh Hòa tham quan biển đảo thường đông.
Bà Đào Thị Long là quản lý - kinh doanh du lịch ở Điệp Sơn (Vạn Ninh, Khánh Hòa) cũng cho biết: "Bên cạnh việc nắm bắt giá cả, khi lựa chọn tham quan, trải nghiệm một địa điểm nào đó, du khách (hoặc người đại diện - nếu đi theo đoàn) cần yêu cầu người kinh doanh du lịch khi đưa mình đi, phải đưa đến đúng địa điểm.

Con đường cát giữa biển ở Điệp Sơn.
Điển hình như tại Điệp Sơn có nhiều hòn đảo nhưng chỉ có đảo Hòn Ó, Hòn Quạ và Hòn Bịp là có con đường bằng cát nổi lên giữa biển đẹp nhất. Một số du khách lựa chọn đơn vị làm dịch vụ du lịch không uy tín, lại không yêu cầu họ cam kết đưa đến đúng địa điểm nên ngồi ca nô (hoặc tàu) đi mãi vẫn không thấy con đường cát nào giữa biển".

Khách du lịch nên chọn nơi ăn uống có niêm yết giá công khai.
Làm gì khi gặp sự cố?
Thực tế, một số người khi đến các địa phương du lịch, điển hình như đến Khánh Hòa thường ít chú trọng lưu sẵn số điện thoại đường dây nóng nên lúng túng khi gặp sự cố.
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, để đảm bảo phục vụ khách du lịch tốt nhất trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, sở đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Khánh Hòa tăng cường nhân lực trực điện thoại đường dây nóng: 0947.528.000 và *2258.
Trong những ngày nghỉ lễ, đường dây nóng này hoạt động 24/24 để tiếp nhận mọi phản ánh của khách du lịch. Các phản ánh được giải đáp trực tiếp hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Bên cạnh đó, khách du lịch khi đến Khánh Hòa có thể tra cứu thông tin về nhà hàng, điểm du lịch, sản phẩm du lịch, nơi giải trí... tại địa chỉ trang web: https://ttdhsdl.khanhhoa.gov.vn.

Trung tâm hỗ trợ khách du lịch Khánh Hòa nằm trên đường Trần Phú (Nha Trang) là nơi tiếp nhận mọi phản ánh của du khách.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa, địa phương hiện có hơn 1.189 cơ sở lưu trú với 66.185 phòng nên dự báo sẽ không xảy ra tình trạng quá tải trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Sở cũng vừa yêu cầu các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định đảm bảo chất lượng dịch vụ, điều kiện an ninh, an toàn cho du khách.
Đồng thời, đảm bảo tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đăng ký giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Các phương tiện vận tải phục vụ khách du lịch phải được cấp biển hiệu và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật đường bộ và đường thủy nội địa...