'Điều cha mẹ không kể'
Đây là tiêu đề của một bộ phim về tình cảm gia đình của điện ảnh Hàn Quốc, nhưng đây cũng là thực tế đã và đang diễn ra trong mỗi gia đình, với cha mẹ chúng ta, với chúng ta trong vai trò cha mẹ, khi ai cũng đều tâm niệm rằng hạnh phúc của con quan trọng hơn cuộc sống của bản thân mình…
Vì sao cha mẹ lại giấu con?
Nhân dịp lễ Vu Lan vừa qua, một công ty sữa đã thực hiện khảo sát với các bậc cha mẹ trên 50 và kết quả cho thấy, 95% bậc cha mẹ xem sự trưởng thành và thành công của con cái là điều quan trọng nhất; 73% bậc cha mẹ mong muốn có thời gian quây quần và nhận sự quan tâm từ con cái. Dù không nói ra, nhưng 95% đấng sinh thành lớn tuổi luôn cảm thấy tự hào về con cái.
Đặc biệt, trung bình cứ 2 người lớn tuổi thì có 1 người luôn âm thầm mong được chia sẻ cùng con những kinh nghiệm sống, những giá trị truyền thống mà mình trân trọng. Thế nhưng, dường như vì quá bận rộn với công việc, với cuộc sống, chỉ 41% người con tham gia khảo sát biết đến và trân trọng điều này.
Khảo sát cũng khiến nhiều người con bất ngờ khi công bố kết quả cứ 4 trong 10 người lớn tuổi không chia sẻ các dấu hiệu suy giảm sức khỏe cho con cái biết. Nguyên nhân chính được hầu hết người lớn tuổi đề cập là vì “sợ con lo”, “sợ con phải bận tâm và vất vả thêm vì mình”, “sợ trở thành gánh nặng của con”, “các con vốn đã vất vả nhiều với công việc và gia đình riêng”…
“Tôi hiểu rằng con mình cũng có gia đình và cuộc sống riêng. Nếu con biết mình không khỏe nhất định sẽ lo lắng rồi ảnh hưởng, xáo trộn đến cuộc sống hiện tại. Vậy nên khi sức khỏe có vấn đề, tôi và vợ sẽ tự mình tới bệnh viện khám trước, sau đó mới cân nhắc có báo cho con hay không. Tôi luôn tâm niệm, hạnh phúc của con còn quan trọng hơn sức khỏe của mình” – là tâm sự ông Bùi Văn Trung, bác sĩ y học cổ truyền châm cứu đã về hưu tại buổi chia sẻ kết quả khảo sát.
Điều đáng xúc động là dù 70% người con tham gia khảo sát không nhận ra các dấu hiệu suy giảm sức khỏe của cha mẹ nhưng cũng đã có đến 80% người con khẳng định sẵn sàng đồng hành cùng cha mẹ, tự hứa sẽ bớt vô tâm, lắng nghe, chia sẻ và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ tốt hơn.
“Đôi khi tập trung cho công việc mà chưa quan tâm được nhiều tới ba, tôi muốn gửi lời xin lỗi ba và chắc chắn trong lần tới về nhà, tôi sẽ lắng nghe ba nhiều hơn để được ba chia sẻ tiếp những giá trị sống quý báu. Cảm ơn ba vì tất cả sự yêu thương vô điều kiện ba đã dành cho con” – anh Bùi Hiếu con trai ông Bùi Văn Trung cho biết.
Niềm vui con cháu thảo hiền
Xưa nay, trong mỗi gia đình, các cụ ông, cụ bà sống mẫu mực chính là tài sản quý giá, một yếu tố quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội. Người cao tuổi trong mỗi gia đình luôn có những tác động trực tiếp, quyết định nên sự hình thành, phát triển của nền văn hóa dân tộc thông qua việc giáo dục con cháu.
Từ góc độ văn hóa, TS. Nguyễn Phương Lan - Viện Văn hóa cho rằng: “Hiện nay, do sức ép về lao động, việc làm, sinh kế trong thời kỳ kinh tế thị trường, khiến cho không ít các bậc cha mẹ mải miết mưu sinh, rượt đuổi kiếm tiền, nên ít quan tâm đến gia đình, dẫn đến một bộ phận gia đình đang bị khủng hoảng về hệ giá trị văn hóa gia đình: trẻ em ít được giáo dục, người già lâm vào tình trạng cô đơn, giá trị văn hóa gia đình truyền thống bị suy giảm, văn hóa ứng xử trong gia đình bị tổn thương. Nếu như trước đây, gia phong, gia đạo, gia lễ được đặt lên hàng đầu thì ngày nay giá trị đạo đức văn hóa gia đình có phần bị buông lỏng”.
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL đưa ra có những nội dung quan trọng liên quan tới người cao tuổi trong gia đình như: “Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: gương mẫu; yêu thương”; “Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: hiếu thảo; lễ phép”.
Nhận định những nội dung đề cập tới việc ứng xử với người cao tuổi trong Bộ tiêu chí ứng xử là vô cùng cần thiết, trao đổi với truyền thông, TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh: “Sự bất ổn của thiết chế gia đình và sự xuống cấp của văn hóa gia đình là nguyên nhân gây mất ổn định xã hội. Gia đình không còn là điểm tựa tinh thần cho mỗi người trong cuộc sống, văn hóa ứng xử với người cao tuổi bị lung lay, phá vỡ nhiều yếu tố văn hóa tuyền thống dẫn đến nhiều người cao tuổi bị tổn thương.
Nảy sinh hiện tượng một bộ phận người cao tuổi thiếu sự chăm sóc của con cháu, sống cô đơn không nơi nương tựa. Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đặt ra tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà phải hiếu thảo, lễ phép là để các thành viên trong các gia đình có dịp đánh giá và nhìn nhận lại mối quan hệ này để điều chỉnh lại hành vi của mình nếu gia đình đó đang bị lệch chuẩn”.
Có thể nói, ứng xử như thế nào đối với người lớn tuổi trong gia đình không phải là chuyện lớn lao, to tát gì mà là những biểu hiện thường ngày, có khi rất nhỏ, từ lời ăn tiếng nói đến mọi cử chỉ, hành động. Trong quan hệ gia đình, cha mẹ lo cho con khi còn nhỏ, con cái có trách nhiệm lo cho cha mẹ khi già yếu, bệnh tật.
Trong cuộc sống hằng ngày, con cháu cần quan tâm đến những nhu cầu thực tế và căn bản của cha mẹ hầu đáp ứng như ăn, ngủ, phương tiện chuyên chở khi đi khám bác sĩ. Ðể ý xem cha mẹ có chính xác trong việc uống thuốc đúng theo toa bác sĩ. Cung cấp và tạo điều kiện cho cha mẹ có những sinh hoạt giải trí đều đặn như đi bộ, tập thể thao, đi du lịch.
Người già thường yêu thích trẻ con, do đó nên tạo cơ hội cho các cụ vui chơi với các cháu. Khi thấy các cụ có những sự thay đổi như cau có, gắt gỏng, hay quên, xuống cân, ít ngủ, giảm ăn, nên nghĩ đến những căn bệnh có thể xảy ra cho người già về thể chất lẫn tâm thần hầu kịp thời đưa các cụ đi khám bác sĩ, thay vì cho rằng chỉ là những thay đổi thông thường...
Mai sau cho dù có những trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi tiên tiến hiện đại ưu việt đến đâu cũng không thể thay thế được đạo nhà, được tình mẫu tử, phụ tử; không thể thay thế được tấm lòng đức hạnh tình cảm của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ. Càng không thể thay thế được cảnh con cháu sum vầy niềm vui hạnh phúc gia đình bên ông bà, cha mẹ. Con cháu thảo hiền chính là “bà đỡ” cuối cuộc đời của ông bà, cha mẹ trước khi trở về sum họp cùng tổ tiên nơi cõi vĩnh hằng.
Và, để kết thúc bài viết này, xin nhắc lại thông điệp của bộ phim “Điều cha mẹ không kể”: Nếu giữa những bộn bề cuộc sống có đôi lúc vì hạnh phúc của bản thân mà ta lơ đãng với cha mẹ cũng đã già, thì hãy đừng quên rằng: “Chỉ có ba mẹ luôn sẵn sàng giang tay ôm ta vào lòng giữa những giông tố cuộc đời” và họ chẳng còn nhiều thời gian để ở bên ta nữa đâu…
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/dieu-cha-me-khong-ke-469622.html