Điều chỉnh chính sách để tránh 'bảo hộ ngược'

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh, đặc biệt là hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đang có xu hướng tràn vào Việt Nam, việc miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa có trị giá từ 2 triệu đồng trở xuống 'có thể tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử với hàng hóa nhập khẩu khác và hàng sản xuất trong nước', thậm chí là 'bảo hộ ngược'. Do vậy, cơ quan này đã có điều chỉnh.

Chính sách quản lý phải phù hợp tình hình

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (dự thảo Nghị định).

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phân tích về sự cần thiết ban hành nghị định này, Bộ Tài chính cho biết, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Năm 2024, quy mô thị trường Việt Nam vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023. Việt Nam hiện được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Với tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử đòi hỏi cơ chế chính sách quản lý cũng phải thay đổi cho phù hợp, đặc biệt là thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Hiện, Việt Nam chưa có quy định riêng về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được thực hiện như đối với hàng hóa thông thường. Trong khi đó, thương mại điện tử phát triển nhanh cả về quy mô và hình thức đang đặt ra những thách thức, như: có thể bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh xuyên biên giới để trốn thuế; doanh nghiệp kinh doanh không cần có trụ sở, thực hiện giao dịch bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt ở nước ngoài nên gây khó khăn trong xác định danh tính người nộp thuế và căn cứ tính thuế, khó khăn trong kiểm soát dòng tiền.

Mặt khác, với chiến lược phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc thời gian gần đây sẽ tạo các nguy cơ đối với Việt Nam, như hàng hóa nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khiến hàng hóa Việt Nam cùng chức năng nhưng không cạnh tranh được giá cả, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, tốc độ giao hàng; nguy cơ các công ty thương mại điện tử trong nước bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm; người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ bị lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng…

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng dự thảo Nghị định là rất cần thiết. Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ sau khi tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ tại Công văn 6289/BTC-TCHQ ngày 20.6.2023 (dự thảo cũ). Tuy nhiên, dự thảo này không còn phù hợp với tình hình hiện nay, do đó Bộ Tài chính đã có sửa đổi phù hợp tình hình mới cũng như cam kết quốc tế, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho đơn hàng online từ 1 triệu đồng trở xuống

So với dự thảo cũ, dự thảo lần này có nhiều điểm mới. Cụ thể, ngoài các đối tượng áp dụng như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông thường, tại dự thảo lần này có quy định thêm các đối tượng là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng. Ví dụ, sàn thương mại điện tử Amazon ở Mỹ, sàn thương mại điện tử Alibaba ở Trung Quốc, website thương mại điện tử bán hàng Ebay…; đồng thời bổ sung “nền tảng số” để bảo đảm phù hợp với các luật liên quan.

Một nội dung rất được quan tâm là quy định về quản lý thuế đối với nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử. Bộ Tài chính cho rằng, nếu quy định miễn thuế đối với hàng hóa có mức thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200.000 đồng Việt Nam thì người khai hải quan phải thực hiện khai báo các thông tin để tính được số tiền thuế như: mã HS, mức thuế suất, biểu thuế..., đòi hỏi cơ quan hải quan phải có biện pháp kiểm tra được các thông tin này. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm và thông lệ quốc tế cũng như pháp luật hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về miễn thuế theo số tiền thuế tối thiểu. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho người khai hải quan và cơ quan hải quan.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức trị giá miễn thuế từ 2 triệu đồng xuống còn 1 triệu đồng, để thống nhất với Nghị định số 134/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP) và bảo đảm công bằng với những trường hợp khác không giao dịch qua thương mại điện tử. Như vậy, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu không quá 48.000.000 đồng/năm, thay vì 96 triệu đồng/năm như đề xuất trước đó.

Điểm đáng chú ý nữa là tại dự thảo cũ, Bộ Tài chính đề xuất việc miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa có trị giá từ 2 triệu đồng trở xuống và hàng hóa trên 2 triệu đồng là hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96.000.000 đồng/năm. Tuy nhiên, cơ quan này xác nhận, trước bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh như hiện nay, đặc biệt là hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đang có xu hướng tràn ồ ạt vào Việt Nam, thì việc miễn kiểm tra chuyên ngành như đã đề xuất “có thể đã tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử với hàng hóa nhập khẩu khác và hàng sản xuất trong nước, thậm chí là “bảo hộ ngược” đối với hàng thương mại điện tử nhập khẩu, nguy cơ hàng hóa kém chất lượng hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam mà không bị kiểm soát chất lượng”.

Từ phân tích trên, Bộ Tài chính thiên về phương án là hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống (trừ hàng hóa phải kiểm dịch, hàng hóa thuộc danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng hóa thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu) được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 48.000.000 đồng/năm đối với mỗi tổ chức, cá nhân.

Kinh nghiệm quốc tế về quản lý thương mại điện tử

Tại Thái Lan, Chính phủ yêu cầu Cục Thuế và Cục Hải quan tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng xuất hiện tràn lan các sản phẩm hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc gây tổn hại cho doanh nghiệp Thái Lan, như: thu 7% thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có giá dưới 1.500 Baht (tương đương 1.100.000 đồng); kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động khai báo hải quan đối với hàng hóa Trung Quốc, nhất là hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tại Indonesia, quy định không giao dịch hàng hóa thương mại trên mạng xã hội. Người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử phải có giấy phép hoạt động thương mại điện tử riêng, tương ứng với mã phân loại doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp hoạt động buôn bán xuyên biên giới trên sàn thương mại điện tử, quy định sản phẩm xuất xứ nước ngoài bán trực tiếp vào Indonesia phải có mức giá tối thiểu tương đương 100 USD/sản phẩm, chưa bao gồm cước phí vận chuyển.

Tại Trung Quốc, người bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng; quy định chặt chẽ việc cho phép một số hàng hóa được phép nhập khẩu vào thị trường nước này qua thương mại điện tử, như phải thuộc Danh sách hàng hóa được nhập khẩu bán lẻ tại Trung Quốc thông qua thương mại điện tử; chỉ cho phép bán hàng hóa tới người tiêu dùng cuối cùng chứ không được mua đi bán lại…

(Theo Bộ Tài chính)

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dieu-chinh-chinh-sach-de-tranh-bao-ho-nguoc-post408760.html