Phillipines ngày càng thiếu gạo

Lượng gạo tiêu thụ của Philippines tiếp tục tăng nhanh hơn so với số lượng gạo có thể sản xuất được. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung, lên đến khoảng 6,1 triệu tấn vào năm 2029, theo dự báo từ BMI, đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions.

Các bao gạo trong nhà kho của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines ở thành Quezon City, Philippines. Ảnh: NY Times

Các bao gạo trong nhà kho của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines ở thành Quezon City, Philippines. Ảnh: NY Times

Báo cáo mới đây của BMI cho biết, tiêu thụ gạo của Philippines sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức 2,5% cho đến năm 2029. Trong khi đó, sản lượng gạo sản xuất trong nước dự kiến chỉ tăng trưởng 2% hàng năm.

“Những thách thức của ngành lúa gạo ở Philippines cũng được phản ánh qua tình trạng thiếu hụt sản lượng ngày càng tăng, từ mức 1,4 triệu tấn trong năm niên vụ 2014-2015 lên mức dự kiến 3,5 triệu tấn trong niên vụ 2024-25 và 6,1 triệu tấn trong niên vụ 2028-2029”, báo cáo nêu rõ.

BMI nhấn mạnh, tăng trưởng hạn chế về sản xuất lúa gạo trong nước cùng với nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đã làm giảm đáng kể khả năng tự cung tự cấp lúa gạo của Philippines.

Khả năng tự cung tự cấp gạo của Philippines dự báo giảm xuống còn 69,7% so với nhu cầu trong niên vụ 2024-2025, giảm đáng kể so với mức 91,6 phần trăm trong niên vụ năm 2014-2015.

Xu hướng dân số tăng ở Philippines sẽ dẫn đến nhu cầu mạnh mẽ liên tục về gạo trong trung và dài hạn. BMI cho biết, chi tiêu của người tiêu dùng Philippines cho gạo sẽ tăng nhanh hơn so với tổng chi tiêu cho thực phẩm vào năm 2029.

Khi sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu, Philippines ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu gạo. Lượng gạo nhập khẩu của Phillippines đạt mức cao kỷ lục 4,8 triệu tấn trong năm 2024, vượt qua mức đỉnh trước đó 3,8 triệu tấn vào năm 2022. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu này khiến Philippines chịu ảnh hưởng từ biến động giá cả và thị trường toàn cầu.

BMI ước tính, lượng gạo nhập khẩu của Philippines sẽ chiếm khoảng 30% lượng tiêu thụ trong nước trong niên vụ 2024-2025, đánh dấu mức tăng đáng kể so với mức 17% cách đây 5 năm.

Diện tích đất canh tác hạn chế, các cơn bão thường xuyên xảy ra và dân số ngày càng tăng là những thách thức dai dẳng kìm hãm sản xuất lúa gạo của Philippines.

Theo BMI, để giải quyết vấn đề này, Philippines cần phải cải thiện năng suất của cây lúa. Riêng trong niên vụ 2025-2026, BMI dự báo sản lượng gạo trong nước của Philippines sẽ tăng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn và Quỹ tăng cường năng lực cạnh tranh gạo (RCEF) được gia hạn hoạt động đến năm 2031.

Ngân sách phân bổ cho RCEF hàng năm cũng sẽ tăng từ 10 tỉ peso lên 30 tỉ peso (524 triệu đô la Mỹ) để tăng cường hỗ trợ cho các sáng kiến như sản xuất hạt giống chất lượng cao, cơ giới hóa nông nghiệp, đào tạo và khuyến nông, cải thiện sức khỏe đất đai, quản lý sâu bệnh và nguồn nước tưới tiêu. Tuy nhiên, RCEF không thể giúp Philippines cải thiện đáng kể sản lượng thu hoạch lúa trong nước.

Sản lượng lúa của Philipines đạt gần 19,1 triệu tấn trong năm 2024, thấp hơn mục tiêu 19,3 triệu tấn của chính phủ và thấp hơn 4,85% so với sản lượng thu kỷ lục 20,06 triệu tấn trong năm 2023. Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp Philippines vẫn kỳ vọng sản lượng lúa sẽ đạt kỷ lục mới 20,46 triệu tấn trong năm nay.

Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USA) ước, tính sản lượng gạo xay xát của Philippines ở mức 12,25 triệu tấn trong niên vụ từ tháng tháng 7-2025 đến tháng 6-2026. Con số này cao hơn 2,1% so với niên vụ trước.

Hồi tháng Hai, chính phủ Philippines đã ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực để giải quyết tình trạng giá gạo bán lẻ liên tục ở mức cao, bất chấp xu hướng giá gạo giảm trên toàn toàn cầu và quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo vào năm trước.

Chính phủ Philippines cũng tăng cường nỗ lực đàm phán với các nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam và Thái Lan để đảm bảo các thỏa thuận cung cấp gạo dài hạn. Trong năm 2024, Việt Nam vẫn là nước cung cấp gạo hàng đầu cho Philippines, chiếm 3/4 tổng khối lượng nhập khẩu, tương đương khoảng 3,56 triệu tấn, theo số liệu của Cục Cây trồng thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines

Theo Phil Star, Business Mirror, Inquirer

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phillipines-ngay-cang-thieu-gao/