Điều chỉnh chủ trương đầu tư không làm đội vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết nguồn vốn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 4.000 tỉ đồng đã được phân bổ trong tổng nguồn vốn mà Quốc hội đã phê duyệt.

Ngày 17-6, Quốc hội (QH) thảo luận về việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Các ý kiến đều ủng hộ và đề xuất thêm một số giải pháp để chương trình đạt hiệu quả cao hơn.

 Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu (ĐB) Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng chương trình cần được điều chỉnh để thực hiện tốt việc lồng ghép các mục tiêu và phân bổ vốn hiệu quả hơn nhưng cần xem lại thời gian áp dụng cho phù hợp.

Theo ông Hải, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2025, vốn đầu tư công đã được giao cho địa phương, vốn sự nghiệp cũng đã được phân bổ đến hết năm 2024. Vì vậy, việc điều chỉnh cần được xác định rõ là cho giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, trong phân bổ vốn cần tránh trường hợp phân bổ, giao vốn sự nghiệp và phân bổ vốn đầu tư công không ăn khớp, làm ảnh hưởng lớn tới bố trí vốn cho các dự án cụ thể.

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) ủng hộ việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình. Theo đó, chương trình cần áp dụng cho bốn nhóm với 10 đơn vị sự nghiệp công lập; 101 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 39 tỉnh không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ba trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện không nằm trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số.

ĐB Nghĩa cũng đánh giá cao cam kết của Chính phủ khi bổ sung bốn nhóm đối tượng với hơn 4.000 tỉ đồng sẽ không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được QH phê duyệt tại Nghị quyết 120/2020.

Theo ông Nghĩa, điều này cũng phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị năm 2019 về công tác dân tộc trong tình hình mới và việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình cũng là bước đi quan trọng nhằm thể chế hóa các quy định trong hiến pháp về việc phát triển y tế, giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Giải trình ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết nguồn vốn để thực hiện chương trình là hơn 4.000 tỉ đồng đã được phân bổ trong tổng nguồn vốn mà QH đã phê duyệt. Nguồn ngân sách nói trên đã được phân bổ cho các địa phương và các địa phương đã lựa chọn các danh mục.

“Hiện nhiều địa phương rất mong muốn được đầu tư nhưng vì không nằm ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng đặc biệt khó khăn, nằm ở địa bàn thôn, bản nên Chính phủ đề nghị điều chỉnh về địa bàn để tổ chức thực hiện” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.

Về phạm vi và đối tượng của chương trình, có bốn nội dung với bốn nhóm đối tượng được điều chỉnh, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cho Chính phủ, cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát cụ thể từng danh mục công trình phù hợp với tiêu chí, mục tiêu, phạm vi, đối tượng của chương trình để bảo đảm sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Với băn khoăn của các ĐBQH về tiến độ thực hiện chương trình, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết các danh mục công trình được lựa chọn chủ yếu là cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị với quy mô nhỏ, thời gian ngắn, có thể tiến hành đổi ngay.

“Nếu sau khi QH đồng ý để điều chỉnh nội dung này thì các địa phương lựa chọn và tổ chức thực hiện. Do đó, các địa phương đều cam kết khả năng bảo đảm hoàn thành đến năm 2025” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/dieu-chinh-chu-truong-dau-tu-khong-lam-doi-von-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post796156.html