Điều chỉnh chương trình môn Lịch sử bảo đảm khả thiTin khácKhơi dậy sức sáng tạo của đoàn viên công đoànThanh niên Lạng Sơn xung kích xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã thành lập Ban Phát triển chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (THPT) để thực hiện rà soát, điều chỉnh chương trình môn Lịch sử.Chương trình sẽ được chỉnh sửa theo hướng nào, những thay đổi đó có phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực người học? Đây là thách thức không nhỏ với ngành giáo dục bởi lộ trình thực hiện đang rất gấp để kịp triển khai ngay trong năm học này ở lớp 10.Học sinh tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Tăng tính giáo dục truyền thống

Để xây dựng chương trình môn Lịch sử có phần bắt buộc và lựa chọn ở cấp THPT, Ban Phát triển chương trình môn Lịch sử đã đề xuất phương án điều chỉnh theo hướng giữ nguyên phần lựa chọn là phần chuyên đề học tập Lịch sử 35 tiết/lớp/năm học của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Chuyển môn Lịch sử trong nhóm khoa học xã hội thành phần Lịch sử bắt buộc với thời lượng 52 tiết/lớp/năm học (được lựa chọn từ các chủ đề, các nội dung cốt lõi của Chương trình môn Lịch sử 2018).

PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ, Trưởng ban Phát triển chương trình môn học Lịch sử cấp THPT khẳng định, những điều chỉnh dựa trên nguyên tắc tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình của Chương trình GDPT 2018 và đặc điểm môn Lịch sử. “Những điều chỉnh sẽ không làm thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học. Việc điều chỉnh dựa trên cơ sở chuyển từ môn học lựa chọn mang tính định hướng nghề nghiệp trở thành môn học bắt buộc cho tất cả đối tượng học sinh đại trà, do đó sẽ tinh giản một số chủ đề, nội dung, mức độ yêu cầu cần đạt cho phù hợp với học sinh đại trà”, PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ cho biết.

Theo chuyên gia, những điều chỉnh đó vừa phải bảo đảm tính cơ bản, hệ thống cho giáo dục đại trà, vừa bước đầu quan tâm đến giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp THPT. Đồng thời coi trọng kiến thức lịch sử dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc; bảo đảm sự kết nối, hài hòa giữa kiến thức lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, làm cơ sở để hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc.

Theo tỷ lệ thời lượng các chủ đề, nội dung về lịch sử Việt Nam luôn chiếm tỷ lệ cao nhất là 34-38-48% tương ứng với chương trình học lớp 10, 11 và 12.

Phù hợp với nhận thức của học sinh

Từ môn học lựa chọn sang môn bắt buộc, nhiều giáo viên tâm huyết cho rằng, khi sửa lại môn Lịch sử, các chuyên gia nên nghiên cứu kỹ lưỡng, không bỏ kiến thức theo kiểu cơ học. Vấn đề ở đây không phải là học sinh có nhiều tiết học lịch sử, mà học sinh được hiểu nhiều hơn về lịch sử. Những thay đổi đó sao cho vừa đánh giá được học sinh đại trà, vừa đáp ứng kiến thức cơ bản cho những học sinh thiên về khối khoa học xã hội và nhân văn.

Đề cập về tính khả thi của những điều chỉnh này, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Những thành viên trong Ban Phát triển chương trình đều là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và lịch sử, bởi vậy lần điều chỉnh này cần bàn thật kỹ, tránh việc làm xong rồi lại có ý kiến sao giảm nội dung này, giữ nội dung kia”.

Nhận định các chủ đề, nội dung lựa chọn phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, nhận thức học sinh cấp THPT, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, nhưng ông Trương Công Tám, chuyên viên nghiên cứu môn Lịch sử của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, những nội dung này có thể rất khó với đối tượng học sinh hệ giáo dục thường xuyên.

“Qua 5 năm đánh giá dựa trên điểm thi THPT, điểm thi môn Lịch sử của đối tượng này rất thấp”, ông Tám chia sẻ, đồng thời đề nghị, về mặt nội dung chương trình lớp 10 nên giảm tải ở hai chủ đề lịch sử và sử học, vai trò của sử học bởi tính hàn lâm cao, phù hợp với đối tượng nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học sinh. Nhất là những học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu học ngay hai chủ đề này thì khó cảm thấy môn Lịch sử hấp dẫn.

Mặt khác, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý kiến thức lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi Lịch sử các cấp sẽ thuộc phần kiến thức đại trà hay nâng cao, từ đó bảo đảm quyền lợi cho những học sinh tham dự kỳ thi này.

Cùng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, thời điểm này không nên có những thay đổi quá phức tạp. Việc giảm chủ đề, giảm nội dung và điều chỉnh thuật ngữ rất quan trọng nhưng tránh cắt theo kiểu cơ học. Chỉnh sửa theo hướng tinh giản để học sinh có cái nhìn tổng thể về lịch sử, về các cuộc cách mạng của dân tộc. Cố gắng giữ nguyên cấu trúc những nội dung định hướng nghề nghiệp của lớp 10, nhằm trang bị kiến thức cốt lõi và nền tảng gắn với định hướng nghề nghiệp cho những em có nhu cầu.

Thống nhất với các quan điểm điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Minh Thuận, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho rằng, khi chương trình thay đổi, giáo viên cũng cần có sự thay đổi về phương pháp, kỹ năng, cách tiếp cận và cách giải quyết vấn đề. Bộ GD&ĐT cần sớm có kế hoạch, bảo đảm cân bằng và thống nhất với các môn học khác để các đơn vị kịp triển khai tập huấn giáo viên trong thời gian tới.

Thời điểm này, chương trình môn Lịch sử, sách giáo khoa và các tài liệu học tập khác của lớp 10 đã được biên soạn, thẩm định và in ấn, chuẩn bị phát hành. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: “Khi xem xét để chỉnh sửa không những phải tuân thủ nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu của giáo dục hai giai đoạn, không làm xáo trộn quá lớn tới Chương trình GDPT 2018, mà còn không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch của các trường, của các giáo viên”.

Theo Quandoinhandan

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/517722-dieu-chinh-chuong-trinh-mon-lich-su-bao-dam-kha-thi.html