Điều chỉnh di dời các cơ sở thu mua phế liệu

UBND TP. Nha Trang vừa có báo cáo điều chỉnh phương án di dời các cơ sở kinh doanh phế liệu ra khỏi địa bàn thành phố.

Còn khó khăn

Theo phương án di dời các cơ sở phế liệu ra khỏi khu dân cư mà UBND TP. Nha Trang xây dựng đầu năm 2019, các cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh thu mua phế liệu từ ngày 31-12-2019 đối với khu vực nội thành và ngày 31-12-2020 đối với khu vực ngoại thành; những cơ sở kinh doanh không phép, việc di dời phải thực hiện trước ngày 30-6-2019. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phương án vẫn chưa thể triển khai.

 Cơ sở thu mua phế liệu trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ và ô nhiễm môi trường.

Cơ sở thu mua phế liệu trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ và ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, việc di dời các hộ kinh doanh phế liệu ra khỏi thành phố là việc làm không dễ dàng, bởi ảnh hưởng đến vấn đề mưu sinh của nhiều người dân. Thời gian qua, trong quá trình thực hiện, thành phố gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm tra, giám sát xử lý các trường hợp vi phạm về hoạt động kinh doanh, mất an toàn phòng cháy, chữa cháy, vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ… chưa được chính quyền xã, phường quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương còn buông lỏng để phát sinh các trường hợp kinh doanh mới khi chưa đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế đối với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Qua khảo sát 167 cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố, hiện có 349 lao động sinh sống phụ thuộc chủ yếu vào việc hành nghề kinh doanh thu mua phế liệu. Trong số đó, có 74 cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu không thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định (chiếm tỷ lệ 44,31%).

Ngoài ra, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh về quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu (chất thải rắn sau khi sử dụng được phân loại và đưa vào tái sử dụng) từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng dân cư đô thị. Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn. Công tác này được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau trên nhiều lĩnh vực khác nhau, dẫn đến không có cơ quan chủ trì trong lĩnh vực này. “Hiện nay, thành phố đã cơ bản xây dựng được phương án và giao cho Phòng Quản lý đô thị thực hiện chính”, ông Tuấn cho biết.

Yêu cầu xử lý quyết liệt

Mới đây, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu UBND TP. Nha Trang nghiêm túc tổ chức thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh về việc di dời và chấm dứt hoạt động của các cơ sở thu mua phế liệu trong khu dân cư. Đồng thời đề nghị thành phố căn cứ quy định hiện hành và ý kiến các sở, ngành liên quan, hoàn thiện phương án di dời theo thẩm quyền trước ngày 31-10 -2019.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý và kiên quyết chấm dứt, di dời các cơ sở kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cháy nổ ra khỏi khu dân cư. Trước ngày 30-9, phải báo cáo trách nhiệm xử lý của các cơ quan chức năng trực thuộc, UBND cấp xã trong việc để tồn tại các cơ sở thu mua phế liệu không phép.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, mới đây, UBND TP. Nha Trang có văn bản đề xuất phương án mới về việc di dời và chấm dứt hoạt động của các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố. Theo đó, các cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ở 19 phường nội thành, buộc phải chấm dứt hoạt động kể từ ngày 30-3-2020; các cơ sở ở 8 xã ngoại thành không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, buộc phải chấm dứt hoạt động từ ngày 30-6-2020. Các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh buộc phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động kể từ ngày 31-12-2020 (nội thành) và trước ngày 31-12-2021 (ngoại thành). Mức hỗ trợ di dời trong phương án mới cũng được tăng lên theo hướng có lợi cho các cơ sở thu mua phế liệu. Nếu như trước đây, tổng kinh phí thực hiện là 3,7 tỷ đồng thì nay được nâng lên gần 7,4 tỷ đồng.

Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, sắp tới, phòng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra lại các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Cơ sở nào chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép kinh doanh sẽ cương quyết yêu cầu đóng cửa theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đình Lâm

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201909/dieu-chinh-di-doi-cac-co-so-thu-mua-phe-lieu-8131130/