Điều chỉnh giá bán lẻ điện: Doanh nghiệp chủ động thích ứng

Hiện nay, Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) có trên 410.780 khách hàng, trong đó có gần 26.160 khách hàng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng (chiếm 75,82% tổng sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ trên toàn tỉnh). Trước bối cảnh giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng từ ngày 11/10/2024, các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực thích ứng bằng nhiều biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh...

Công nhân Công ty Điện lực Thái Nguyên tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, an toàn tại Nhà máy gạch ốp lát Việt Ý Sông Công - Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn đầu tư Grand Home.

Công nhân Công ty Điện lực Thái Nguyên tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, an toàn tại Nhà máy gạch ốp lát Việt Ý Sông Công - Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn đầu tư Grand Home.

Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 11-10 với mức tăng thêm 4,8% (lên 2.103,11 đồng/kWh) đã ít nhiều ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh. Bởi chi phí điện chiếm khoảng 10-15% giá thành sản phẩm.

Đơn cử Công ty CP Cơ khí Gang thép Thái Nguyên, trung bình mỗi tháng, Công ty tiêu thụ khoảng 6 triệu kWh điện. Giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng kéo theo chi phí sản phẩm cũng tăng. Để thích ứng, Công ty đã tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện, chống lãng phí, như: Tắt các thiết bị điện tại tất cả các bộ phận, nhà xưởng khi không sử dụng, thay thế toàn bộ bóng đèn công suất 300W bằng bóng đèn Led tiết kiệm điện có công suất 75W. Cùng với đó là tối ưu hóa các thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất, như: Sử dụng dây chuyền công nghệ cán thép không phải nung phôi, thay thế dây chuyền gia công cơ khí bằng các máy CNC... Từ đó giúp tiết kiệm từ 15-20% lượng điện năng tiêu thụ/tháng trong sản xuất.

Hay như tại Công ty TNHH MTV Tam Hữu (TP. Sông Công) - đơn vị chuyên sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay, phụ tùng và phụ trợ động cơ, ông Dương Quang Dũng, Giám đốc Công ty, cho biết: Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện tăng là xu thế tất yếu nên từ nhiều năm nay, chúng tôi đã chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp: Dịch chuyển thời gian sản xuất từ khung giờ cao điểm sang các khung giờ thấp điểm; thắt chặt các khoản chi phí đầu vào; tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời). .. Nhờ đó, giá bán lẻ điện tuy tăng nhưng giá bán sản phẩm của Công ty vẫn được kiểm soát, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Trước bối cảnh giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường triển khai các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (TP. Sông Công).

Trước bối cảnh giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường triển khai các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (TP. Sông Công).

Qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng 4,8% có tác động trực tiếp đến chi phí hoạt động của DN. Tuy nhiên, nhờ chủ động thích ứng bằng các giải pháp tiết kiệm điện nên hầu hết các DN sản xuất công nghiệp - xây dựng đều duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, giá bán sản phẩm cơ bản được giữ vững.

Tuy nhiên, với một số nhóm ngành sản xuất (như gạch, xi măng…), giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng trong khi việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay giảm mạnh (từ 30-50% so với cùng kỳ năm trước) khiến cho nhiều đơn vị gặp khó khăn.

Trước bối cảnh giá bán lẻ điện tăng như hiện nay, nhiều DN kiến nghị Nhà nước cần có thêm cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các DN đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, ít tiêu hao năng lượng; cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp mang tính vĩ mô, căn cơ về khơi thông thị trường xây dựng, bất động sản; cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa trên thị trường nhằm bảo đảm bình ổn, công khai, minh bạch về giá, tránh tình trạng "té nước theo mưa" do giá bán lẻ điện tăng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các DN. Bên cạnh đó, ngành Điện cần bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, hiệu quả…

Theo ông Trần Hồ Nam, Giám đốc PC Thái Nguyên: Để bảo đảm cung cấp điện ổn định trên địa bàn tỉnh, ngành Điện đã và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư của ngành theo kế hoạch; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong quản lý, vận hành lưới điện; tổ chức ký kết, thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) với trên 160 khách hàng lớn để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, dịch chuyển phụ tải từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm…

Thời gian tới, ngành Điện tiếp tục kêu gọi các cơ quan, đơn vị, DN và khách hàng chung tay thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc, không sử dụng thiết bị có công suất lớn vào giờ cao điểm. Từ đó góp phần giảm bớt khó khăn về nguồn điện, bảo đảm hệ thống lưới điện được vận hành ổn định, an toàn...

Hoàng Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/dieu-chinh-gia-ban-le-dien-doanh-nghiep-chu-dong-thich-ung-e730f50/