Điều chỉnh giá đất: Xin đừng gây khó cho dân!

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang lấy ý kiến vào dự thảo điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn; dự kiến giá đất sẽ tăng từ 5 lần đến 50 lần mức giá hiện hành theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16.1.2020 của UBND TP.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, bảng giá đất điều chỉnh theo Luật Đất đai 2024 sẽ được áp dụng trong 12 trường hợp và tác động đến 12 nhóm đối tượng tương ứng (trong đó, có 1 nhóm được lợi, 3 nhóm không bị ảnh hưởng và 8 nhóm bị ảnh hưởng).

Cái được lớn nhất là giá đất thực hiện theo nguyên tắc thị trường, sát giá thị trường, nên nhóm đối tượng được Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất sẽ có lợi, đồng thời giúp việc thu hồi đất dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, với 8 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, đặc biệt là hàng vạn gia đình chưa làm được sổ đỏ (chứng nhận quyền sử dụng đất) thì lo lắng. Nhiều người dân ở các huyện vùng ven TP.HCM không khỏi giật mình khi mảnh đất của gia đình đang đề nghị làm sổ đỏ có bảng giá dự kiến tăng 20 - 50 lần, đồng nghĩa với việc họ phải nộp tiền sử dụng đất, thuế, phí gấp từng ấy lần so với mức hiện tại.

Không ít cán bộ cấp xã, huyện bày tỏ lo ngại, thực tế có rất nhiều gia đình chưa thể làm sổ đỏ vì họ không xoay xở được vài chục, vài trăm triệu đồng để nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành. Nếu áp giá đất mới, số tiền phải nộp khi làm sổ đỏ sẽ tăng vài chục lần, thậm chí lên đến hàng tỉ đồng thì người dân càng không thể.

Chưa kể, còn nhiều hộ đề nghị làm sổ đỏ từ lâu, nhưng vì có một số vướng mắc khách quan nên chưa làm xong, mà sắp tới lại bị áp giá đất mới thì rất bất hợp lý.

TP.HCM và nhiều địa phương đang điều chỉnh bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường - Ảnh: Internet

TP.HCM và nhiều địa phương đang điều chỉnh bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường - Ảnh: Internet

Không chỉ TP.HCM, nhiều địa phương cũng đang điều chỉnh bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường, được Luật Đất đai 2024 quy định tại khoản a, Điều 158. Điều này khiến hàng triệu gia đình trong diện bị ảnh hưởng vô cùng lo lắng.

Tuy nhiên, điểm cần chú ý là cũng tại Điều 158 này có khoản đ quy định rõ nguyên tắc “Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư”. Không những thế, Điều 257 của Luật Đất đai 2024 còn quy định: “Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31.12.2025; trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”.

Trước những bất cập khi điều chỉnh lớn giá đất, nhiều cán bộ cơ sở, chuyên gia pháp luật và bất động sản cho rằng, các địa phương cần tiếp tục áp dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31.12.2025 như quy định của Luật Đất đai 2024, không nên vội vàng điều chỉnh khi nhân dân chưa kịp chuẩn bị.

Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh trước thời hạn trên thì phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người sử dụng đất; cân nhắc kỹ lưỡng các trường hợp để có chính sách phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với người làm sổ đỏ lần đầu, tránh gây khó khăn theo kiểu “bắt bí” người dân, dẫn đến những hệ lụy kéo dài.

Đất đai là vấn đề vô cùng quan trọng và hết sức nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến toàn dân. Vì thế, việc xây dựng chính sách đất đai phải quán triệt bài học "yên dân", dân là gốc, là trung tâm, là chủ thể, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Cát Quang Huy

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dieu-chinh-gia-dat-xin-dung-gay-kho-cho-dan-222223.html