Điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt: Yêu cầu cấp thiết!
Từ chỗ còn thiếu nước sạch, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung phát triển nguồn và mạng lưới, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng mạnh, nhu cầu sử dụng nước sẽ ngày càng cao. 10 năm qua, trong khi các chi phí cấu thành giá nước sạch đều tăng, Hà Nội vẫn đang giữ nguyên giá nước sạch được áp dụng từ năm 2013. Điều này đã và đang gây ra nhiều bất cập trong phát triển hệ thống nước sạch, cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng nước. Báo Hànôịmới giới thiệu đến bạn đọc loạt bài: 'Điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt: Yêu cầu cấp thiết!', làm rõ hơn sự cần thiết của việc điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn thành phố.
Bài 1: Bảo đảm cấp đủ nước sạch cho người dân
Chỉ 5-7 năm trở về trước, nỗi lo về việc bị “cúp” nước, thiếu nước sạch, nhất là trong dịp hè luôn thường trực với nhiều người dân Thủ đô. Với nỗ lực bảo đảm cấp nước sạch cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, thành phố Hà Nội đã mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý, triển khai xã hội hóa phát triển hệ thống cấp nước.
Không còn lo thiếu nước
5 năm gần đây, gia đình chị Nguyễn Thu Trà (chung cư VP3 Linh Đàm, quận Hoàng Mai) không còn lo bị “cúp” nước sạch mỗi khi hè đến, bởi việc cấp nước đến các hộ dân đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm sinh sống tại đây, những lần gia đình đảo lộn sinh hoạt, khổ sở vì mất nước sạch trong nhiều ngày, nhất là dịp hè nắng nóng vẫn ám ảnh chị Trà.
“Cả nhà phải dắt díu nhau “di tản” sang nhà người quen để tắm rửa, phải kéo nhau đi ăn cơm bụi, tằn tiện từng chai nước để đánh răng, rửa mặt... Dù không còn lo mất nước nhưng đến giờ, gia đình tôi vẫn chuẩn bị sẵn thùng trữ nước phòng tình huống xấu”, chị Nguyễn Thu Trà kể.
Cũng như khu chung cư VP3 Linh Đàm, những năm trước, khu dân cư số 3 phố An Xá, phường Phúc Xá (quận Ba Đình) nằm ở cuối nguồn cấp nước, lại có cốt địa hình cao nên áp lực nước chảy về yếu. Cứ vào mùa hè, khu vực này thường xuyên mất nước. Nhiều người nhớ lại, để có nước sạch sử dụng, 250 hộ dân ở khu dân cư số 3 phải mua máy bơm, thức đêm hoặc dậy từ 4 đến 5h sáng để bơm hút nước về bể. Đến nay, việc cấp nước đã được cải thiện đáng kể, người dân không còn nơm nớp lo mỗi khi hè về.
Theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du, từ năm 2018 trở về trước, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung trên địa bàn thành phố khoảng 897.000m3/ngày-đêm, mới cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước cho khu vực đô thị. Vào mùa hè, nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao (tăng 5-10% trong những ngày cao điểm nắng nóng), cộng với tốc độ phát triển đô thị (số khách hàng đấu nối tăng thêm trung bình khoảng 50.000 - 60.000 khách hàng/năm), nên tình trạng thiếu nước xảy ra. Nước sạch không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là khu vực có địa hình bất lợi, cuối nguồn, chung cư cao tầng.
Thiếu nước sạch, nhiều hộ gia đình đã phải sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, nước ngầm có hàm lượng asen, amoni, sắt cao, thậm chí có nơi bị nhiễm khuẩn coliforms, E.coli…, nên chất lượng nước không bảo đảm cho mục đích ăn, uống; ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Huy động nguồn lực triển khai cấp nước
Giải nỗi lo thiếu nước sạch của người dân Thủ đô, trong thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý, kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống cấp nước khi nguồn vốn từ ngân sách hạn chế. Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Lê Văn Du cho hay, để bổ sung nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân, UBND thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 11 dự án phát triển nguồn, 28 dự án phát triển mạng cấp nước.
Với sự vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố, các cấp, ngành và sự đồng hành của doanh nghiệp, đến năm 2019, đã có 5 dự án nguồn hoàn thành, bổ sung 623.000m3 nước/ngày-đêm, nâng tổng công suất các nguồn cấp nước của thành phố đạt 1.520.000m3/ngày-đêm.
“Việc bổ sung nguồn cấp nước đã thực sự giải nỗi lo “khát” nước sạch dịp hè khu vực đô thị. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, dù trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài, Hà Nội đã không xảy ra tình trạng mất nước sạch như trước”, ông Lê Văn Du thông tin.
Trong khi đó, việc triển khai các dự án cấp nước tại khu vực nông thôn Hà Nội cũng đã đem lại những kết quả nhất định. Nếu thời điểm tháng 6-2016, chỉ có 37,2% người dân nông thôn có nước sạch thì đến nay, đã có 274/413 xã, tương đương khoảng 85%, người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch nhờ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của thành phố.
Đánh giá về việc phát triển hệ thống cấp nước của Hà Nội, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng, 10 năm qua, lĩnh vực cấp nước của Thủ đô đã có bước tiến vượt bậc. Chất lượng nước được nâng cao, phạm vi phục vụ nước được mở rộng, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Thành phố cũng đã đi rất đúng hướng trong việc phát triển hệ thống nước mặt, giảm dần khai thác nước ngầm. Đây cũng là chủ trương của Chính phủ tiến tới giảm dần khai thác nước ngầm để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên nước.
Tuy vậy, đến nay, tại nhiều khu vực nông thôn (149 xã của các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai), người dân vẫn chưa được tiếp cận nguồn nước sạch của thành phố. Trong đó, có 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất và 121 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm dự án cấp nước.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 2 dự án nguồn: Nhà máy nước mặt sông Hồng (công suất 300.000m3/ngày-đêm) và Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 (công suất 300.000m3/ngày-đêm) đang bị chậm tiến độ, kéo theo các dự án mạng chậm tiến độ hoặc nhà đầu tư chưa thực hiện. Trong khi đó, giá bán nước sạch thấp nên việc triển khai các dự án không hiệu quả khiến các nhà đầu tư “nản lòng”, không hào hứng triển khai các dự án cấp nước.
(Còn nữa)