Điều chỉnh giờ làm: 'Nhà thơ phải uống rượu mới thành thơ'
Cán bộ công chức trừ khi phải giải quyết việc hành chính trực tiếp với dân, phải có mặt ở cơ quan, còn cán bộ nghiên cứu không nên bắt buộc có mặt đủ 8h.
Nói về đề xuất giờ làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa 1 tiếng của ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc điều chỉnh giờ làm tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên các vùng miền rất khác nhau.
Nghỉ trưa 1 tiếng là việc thay đổi không dễ
"Làm gì có chuyện tất cả các nơi đều làm việc từ 8h30, hay 8h, 7h được. Hiện quy định thời gian bắt đầu làm việc của các vùng, miền ở TƯ do Thủ tướng quyết định, còn tại địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quy định", ông Lợi thông tin.
Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội cho biết, căn cứ điều kiện từng vùng, Chính phủ giao cho địa phương. Họ có thể linh hoạt và có quyền điều chỉnh nếu thấy cần thiết.
"Cho tới giờ phút này, tôi cho rằng chưa có ai bàn tới chuyện giờ làm hiện tại ảnh hưởng thế này thế khác", ông Lợi nhấn mạnh.
Theo ông, với các nước, họ nghỉ trưa ngắn, và cho rằng đó là tiết kiệm nhưng với điều kiện Việt Nam hiện nay thì thay đổi điều này cũng không dễ.
"Luật chỉ quy định ngày làm 8 tiếng, một tuần người lao động làm 40 giờ hoặc 49 giờ, còn việc giờ làm cụ thể thế nào thì linh hoạt địa phương theo điều kiện từng nơi họ sẽ quy định. Không nên ép đưa vào luật", ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông cho rằng, học tập kinh nghiệm quốc tế không có nghĩa là vác nguyên xi của họ về áp dụng, mà cái gì hay thì mình học tập, và có chọn lọc. Tiếp thu này nên để các địa phương căn cứ vào điều kiện tự nhiên quyết định.
"Việc đổi giờ làm, theo tôi hoàn toàn do các địa phương hoặc Thủ tướng thấy với điều kiện Hà Nội thế này thì có thể đưa ra quy định điều chỉnh giờ làm của công chức từ 8h30, luật pháp cho phép quyền này", ĐB tỉnh Thanh Hóa phân chia sẻ.
Với ý kiến thay đổi giờ làm sẽ làm tăng năng suất lao động, ông Lợi cho rằng phải đánh giá tác động xem có đúng hay không. Địa phương nào muốn đổi giờ làm thì hoàn toàn có thể làm việc này, thấy hợp lý thì có thể áp dụng.
Không áp chung cho tất cả
Nói về việc trước đây Hà Nội từng đề xuất đổi giờ làm nhưng rồi không áp dụng, ông Lợi cho hay, vì đã bàn và thấy không hợp lý nên không áp dụng.
"Khi mẹ đi làm thì đèo con đi học, khi mẹ về thì lại qua trường đón con. Không như các nước, học sinh có thể đi học bằng hệ thống xe buýt giáo dục. Tất nhiên hiện ở Việt Nam có những gia đình như vậy nhưng không phải ai cũng có điều kiện", ĐB phân tích thêm.
Ông Lợi cho rằng, việc áp dụng thế nào thì do đặc điểm từng thành phố, địa phương để người đứng đầu tỉnh, thành quyết định làm sao cho phù hợp với điều kiện của địa phương, làm sao tạo ra năng suất lao động tốt nhất, điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động.
Yếu tố giờ làm có tác động đến năng suất lao động nhưng không phải yếu tố quyết định mà quyết định phải là công nghệ, chất lượng nhân lực, điều kiện làm việc.
Trong điều kiện làm việc có vấn đề sắp xếp thời gian hợp lý để phát huy năng lực con người. Có người ban ngày viết lách không chất lượng nhưng đêm lại làm việc chất lượng, tùy điều kiện từng ngành nghề.
"Theo tôi, cán bộ công chức nhà nước trừ những trường hợp phải giải quyết hành chính trực tiếp tại cơ quan, nếu không có mặt thì ảnh hưởng tới người dân, DN; còn cán bộ nghiên cứu không nên bắt buộc làm việc, có mặt tại cơ quan đủ 8h. Nhà thơ thì phải uống rượu mới thành thơ", ông Bùi Sỹ Lợi ví von.
Ông đúc kết, thời gian làm việc bắt đầu lúc nào tốt nhất dựa vào điều kiện kinh tế xã hội của địa bàn đó, còn áp chung tất cả thì không nên.