Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy thời gian sửa đổi luật này sớm hơn, thậm chí ngay trong năm 2024, bởi mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân từ lâu đã không còn phù hợp với giá cả thực tế.
Trong bối cảnh hiện nay, thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu lại càng lạc hậu hơn khi lương cơ sở tăng 30% khiến nhiều người sẽ phải chịu thuế thu nhập. Luật Thuế Thu nhập cá nhân ban hành vào năm 2007, áp dụng từ đầu năm 2009. Lần sửa luật gần nhất vào cuối năm 2012. Vào tháng 7/2020, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực nên Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh như đang áp dụng hiện naylà 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
4 năm qua, thuế thu nhập cá nhân ngày càng bộc lộ nhiều bất cập khi giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí sinh hoạt đã tăng khiến thu nhập thực tế của người lao động giảm, trong khi quy định mức tối thiểu phải đóng thuế không tăng, tiền được trừ của người phụ thuộc không tăng. Từ đó, có thể thấy việc điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng mà chưa điều chỉnh đồng thời quy định thuế thu nhập cá nhân là chưa có sự đồng bộ và làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương.
Sau khi lương cơ sở tăng 30%, rất nhiều người có thể trở thành đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân. Nếu không điều chỉnh những điều bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khiến việc tăng lương không có ý nghĩa với người làm công ăn lương trước biến động giá ngày càng lớn.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu đã đề nghị khi tăng lương cơ sở cần nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân hiện nay. Thậm chí, có đại biểu đề xuất mức giảm trừ gia cảnh phải tăng trên 30% mới phù hợp với chi phí ngày càng đắt đỏ và mức sống tăng lên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng lương cơ sở là yếu tố tác động đến việc điều chỉnhgiảm trừ gia cảnh, bởi nguyên tắc tiền lương được tính trên giá cả sức lao động và được hình thành trên cơ sở giá trị của sức lao động thông qua thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người có sức lao động. Khi tiền lương tăng lên thì đã bao hàm mức sống của người dân được tăng lên, đòi hỏi mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân cũng phải tăng lên.
Mặc dù vậy, Bộ Tài chính cho biết, chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, bởi biến động CPI chưa đến 20%. Phản biện lại qui định này, nhiều chuyên gia và cử tri cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các quy định hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là phải dựa trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng là bất hợp lý, vì chỉ có khoảng trên 20 mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân.
Nhiều cử tri phản ánh, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa Luật Thuế thu nhập cá nhân(sửa đổi) mới được thông qua sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh “thắt lưng, buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Do vậy, cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tình hình thực tế. Đây là động lực tinh thần quan trọng có tác động thúc đẩy người lao động hăng say lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thiết nghĩ, sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ðây cũng là cách khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu, góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích của người nộp thuế với lợi ích của quốc gia. Rất nhiều người lao động đang trông đợi luật được sửa đổi sớm hơn lộ trình dự kiến hiện nay.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dieu-chinh-muc-giam-tru-gia-canh-post478704.html