Điều chỉnh nghề trọng điểm sát với nhu cầu của thị trường
Đầu tư, phát triển các ngành, nghề trọng điểm để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường lao động trong và ngoài nước, đó là xu thế tất yếu mà các cơ sở đào tạo nghề cần nắm bắt. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, mở rộng cơ hội tìm việc làm với thu nhập cao cho lao động.
Trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 7 trường công lập (5 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp), được lựa chọn đào tạo 29 ngành, nghề trọng điểm (tính theo đơn vị trường và cấp độ), với 08 nghề cấp độ quốc tế, 7 nghề cấp độ khu vực Asean, 14 nghề cấp độ quốc gia.
Cụ thể, các trường trực thuộc Bộ, ngành là: Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình; Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô; Cao đẳng nghề số 13; Cao đẳng nghề Lilama 1 và Trung cấp Kỹ thuật-Du lịch công đoàn Ninh Bình... thực hiện 25 nghề trọng điểm.
Trong đó, có 8 nghề cấp độ quốc tế, bao gồm công nghệ ô tô; cắt gọt kim loại; điện công nghiệp; hàn; chế tạo thiết bị cơ khí...; 6 nghề cấp độ khu vực ASEAN, gồm: vận hành máy thi công nền; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; công nghệ ô tô; hàn; kỹ thuật xây dựng; kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ...
Có 2 trường trực thuộc tỉnh là Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Du lịch tỉnh Ninh Bình và trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình, thực hiện đào tạo với 4 nghề trọng điểm, trong đó có 1 nghề cấp độ khu vực Asean là dược và 3 nghề cấp độ quốc gia là vận hành máy nông nghiệp, may thời trang và hướng dẫn du lịch.
Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đồng bộ, hiện đại cho các đơn vị là cơ hội để các trường đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Tập trung đào tạo lao động chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao.
Hoạt động hỗ trợ đầu tư trang thiết bị ngành nghề trọng điểm cho các trường cao đẳng, trung cấp của tỉnh cơ bản đáp ứng được công tác đào tạo tại các đơn vị. Trên 80% thiết bị được đầu tư tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh theo danh mục thiết bị đào tạo, đảm bảo tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu số giờ thực hành, thực tập theo quy định. Nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao đã được hình thành.
Đồng thời, giảng viên, giáo viên tại các đơn vị được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm GDNN, đào tạo theo tín chỉ, biên soạn giáo án và tổ chức giảng dạy tích hợp, tổ chức đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện, kỹ năng mềm… Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp có chuyển biến tích cực, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030, tỉnh Ninh Bình sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở GDNN, trong đó tập trung phát triển Trường trung cấp công lập của tỉnh (Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Du lịch tỉnh Ninh Bình và trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình) từ nguồn kinh phí của Trung ương và nguồn hỗ trợ của địa phương. Nguồn lực đầu tư sẽ tập trung hỗ trợ phát triển và đào tạo các ngành, nghề trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, thông qua chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm ở giai đoạn 2021-2020, chất lượng đào tạo, tay nghề của học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Năm nào tỉnh ta cũng có thí sinh đạt giải trong kỳ thi tay nghề quốc gia, thậm chí, có những thí sinh đạt giải trong kỳ thi tay nghề cấp độ khu vực ASEAN và thế giới. Sinh viên ra trường tiệm cận gần nhất đến yêu cầu của thị trường lao động, do đó, dễ dàng tìm được việc làm với mức thu nhập tốt.
Phát huy những kết quả đã đạt được, ngành Lao động đã tham mưu, đề xuất bổ sung các ngành, nghề trọng điểm cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Theo đó, đối với trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình, thì sẽgiữ nguyên nghề Dược, đây là nghề đang được đầu tư cấp độ Khu vực ASEAN theo Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đề nghị bổ sung thêm nghề Điều dưỡng là nghề được Bộ Lao động thương binh và Xã hội ưu tiên đầu tư theo nhóm ngành thứ hai theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN và phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương.
Đối với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Du lịch tỉnh Ninh Bình, đề nghị không đưa vào danh mục ngành, nghề trọng điểm đối với nghề Vận hành máy nông nghiệp và nghề May thời trang, vì thực tế trong thời gian qua, số lượng học sinh được trường tổ chức tuyển sinh, đào tạo ở 2 nghề này thấp và không nằm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Đề nghị giữ nguyên nghề Hướng dẫn du lịch và bổ sung thêm 2 nghề là Quản trị khách sạn và Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Bởi đây là các nghề được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ưu tiên đầu tư theo nhóm ngành thứ hai theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.