Điều chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế
Mới đây, nhiều tài xế Grab đã phản ứng việc bất ngờ bị thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 60.000 đồng/ngày thông qua ví tài khoản, bất kể tài xế có chạy xe hay không. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Luật Thuế TNCN sửa đổi cần điều chỉnh và không cào bằng thu nhập chịu thuế nhằm tạo sự công bằng.
Hãng taxi công nghệ Grab mới đây đã áp dụng chính sách thu thuế TNCN 60.000 đồng/ngày thông qua ví tài khoản, bất kể tài xế có chạy xe hay không, khiến nhiều tài xế phản ứng tiêu cực. Theo thông báo phát đi từ Grab, tỷ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên doanh thu từ cước phí vận tải được chia sẻ là 3%, thuế TNCN là 1,5%. Đối với các khoản tiền thưởng theo doanh thu, cá nhân nộp thuế TNCN theo tỷ lệ 1% trên tiền thưởng.
Trường hợp Grab là một ví dụ điển hình cho thấy, sau 6 năm triển khai, Luật Thuế TNCN đang bộc lộ những hạn chế, lỗi thời, đòi hỏi các nhà làm luật phải xem xét nghiêm túc việc điều chỉnh, sửa đổi luật phù hợp với thực tiễn.
Thực tế, thuế suất thuế TNCN hiện tại được tính theo lũy tiến, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35% trên thu nhập, khá cao. Thuế thu nhập doanh nghiệp trước đây là 32% trên thu nhập chịu thuế, sau các lần điều chỉnh, đã giảm xuống lần lượt còn 28%, 25% và hiện nay là 20%. Trong khi đó, thuế TNCN cao nhất vẫn là 35%. Khoảng cách điều tiết của biểu thuế cũng rất dày, chỉ cần thu nhập nhích một chút là lên bậc thuế cao hơn. Hiện ở Singapore, thuế suất khởi điểm của thuế TNCN là 2%, tối đa 22%; Malaysia tối thiểu 1%, tối đa 28%; Campuchia tối thiểu 5%, tối đa 20%... Rõ ràng thuế suất tối thiểu và tối đa của thuế TNCN ở nước ta tương đối cao.
Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng thuế TNCN (Cục Thuế TP HCM) cho hay, trước đây, khi xây dựng Luật Thuế TNCN, các cơ quan soạn thảo cũng tính đến phương án cho phép khấu trừ đối với một số khoản chi có hóa đơn. Tuy nhiên, thời điểm đó, thói quen mua hàng lấy hóa đơn chưa phổ biến, nếu áp dụng sẽ bị cho là làm khó. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, khấu trừ như vậy sẽ “thoáng” quá, không thu đủ thuế. Nhưng thời gian đã chứng minh nguồn thuế TNCN rất ổn định. Thậm chí, dù mức giảm trừ gia cảnh tăng từ năm 2013 nhưng không ảnh hưởng nhiều đến số thu thuế TNCN các năm sau. Vì vậy, cách tính thuế TNCN tới đây nên mở ra, thoáng hơn, cần điều chỉnh như thuế thu nhập doanh nghiệp, tránh sự khập khiễng giữa các sắc thuế.
Trong bối cảnh hiện nay của nước ta, cải cách thuế TNCN cần lưu ý đến nhu cầu dân sinh. Từ nửa cuối năm 2007 đến nay, nền kinh tế nước ta liên tục phải đối phó với tình trạng lạm phát cao và những bất ổn vĩ mô. Giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước liên tục tăng, ngay cả khi lạm phát đỡ căng thẳng thì giá cả cũng đã lên một mặt bằng mới, khiến thu nhập thực tế của người dân bị giảm mạnh.
Luật thuế TNCN hiện nay tương đối lạc hậu với sự phát triển của nền kinh tế, có khá ít các khoản giảm trừ. Điều này làm nảy sinh sự bất bình đẳng khi có thu nhập chịu thuế được giảm trừ gia cảnh, có thu nhập chịu thuế không được giảm trừ gia cảnh. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát thuế TNCN, trước mắt cần điều tiết giảm trừ gia cảnh, tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Lương Ngọc Tú, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Sao Việt, cho rằng: “Việc không điều chỉnh kịp thời mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc là một điều không công bằng cho người đóng thuế TNCN. CPI tăng, lương tối thiểu tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên, dẫn đến tiền lương danh nghĩa của các đối tượng chịu thuế mặc dù tăng nhưng thực tế bị giảm sút nghiêm trọng”.
Người lao động càng ngày càng khó khăn, eo hẹp trong chi tiêu mà thu nhập không tăng tương xứng. Luật Thuế TNCN hiện nay đang làm khó người lao động. Chúng ta không xem xét lại thuế TNCN, không tăng mức giảm trừ gia cảnh, nghĩa là chúng ta đã gây khó khăn cho người dân và suy cho cùng là doanh nghiệp. Nếu người dân giảm chi tiêu thì doanh nghiệp buộc phải giảm sản xuất - anh Tú nhấn mạnh.
Tại Hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 ngày 27-8-2019, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý TNCN, Bộ Tài chính xác nhận: Luật Thuế TNCN hiện hành (hiệu lực từ 1-7-2013) quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động ở mức cao hơn 20% thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, sau 6 năm thực thi, đến nay nhiều quy định của Luật Thuế TNCN không còn phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung. Theo tính toán, từ ngày 1-7-2013 đến hết tháng 7-2019, CPI đã vượt 20%, đây là điều kiện để trình mức điều chỉnh với Quốc hội. Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa trình phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo biến động giá.
Về vấn đề giảm trừ gia cảnh, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam nên theo nguyên lý thuế TNCN của nhiều nước đang làm rất hiệu quả. Tức là việc tính thuế phải theo mức thu nhập của hộ gia đình. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh của hai người phụ thuộc được tính bằng mức giảm trừ của một người có thu nhập tính thuế. Đó là cách tính bảo đảm công bằng cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, đầu tiên Chính phủ phải kiểm soát lạm phát, sau đó mới xem xét có điều chỉnh hay không. Bởi việc điều chỉnh này liên quan tới tổng thể chính sách thuế. Bên cạnh giảm trừ gia cảnh cũng cần xem xét, khấu trừ các chi phí hợp lệ khác của người dân như khám chữa bệnh, giáo dục, làm từ thiện, mua bán nhà đất... có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Nếu không giảm trừ các khoản chi phí hợp lệ thì mới cần thiết xem xét mức giảm trừ gia cảnh.
Qua thực tế biến động của giá cả thị trường, thu nhập của người dân cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc xem xét lại cách tính thuế và mức giảm trừ gia cảnh để vừa giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế, nhất là đối với những người nộp thuế ở các bậc thấp, vừa bảo đảm khả năng điều chỉnh thuế linh hoạt hơn theo thực tiễn của nền kinh tế và thu nhập của người dân. Nếu Luật thuế TNCN sửa đổi vẫn theo những con số tuyệt đối cứng nhắc sẽ không thể đáp ứng đòi hỏi này. Vì thế, nên tính toán giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay để thúc đẩy chi tiêu, sản xuất, góp phần phục hồi kinh tế dù ngân sách nhà nước có thiệt một ít.
Tính từ khi Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 đến nay, CPI đã tăng hơn 25,17% và cần phải điều chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 1 Luật Thuế TNCN (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Thế nhưng đến nay, ngưỡng thu nhập chịu thuế vẫn giữ nguyên.
Bên cạnh đó, ngưỡng chịu thuế cũng đã lỗi thời so với lương tối thiểu. Cụ thể, Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, quy định: Lương tối thiểu vùng I tăng lên 4,18 triệu đồng/tháng; vùng II là 3,71 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,25 triệu đồng/tháng và vùng IV là 2,92 triệu đồng/tháng. Lấy mốc năm 2013, năm Luật Thuế TNCN có hiệu lực, thì mức lương tối thiểu hiện nay đã tăng 76-80%.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dieu-chinh-nguong-thu-nhap-chiu-thue-547797.html