Điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc TPHCM
Ngày 7/5, thông tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) TPHCM cho biết, đã đề xuất UBND TP giao Sở tổ chức lập điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc TPHCM (được ban hành theo Quyết định số 56 ngày 28/12/2021 của UBND TPHCM).
Trước đó, Sở QHKT đã có Công văn số 2941 ngày 13/7/2023 gửi các sở ngành liên quan, các quận huyện, TP Thủ Đức, các ban quản lý các khu chức năng đô thị thành phố để tổng hợp khó khăn vướng mắc, đề xuất góp ý điều chỉnh.
Cho đến nay, Sở QHKT đã nhận 18 văn bản góp ý của các đơn vị, với hơn 117 nội dung đề nghị bổ sung, làm rõ, điều chỉnh về mật độ xây dựng, tầng cao, chiều cao, khoảng lùi, các bộ phận kiến trúc công trình như ban công, mái che thang, ô văng, mái đón, tầng hầm, tầng lửng và đề nghị xác định lại các khu vực có ý nghĩa quan trọng, xác định các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các khu vực dân cư xây dựng mới, xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc các công trình có chức năng hỗn hợp.
Qua đánh giá sơ bộ, quy chế quản lý kiến trúc được ban hành theo Quyết định số 56/2021 của UBND TP cơ bản đã góp phần quản lý, định hướng kiến trúc đô thị thành phố cũng như bảo tồn giá trị kiến trúc truyền thống. Quy chế quản lý kiến trúc thành phố được ban hành là cơ sở giải quyết cấp giấy phép xây dựng công trình trên địa bàn (tại các khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) trên cơ sở các quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng chuyên ngành. Tuy nhiên, quy chế quản lý kiến trúc thành phố còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần phải xem xét điều chỉnh bổ sung và cập nhật những nội dung mới cho phù hợp thực tiễn, đồng bộ nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM trong thời gian tới.
Cụ thể, một số nhóm vấn đề cần được nghiên cứu trong quá trình điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc như những nội dung kiến nghị trên đã được quy định trong quy chế quản lý kiến trúc TPHCM theo Quyết định số 56/2021 của UBND TP nhưng chưa cụ thể hoặc chưa rõ, Sở QHKT sẽ trực tiếp hướng dẫn thực hiện trên cơ sở các đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, các tiêu chuẩn xây dựng chuyên ngành.
Cùng đó sẽ nghiên cứu bổ sung vào quy chế kiến trúc thành phố để đảm bảo đồng bộ với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, như xác định các khu vực có ý nghĩa quan trọng về kiến trúc cảnh quan, khu vực yêu cầu quản lý kiến trúc đặc trưng, TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) dọc toàn tuyến xa lộ Hà Nội; kiến trúc cảnh quan dọc sông Sài Gòn, dọc rạch Xuyên Tâm; kiến trúc công trình ứng phó với biến đổi khí hậu...
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dieu-chinh-quy-che-quan-ly-kien-truc-tphcm-10279267.html