Điều chỉnh quy định kê khai giá thuốc, đáp ứng nhu cầu của người dân
Cục Quản lý Dược cho biết, tại Luật Dược sửa đổi, bổ sung Luật dược 2016, đã bổ sung quy định tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc đưa thuốc mới, vắc xin về phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu cấp bách của nhân dân.
Trong tờ trình gửi Cục Quản lý Dược, một số doanh nghiệp trong ngành đã đề xuất bỏ "kê khai lại" trong mục 107.3 và chuyển sang hậu kiểm. Thực hiện nguyên tắc hậu kiểm nhằm đảm bảo quy trình tiếp nhận hồ sơ và công bố giá kê khai trên trang web của Bộ Y tế được nhanh chóng, không ảnh hưởng đến kể hoạch và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, để phục vụ cho khâu hậu kiểm được minh bạch và hiệu quả, các nguyên tắc rà soát cần được nêu cụ thể hơn trong luật, tạo điều kiện thuận lơi hơn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng đề nghị quy định rõ các hồ sơ cần nộp khi kê khai giá, thời gian phê duyệt hoặc phản hồi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong bối cảnh diễn biển phức tạp của toàn cầu sau dịch bệnh COVID-19 gây tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu, ... doanh nghiệp mong nhận được sự xem xét về việc kê khai lại giá thuốc trong các trường hợp không thể duy trì được giá cũ, nhằm bảo đảm việc sản xuất và cung ứng thuốc được thực hiện liên tục, không bị gián đoạn phục vụ công tác điều trị. Theo doanh nghiệp, điều này sẽ giúp đảm bảo được nguyên tắc tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của doanh nghiệp như đã nêu ở trên.
Đối với các thuốc đã đã có số đăng ký và đã kê khai giá, khi thay đổi nhà nhập khẩu và giá thuốc không thay đối, doanh nghiệp đề nghị không yêu cầu thực hiện thủ tục kê khai giá mà chỉ cần thông báo. Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu nhà cung ứng có thỏa thuận bảo mật giá, đề xuất Bộ Y tế miễn công bố giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tể.
Đối với kiến nghị trên của doanh nghiệp, Cục Quản lý Dược cho biết: Cục Quản lý Dược đã tổng hợp ý kiến của vào Bảng tổng hợp nội dung sửa đổi, bổ sung Chương Quản lý giá thuốc tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược 2016 để xin ý kiến rộng rãi các đơn vị liên quan.
Theo đó, nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 5 Điều 107 và khoản 5 Điều 109 Luật Dược theo hướng: Giao Chính phủ quy định, điều chỉnh danh mục nhóm thuốc phải thực hiện kê khai giá thuốc và ban hành các nguyên tắc, tiêu chí kỹ thuật lựa chọn các nhóm thuốc, danh mục thuốc phải kê khai; giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kê khai giá đối với thuốc, vắc xin được sử dụng miễn phí cho nhân dân nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa theo thỏa thuận của cơ sở sản xuất, nhà cung cấp.
Đối với việc bảo mật giá thuốc, Cục Quản lý Dược cho rằng: Tại Luật Dược sửa đổi, bổ sung Luật dược 2016, đã bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kê khai giá đối với thuốc, vắc xin được sử dụng miễn phí cho nhân dân nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa theo thỏa thuận của cơ sở sản xuất, nhà cung cấp. Qua đó tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc đưa thuốc mới, vắc xin về phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa...
Theo các quy định hiện hành tại Luật Dược 2016, Luật Đầu thầu 2023 chưa có quy định về việc bảo mật thông tin về giá thuốc trúng thầu mà chỉ có quy định vê việc bảo mật các thông tin, tài liệu của nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, đàm phán mua thuốc. Và triển khai quy định tại Điều 109 Luật Dược 2016, Tổng cục hải quan, Bộ Tài chính thường xuyên cập nhật và chia sẻ cho Cục Quản lý Dược thông tin giá CIF.