Điều chỉnh quy định tách thửa: Cơ hội bứt phá cho bất động sản Lâm Đồng
Sở TN&MT Lâm Đồng vừa đề xuất một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh quy định giải quyết hồ sơ tách thửa đất. Theo giới chuyên gia, đây sẽ là một giải pháp giúp cho thị trường bất động sản Lâm Đồng phát triển ổn định và lành mạnh hơn thời gian tới.
Sở TN&MT đề xuất hủy bỏ một số văn bản
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lâm Đồng vừa báo cáo về việc rà soát, đề xuất một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh quy định giải quyết hồ sơ tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh.
Vào cuối tháng 4/2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị UBND Lâm Đồng tự kiểm tra, xử lý các công văn và quyết định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu tách thửa đất mà tỉnh đã ban hành từ năm 2021 đến nay.
Tháng 11/2021, UBND Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 40 về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu tách thửa đất đối với từng thửa đất trên địa bàn.
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 40, tháng 7/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có Công văn số 4911 đề nghị các sở ngành và địa phương xem xét, tiếp nhận giải quyết hồ sơ tách, hợp thửa đất với một số trường hợp. Theo công văn này, đa phần cá nhân không thể tách thửa đất nông nghiệp. Nếu muốn tách thửa phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình phê duyệt.
Trường hợp ngoại lệ là tách thửa đất để thừa kế hoặc tặng cho (giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi với con nuôi; ông nội/ngoại, bà nội/ngoại với cháu nội/ngoại; anh, chị em ruột với nhau theo quy định), mỗi người được nhận 1 thửa đất sau khi tách thửa. Đây được xem là quy định trái luật.
Tháng 3/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có công văn điều chỉnh cho phép tách thửa đất nông nghiệp mà thửa đất tách thửa tiếp giáp đường giao thông hiện hữu, nhưng không được hình thành khu dân cư và không kinh doanh bất động sản.
Sở TN&MT cho rằng, trên địa bàn tỉnh mới chỉ phủ kín quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, còn quy hoạch chi tiết xây dựng mới thực hiện được với diện tích không đáng kể. Trong khi quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh còn nhiều chồng chéo, chưa đồng nhất; trường hợp tách thửa đất ở để xây dựng nhà ở nếu không phù hợp quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng sẽ không thực hiện được việc cấp phép xây dựng, xây dựng nhà ở (hoặc thực hiện các thủ tục để được xây dựng nhà ở).
Qua rà soát các văn bản, căn cứ quy định của Luật Đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan; trên cơ sở thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 3916/UBND-ĐC1 ngày 4/5/2023 của UBND tỉnh và đề nghị của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp tại Văn bản số 353/K-TrVB-NC ngày 28/4/2023; ý kiến thống nhất của các sở ngành, Sở TN&MT kính đề nghị UBND tỉnh xem xét thống nhất, ban hành văn bản chỉ đạo sau: Hủy bỏ Văn bản số 4911/UBND-ĐC ngày 5/7/2022, số 1952/UBND-ĐC1 ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh.
Tách thửa đất, hợp thửa đất cần đồng bộ quy hoạch
Sở TN&MT cũng đề xuất một số nội dung chính dự kiến điều chỉnh Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng về quy định mới về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch chi tiết của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì căn cứ vào các quy hoạch chi tiết để thực hiện tách, hợp thửa đất. Còn các khu vực chưa có thì xem xét cho tách, hợp thửa đất căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
Bỏ nội dung về điều kiện hình thành đường giao thông mới, lập quy hoạch chi tiết và đường giao thông hiện hữu chưa được thể hiện trên bản đồ địa chính và Giấy chứng nhận đã cấp tại điểm b và c, khoản 2, Điều 3, Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 1/11/2021.
Bổ sung quy định: Các trường hợp không được tách thửa đất; tách thửa đất đồng thời với thực hiện việc chuyển quyền; tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất có nhiều loại đất; tách thửa đối với trường hợp mục đích sử dụng đất khác với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt; thẩm quyền thực hiện việc tách thửa theo quy định tại Nghị định 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ.
Dự kiến, việc điều chỉnh (hoặc thay thế) Quyết định 40 theo quy trình rút gọn, hoàn thành trong quý II năm nay. Trong thời gian sửa đổi quy định này, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn thực hiện theo quy định tại Quyết định 40.
Cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư
Theo giới chuyên gia, việc Sở TN&MT đề xuất một số nội dung về quy định mới về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh sẽ là cơ sở hấp dẫn giới đầu tư đổ về.
Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đặc biệt chú trọng và tập trung nguồn lực cho đầu tư giao thông với mục tiêu khơi thông các tuyến giao thông huyết mạch cũng là điều kiện thuận lợi để thị trường đất nền Lâm Đồng sôi động. Đặc biệt là Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương hiện đang được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đang nỗ lực với quyết tâm cao để khởi công xây dựng Dự án theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra. Dự án hứa hẹn sẽ góp phần để Lâm Đồng bứt phá phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tỉnh nhà.
Tiếp đến là những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu trong lành với không gian sống xanh, cùng với đó là sự phát triển sôi động của lĩnh vực dịch vụ du lịch. Đây chính là xu hướng đầu tư mới của giới đầu tư bất động sản.
Đặc biệt, thị trường nhà đất tại Lâm Đồng hiện có quá ít các dự án mới được cấp phép và đủ điều kiện giao dịch. Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu đầu tư tăng mạnh dẫn đến việc cho nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn.
Theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ triển khai 58 dự án nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị.
Trong đó, tại thành phố Đà Lạt có 5 dự án với diện tích 602ha; thành phố Bảo Lộc có 15 dự án, với diện tích 381ha; huyện Lạc Dương có 4 dự án, với diện tích 99ha; huyện Di Linh có 1 dự án với diện tích 8ha; huyện Lâm Hà có 10 dự án với diện tích 134ha; huyện Đạ Tẻh có 4 dự án, với diện tích 71ha; huyện Đam Rông có 7 dự án, với diện tích 95ha; huyện Đức Trọng có 7 dự án, với diện tích 593ha; huyện Đạ Huoai có 2 dự án, với diện tích 40ha; huyện Đơn Dương có 1 dự án với diện tích 72ha; huyện Cát Tiên có 2 dự án, với diện tích 16ha.
Ngoài các dự án nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ căn cứ theo tình hình thực tế để đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị tại các vị trí đã được phê duyệt quy hoạch.
Theo Quyết định số 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Lạt, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương thuộc danh mục các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, ưu tiên triển khai thực hiện...
Như vậy Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sau khi đi vào hoạt động chính thức sẽ có quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với vận tốc thiết kế 100km/h. Đây là tuyến cao tốc nằm trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030. Dự án có chiều dài 200,3km, với tổng kinh phí đầu tư 65 nghìn tỷ đồng. Trong đó 2 giai đoạn đầu của dự án là:
+ Giai đoạn 1: Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài 60km đi qua các huyện Thống Nhất, Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán (tỉnh Đồng Nai). Đây cũng là tuyến đường thiết yếu nối “tam giác du lịch” TP. HCM – Vũng Tàu – Nha Trang.
+ Giai đoạn 2: Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc với chiều dài 66km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Lâm Đồng đầu tư theo hình thức PPP có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.