Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 67.788 ha, bao gồm: Thành phố Quy Nhơn hiện hữu diện tích khoảng 28.428 ha; huyện Tuy Phước có diện tích khoảng 21.677 ha; 2 xã Canh Vinh và Canh Hiển (huyện Vân Canh) có diện tích khoảng 13.634 ha; xã Cát Tiến, Cát Chánh và một phần xã Cát Hải (huyện Phù Cát) có diện tích khoảng 4.049 ha.
Dân số dự báo đến năm 2025 khoảng 630.000-650.000 người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 68-70%. Đến năm 2035, dân số dự báo khoảng 740.000-770.000 người với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 72-74%.
Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch yêu cầu cần đánh giá điều kiện tự nhiên về địa hình, cảnh quan, tài nguyên; rà soát, đánh giá công tác triển khai thực hiện theo các Quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn, Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội, các quy hoạch ngành đã được phê duyệt và các dự án đầu tư xây dựng. Xác định nguyên nhân phát sinh các yếu tố mới và việc mở rộng phạm vi nghiên cứu để kết nối thành phố Quy Nhơn với vùng phụ cận.
Về định hướng phát triển không gian đô thị, quy hoạch sử dụng đất thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận, cần xác định các mối liên kết tương hỗ về không gian giữa thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận với hệ thống đô thị tỉnh Bình Định và các đô thị lớn trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là mối quan hệ không gian giữa thành phố Quy Nhơn hiện hữu với Khu kinh tế Nhơn Hội và khu vực phụ cận thuộc huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh.
Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan, các khu vực trung tâm, khu vực cửa ngõ của đô thị, trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh-mặt nước, điểm nhấn trong đô thị và đề xuất nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho các khu đô thị hiện hữu và mở rộng.
Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội cần đề xuất quy mô và các giải pháp phân bố hạ tầng kinh tế-xã hội cấp vùng, cấp thành phố đảm bảo phát triển bền vững, gồm: Mạng lưới khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực làng nghề, dịch vụ hậu cần cảng; trung tâm, dịch vụ, thương mại; hệ thống khu, cụm, điểm du lịch; các khu trung tâm hành chính tập trung; mạng lưới trung tâm y tế, giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể dục thể thao; nhà ở và phân bố dân cư; không gian xanh và các trung tâm chuyên ngành khác.
Quyết định nêu rõ, mục tiêu quy hoạch nhằm đưa thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia; có nền kinh tế phát triển theo định hướng dịch vụ-cảng biển-công nghiệp-du lịch, trọng tâm là dịch vụ-cảng biển. Và đến năm 2050 có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển lớn của khu vực Trung Bộ…