Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đảm bảo sự phát triển toàn diện

Sáng 28/3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì đã diễn ra tại Hà Nội, kết nối trực tuyến đến các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cùng các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cùng các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng

Tại điểm cầu Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái chủ trì Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo các sở như: Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính, Xây dựng; lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh (tại đầu cầu các huyện thành).

Việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/3/2025. Mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch nhằm phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng, bảo đảm quốc phòng - an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với bộ, ngành chức năng hoàn thiện dự thảo báo cáo; tờ trình về việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Lâm Đồng, Quy hoạch vùng Tây Nguyên và Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các quy hoạch liên quan trong đó nhấn mạnh đến việc phát huy tiềm năng, lợi thế tự nhiên và vai trò vị trí của Lâm Đồng trong vùng Tây Nguyên để phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm.

Về một số chỉ tiêu sử dụng đất cụ thể của Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng cho biết, thực hiện quy định của Luật Đất đai năm 2024 và phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; ngành chức năng tỉnh đã đề xuất giữ nguyên 5/6 chỉ tiêu quốc gia đã phân bổ đến năm 2030 cho tỉnh (gồm đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng và đất an ninh). Riêng đối với chỉ tiêu đất trồng lúa, diện tích đề xuất đến năm 2030 là 19.740 ha, giảm 150 ha so với chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia đã phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; nguyên nhân chính là do các công trình, dự án đầu tư công phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội có diện tích đất trồng lúa cần thu hồi tương đối lớn (như các công trình hồ Ka Zam, hồ Ta Hoét, hồ Đông Thanh, dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương).

Lâm Đồng đã đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030, trong đó diện tích đất nông nghiệp đến năm 2030 là 829.748 ha; giảm 77.406 ha so với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ; diện tích đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 147.885 ha, tăng 77.406 ha so với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ.

Nguyên do của việc điều chỉnh này, căn cứ Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong giai đoạn 2021 - 2030 Lâm Đồng có nhu cầu sử dụng đất khoảng 73.186 ha; cụ thể có 70.192 ha để sử dụng cho các hoạt động khoáng sản (trong đó: bauxit 65.014 ha, thiếc 4.819 ha, vonfram 140 ha, vàng 9 ha, bentonit 59 ha và diatomit 150 ha) và 2.994 ha để thực hiện dự án chế biến alumin, điện phân nhôm (tại cụm Lâm Đồng 2 với 2.606 ha và tại cụm Lâm Đồng 3 với 388 ha)

Cùng đó, chỉ tiêu đất thương mại, dịch vụ đến năm 2030 của tỉnh là 1.860 ha; tăng 873 ha so với chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia đã phân bổ (tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022) để thực hiện các dự án đầu tư; thực hiện các dự án đường bộ; xây dựng mới 3 khu công nghiệp mới với tổng diện tích tăng thêm là 1.188 ha; trong đó Khu công nghiệp Đạ Tẻh tại huyện Đạ Huoai (diện tích 500 ha), khu công nghiệp Tân Rai tại huyện Bảo Lâm (diện tích 500 ha) và Khu công nghiệp Lộc Châu - Đại Lào tại thành phố Bảo Lộc (diện tích 188 ha).

Do nhu cầu sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án trước đây đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc gia phân bổ nhưng hiện nay mới triển khai thực hiện một phần hoặc chưa triển khai thực hiện nên đề xuất phân bổ chỉ tiêu để tiếp tục thưc hiện trong giai đoạn 2026 – 2030.

Lâm Đồng tại Hội nghị cũng cơ bản thống nhất đối với nội dung dự thảo điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời kiến nghị thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của thống chính trị; trong đó có nội dung xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ có sự thay đổi về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh; phát triển ngành, lĩnh vực, do đó phương án điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phải xem xét, đánh giá thêm về định hướng của đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; từ đó phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đảm bảo phù hợp nhu cầu của từng địa phương cụ thể.

Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến phát biểu của các bộ ngành và tỉnh thành trong nước.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại thời điểm này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nên cần bảo đảm có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, nhất là cho thời gian đến 2026 - 2030; đảm bải sự phát triển toàn diện, đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng - an ninh; giải quyết tốt nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực; định hướng cho không gian phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tham vấn, tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu tại hội nghị, hoàn thiện báo cáo, tờ trình; đưa ra những giải pháp thiết thực đảm bảo sự điều chỉnh, phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ đất trên từng ngành, từng lĩnh vực, phù hợp với bối cảnh phát triển đất nước.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202503/dieu-chinh-quy-hoach-su-dung-dat-quoc-gia-dam-bao-su-phat-trien-toan-dien-c5e5788/