Vĩnh Phúc: Chú trọng công tác quy hoạch phát triển đô thị
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển đô thị và xác định công tác này cần đi trước một bước, tạo định hướng cho phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, nông thôn, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1883/QĐ-TTG, ngày 26/10/2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Cơ sở hạ tầng đô thị Vĩnh Yên được đầu tư, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Nhờ đó, đến hết năm 2024, Vĩnh Phúc đã phủ kín 100% quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện; phủ kín quy hoạch các phân khu; nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng nông thôn đạt trên 90%; nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt gần 49%. Dự kiến hết năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt 50%, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay được hình thành và phân bố tương đối đồng đều, với gần 40 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II, thành phố Phúc Yên là đô thị loại III, còn lại là đô thị loại V. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ.
Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc đã ưu tiên nguồn lực xây dựng các không gian công cộng của đô thị phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư như: Khu công viên quảng trường Hồ Chí Minh; Khu vườn hoa trước cổng UBND thành phố Vĩnh Yên; Khu công viên Đồi Cao; Công viên 29/12 (thành phố Vĩnh Yên); Khu công viên Văn Miếu tỉnh; Khu quảng trường thành phố Phúc Yên; Sân vận động thành phố Phúc Yên; Khu du lịch hồ Đại Lải; Khu công viên trung tâm thị trấn Tam Đảo; Quảng trường trung tâm huyện Yên Lạc…

Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vĩnh Yên) là nơi diễn ra nhiều hoạt động cộng đồng sôi nổi.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị như: Đồ án Quy hoạch chung đô thị loại IV huyện Vĩnh Tường; Quy hoạch chung đô thị loại IV huyện Bình Xuyên; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc; Quy hoạch chung đô thị Tam Đảo đến năm 2040; Quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo đến năm 2030; Quy hoạch chung thành phố Phúc Yên; lập Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2); lập Đề án phát triển bền vững đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình phát triển đô thị các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Sở Xây dựng đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, phát triển đô thị. Trong đó, ưu tiên lập nhiệm vụ, dự toán cụ thể quy hoạch phân khu Quy hoạch chung đô thị các huyện: Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Tam Đảo; Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 phát triển du lịch, dịch vụ khu vực xung quanh hồ Bò Lạc, huyện Sông Lô; điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh cục bộ 23 đồ án quy hoạch đô thị; tổ chức lập Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2); tổ chức lập Đề án phát triển bền vững đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị Lãng Công và đô thị Đức Bác, huyện Sông Lô; Chương trình phát triển đô thị Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc; Chương trình phát triển đô thị Sơn Đông, Bàn Giản, Hợp Lý, Văn Quán, Xuân Lôi, huyện Lập Thạch...
Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhờ làm tốt công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, đến nay toàn tỉnh có 53 xã duy trì đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; 15 xã duy trì đạt 18/19 tiêu chí; 10 xã duy trì đạt 17/19 tiêu chí; 16 xã duy trì đạt 16/19 tiêu chí; 8 xã duy trì đạt 15/19 tiêu chí xã nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025; 231 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 71% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; 34 thôn được công nhận thôn thông minh, tăng 209%; 37 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, đạt 88%; 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 54,5% so với kế hoạch của giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến hết quý II/2025, Vĩnh Phúc có 42 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 đề ra.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.
Hệ thống cơ cở hạ tầng được đầu tư, phát triển ở cả 3 loại hình là đường bộ, đường sắt, đường sông. Hệ thống điện được phát triển theo quy hoạch phát triển của ngành Điện lực. Tỷ lệ dân cư đô thị loại IV trở lên được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 95%. Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư. Các công trình tưới, tiêu của tỉnh đã được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ tưới tiêu. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển. Các công trình hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa. Một số công trình văn hóa, phúc lợi được tập trung đầu tư xây dựng trong thời gian ngắn, góp phần thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Để nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, địa phương trong công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị và bảo đảm định hướng theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở Xây dựng triển khai ngay nhiệm vụ đề xuất điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng bảo đảm phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Triển khai các đồ án quy hoạch chung đô thị mới loại IV Tam Dương, Yên Lạc và các đồ án quy hoạch chung đô thị mới loại V.
Đề xuất công tác lập quy hoạch chi tiết Đầm Vạc và khu vực lân cận theo quy định để bảo tồn và phát huy giá trị không gian cảnh quan mặt nước Đầm Vạc làm cơ sở để quản lý, triển khai dự án đầu tư xây dựng. Tiếp tục triển khai Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu trong Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc.