Điều chỉnh ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

UNESCO vừa phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới đáng kể của Di sản thiên nhiên thế giới: 'Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô' trong Danh sách Di sản Thế giới.

Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp (ngày 13/7) đã thông qua Quyết định phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới đáng kể của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) để bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào), với tên gọi: “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” trong Danh sách Di sản Thế giới.

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong vùng sinh thái bắc Trường Sơn, được xem là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới, trongđó có Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới.

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong vùng sinh thái bắc Trường Sơn, được xem là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới, trongđó có Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới.

Điều chỉnh ranh giới của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) mở rộng sang Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào)

Tại Kỳ họp, Đoàn Việt Nam với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, Phái Đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris - Pháp, cùng các đoàn của các tỉnh có Di sản thế giới tại Việt Nam, đã có các buổi làm việc với Trung tâm Di sản Thế giới và các Cơ quan Tư vấn của UNESCO để trao đổi về các vấn đề liên quan tới hồ sơ đề cử di sản thế giới của Việt Nam và công tác bảo tồn di sản thế giới.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt năm 2009.

Ngày 03/7/2003, tại Kỳ họp lần thứ 27 của Ủy ban Di sản Thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ nhất (tiêu chí viii).

Ngày 03/7/2015, tại Kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận lần thứ hai (tiêu chí ix và x), với diện tích vùng lõi là 123.326ha và vùng đệm là 220.055ha.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có chung ranh giới tự nhiên với Vườn quốc gia Hin Nam Nô của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Hồ sơ Vườn quốc gia Hin Nam Nô đề cử UNESCO công nhận là phần mở rộng của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Chính phủ Lào và Việt Nam thống nhất gửi tới UNESCO tháng 02/2024, để được Ủy ban Di sản Thế giới xét duyệt tại Kỳ họp lần này.

Qua quá trình thẩm định, Cơ quan tư vấn của UNESCO là Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã trình Quyết định lên Ủy ban Di sản Thế giới tại Kỳ họp lần thứ 47 để phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) mở rộng sang Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), với tên gọi: "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô" theo các tiêu chí về địa chất, địa mạo (tiêu chí viii), hệ sinh thái (tiêu chí ix) và đa dạng sinh học (tiêu chí x).

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô là một trong những cảnh quan karst đá vôi và hệ sinh thái nổi bật và nguyên vẹn nhất trên thế giới. Nằm tại điểm giao thoa của Dãy núi Annam và Vành đai Đá vôi Trung Đông Dương, bắc qua biên giới Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Sự hình thành karst đã phát triển từ thời kỳ Paleozoic khoảng 400 triệu năm trước và có thể được coi là khu vực karst quy mô lớn, lâu đời nhất ở châu Á. Sự đa dạng của các hệ sinh thái được tìm thấy trong cảnh quan phức tạp này bao gồm rừng karst khô ở độ cao lớn, rừng ẩm ướt và rậm rạp ở độ cao thấp, và các môi trường hang động ngầm rộng lớn. Trong số các cấu trúc ngầm này có hơn 220 km hang động và hệ thống sông ngầm được ghi nhận có ý nghĩa toàn cầu.

Sự đa dạng sinh học độc đáo với một số loài đặc hữu sinh sống trong các hệ sinh thái phổ tạp nhiệt đới cũng tạo nên các giá trị đặc biệt, có ý nghĩa toàn cầu.

Tiêu chí (viii): Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô thuộc vào những hệ thống karst nhiệt đới ẩm ướt nguyên vẹn lớn nhất trên toàn cầu.

Địa hình đặc biệt và sự đa dạng của cảnh quan karst được hình thành từ sự xen kẽ phức tạp của karst đá vôi với đá phiến, đá cát và đá granite. Trên bề mặt, cho đến thời điểm hiện nay, sự đa dạng của các đặc điểm karst đa giác đã được ghi nhận không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Dưới lòng đất, sự đa dạng phi thường của các hang động (bao gồm hang khô, hang bậc thang, hang cây và hang giao cắt) cung cấp bằng chứng về các quá trình địa chất trong quá khứ, từ những đường sông cổ, bỏ hoang hoặc thay đổi tuyến đường sông, đến sự lắng đọng và sau đó là sự hòa tan lại của các thạch nhũ khổng lồ.

Đặc biệt quan trọng là các hang động Sơn Đoòng và Xe Bang Fai chứa đựng đoạn hang động lớn nhất thế giới được ghi nhận về đường kính và tính liên tục, và đoạn hang sông hoạt động lớn nhất cũng như hồ chứa hang động đơn lẻ (nước được hình thành bởi trầm tích canxit) tương ứng.

Tiêu chí (ix): Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô là nơi bảo vệ các hệ sinh thái có ý nghĩa toàn cầu trong vùng sinh thái đất liền Rừng nhiệt đới Annam Bắc, các vùng sinh thái nước ngọt Annam Bắc và Annam Nam và các vùng sinh thái ưu tiên Rừng Ẩm ướt Dãy Annam.

Sự phức tạp và tính nguyên vẹn tương đối của cảnh quan đá vôi đã dẫn đến việc tạo ra nhiều hốc sinh thái, tạo cơ hội cho các quá trình tiến hóa sinh thái và các loài. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô là nơi sinh sống của các loài động, thực vật chuyên biệt cao và đặc hữu cả trên mặt đất (như một số loài lan và Thu hải đường) và dưới lòng đất (với một số loài động vật không xương sống và cá bị giới hạn trong các hệ thống hang động đơn lẻ).

Tiêu chí (x): Sự đa dạng sinh học phong phú về mặt đất, nước ngọt và dưới lòng đất có thể được tìm thấy ở khu vực này. Hơn 2.700 loài thực vật có mạch và 800 loài động vật có xương sống được ghi nhận ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trên 200 loài bị đe dọa toàn cầu tại thời điểm công nhận năm 2015 và 400 loài đặc hữu của miền Trung nước Lào và/hoặc Việt Nam.

Hơn 1.500 loài thực vật có mạch (từ 755 chi khác nhau) và 536 loài động vật có xương sống đã được ghi nhận ở Vườn quốc gia Hin Nam Nô, bao gồm nhiều loài bị đe dọa toàn cầu và đặc hữu, bao gồm loài Nhện Săn Khổng lồ, loài nhện lớn nhất theo sải chân trên toàn cầu và đặc hữu của tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Sự phong phú về loài tại khu di sản có khả năng vượt quá sự phong phú riêng của hai vườn quốc gia tương ứng do sự khác biệt về địa hình và hốc sinh thái. Đồng thời, khu di sản là nơi sinh sống của 10 - 11 loài linh trưởng, 04 loài trong số đó là đặc hữu của dãy núi Annam, cùng quần thể còn lại lớn nhất của Vượn má trắng miền Nam và Voọc đen đặc hữu.

Việc quản lý chung Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô đã được các địa phương của hai nước Việt Nam và Lào ký kết từ nhiều năm qua, trong đó đưa ra những hoạt động chung về việc thực thi pháp luật và phát triển kế hoạch hành động nhằm bảo vệ các giá trị của di sản.

Minh Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/dieu-chinh-ranh-gioi-di-san-thien-nhien-the-gioi-vuon-quoc-gia-phong-nha-ke-bang-179250714082035944.htm