Ngẫm ngợi về drone
Việc anh Trần Văn Nghĩa ở Chư Sê, Ja Lai dùng máy bay không người lái (drone) giải cứu hai em nhỏ khỏi dòng nước lũ đang làm nức lòng cộng đồng. Hôm ấy, nước lũ tràn về quá nhanh bao vây 3 em nhỏ.
Trần Văn Nghĩa không do dự điều khiển drone ra dòng lũ, phối hợp với anh Kpă Quốc đưa được hai em vào bờ. Em thứ ba là H'Vân được cứu bằng thuyền. Việc này với góc nhìn chuyên gia là không có tiền lệ và phi truyền thống. Về quy định thì drone dạng này không được phép chở hay cho người đu bám theo. Việc ra tay nghĩa hiệp cũng có may rủi, nếu thất bại thì sao đây. Tuy vậy, thời khắc cứu người không có chỗ cho đắn đo.
Drone thực ra đã ra đời từ lâu nhưng gần đây mới gây chú ý với chúng ta. Các dịp lễ tết không thể thiếu màn trình diễn trên trời bằng hàng ngàn chiếc drone tạo ra những bức tranh kỳ ảo về đất nước, về lãnh tụ, về quốc kỳ, về ngày thống nhất. Quay phim truyện, phim sự kiện công ty hay gia đình cũng luôn có những cảnh dùng drone quay với chuyển động camera của hàng không hoành tráng.
Drone được người Anh trình làng từ khá sớm, khoảng những năm 1916 - 1917, khi ấy mới là bình minh của ngành hàng không nên chủ yếu dùng cho quân sự. Thế chiến thứ nhất là cuộc chiến với chiến hào. Không quân khi ấy là những máy bay 2 tầng cánh, có thể gắn súng máy hoặc đơn giản là bay tới đường hào của đối phương rồi phi công tự rút chốt thả tạc đạn xuống. Đến thời những năm 1960, 1970 thì quân dân ta bắn rơi được rất nhiều máy bay không người lái chuyên do thám. Cụm từ “máy bay không người lái” quen thuộc với dân ta đến nỗi khi ăn phở mà không có thịt thì người ta gọi là phở không người lái. Những chiếc drone dùng cho thương mại được phát triển đại trà thì mới gần đây thôi, khoảng năm 2010.
Nếu ai theo dõi sự xuất hiện của xe tăng trong các cuộc xung đột vài năm nay thì sẽ thấy bộ giáp của xe tăng ngày càng kỳ dị. Những bộ giáp của xe tăng bằng thép, bằng vật liệu tổng hợp, giáp phản ứng nổ không đủ an toàn, người ta trang bị giáp lồng sắt che chắn khu tháp pháo, sườn xe để chống drone tấn công đột nóc, nơi giáp tăng mỏng nhất. Tuy xấu nhưng có cơ may sống sót. Xe nào cũng như cái chuồng gà di động. Xe tăng thời hoàng kim là một lô cốt kiên cố di động giá vài triệu USD thì nay có thể bị kết liễu bằng một hoặc vài drone giá vài trăm USD. Ban đầu chỉ có xe tăng Nga lắp “chuồng gà”. Xe tăng Leopad sang chảnh của Đức sản xuất thiệt hại nhiều quá cũng phải lắp “chuồng gà”. Xe tăng M1 Abram của Mỹ sản xuất sau một thời gian bị bắn cháy rụi thì cũng phải lắp “chuồng gà” hết cả, ra tiền tuyến mà như đi chợ đầu mối.
Drone là một một công cụ đắc dụng tùy thuộc chủ nhân dùng vào việc gì. Thời kháng chiến, Anh hùng Trịnh Tố Tâm (vua mìn đèo Hải Vân, người được ghi công cá nhân diệt hơn 270 tên địch, phá hủy 3 máy bay, nhiều xe quân sự) đã nhận được câu hỏi xoáy của nhà báo phương Tây rằng ở nước các ông, tiêu diệt bao nhiêu người thì trở thành anh hùng? Trịnh Tố Tâm đáp ở nước chúng tôi, người anh hùng được tính rằng đã cứu được bao nhiêu người. Câu trả lời sắc bén nâng cao lên ý nghĩa của khẩu súng, không chỉ là một thành tựu cơ khí theo nghĩa đen mà không kém gì thanh gươm báu sáng ngời chính nghĩa. Drone chính là một công cụ mạnh mẽ và ý nghĩa của nó tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào người điều khiển.
Khi biết việc cứu người của anh Trần Văn Nghĩa bằng drone, cả nước xôn xao muốn anh Nghĩa được khen tặng nhiều hơn nữa. Tuy vậy, để thiết thực thì nên nhân rộng mô hình ứng dụng cho các đơn vị cứu nạn.
Những phương tiện như máy bay trực thăng Mi - 17 giá từ 13-20 triệu USD, không thể trang bị diện rộng được. Trong khi đó drone lại quá rẻ, nhiều lắm là vài chục nghìn USD cho một drone chở được 100 kg. Hoàn toàn có thể trang bị cho cấp xã, cấp thôn. Việc đào tạo người sử dụng cũng quá nhanh và dễ. Các drone dạng này có thể dùng để phun thuốc sâu, chữa cháy, cung cấp phao bơi, thả đồ tiếp tế và khi cần có thể chở người thoát hiểm.
Việc chở người là trái quy định nhưng có những tình huống phải quyết định bằng trái tim chứ không thể bằng não. Những quy định cần đảm bảo theo sát sự tiến bộ của công nghệ để khai thác công nghệ tối đa, vì thế, văn bản quy định cần thông minh hơn nữa.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/ngam-ngoi-ve-drone-i774461/