Điều chỉnh sản xuất thích ứng với thị trường
Chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, HTX Dâu tây Xuân Quế, bản Xuân Quế, xã Cò Nòi (Mai Sơn) đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, thích ứng với những tác động của dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo thu nhập cho các hộ thành viên và tạo việc làm ổn định cho khoảng 70 lao động địa phương, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
HTX Dâu tây Xuân Quế hiện có 12 thành viên, sản xuất 65 ha cây trồng các loại. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX, cho biết: Năm nay, HTX đã thống nhất điều chỉnh kế hoạch sản xuất niên vụ 2021-2022, giảm 8 ha trồng dâu tây, chuyển đổi sang trồng các loại củ quả và rau màu. Hiện nay, HTX có 35 ha cây ăn quả các loại, 12 ha dâu tây, 5 ha cà tím, 3 ha dưa chuột nếp, còn lại 10 ha trồng các loại rau màu theo mùa vụ là khoai tây, bắp cải... Đồng thời, HTX đang liên kết sản xuất, tiêu thụ dâu tây và cà tím cho 6 hộ dân địa phương, với 10 ha sản xuất.
Cà tím là một trong những cây trồng mới được HTX nhân rộng diện tích sản xuất trong năm nay. HTX đã chủ động liên hệ, liên kết tiêu thụ cà tím tại đầu mối các chợ khu vực toàn miền Bắc. Với thời gian sinh trưởng ngắn, được thu hoạch quanh năm, cà tím ít sâu, bệnh và tốn ít công chăm sóc đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại rau, củ khác.
Ông Nguyễn Văn Nam cho biết: HTX đang sản xuất cà tím Nhật nhập giống từ Đà Lạt, cà tím được ghép từ cây cà dại, cây trồng ít sâu bệnh và sinh trưởng tốt. Chỉ sau 2 tháng xuống giống cà tím đã cho thu hoạch sản phẩm và cho thu hoạch quanh năm trong vòng 2 năm. Năm đầu thu hoạch sản lượng cà tím đạt khoảng 200 tấn/ha, năm thứ 2 giảm 40% sản lượng so với năm đầu thu hoạch. Với giá bán tại vườn 6.000 đồng/kg, mỗi 1 ha cà tím cho doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, HTX đang cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn cà tím/năm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay. HTX đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ thành viên tiếp tục chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng cà tím hàng hóa cung cấp cho thị trường khu vực miền Bắc.
Với dâu tây, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của HTX, năm nay đã chủ động nhân giống trong nhà màng, cung ứng cây giống các hộ thành viên HTX và bà con địa phương sản xuất, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Bình, thành viên HTX Dâu tây Xuân Quế, chia sẻ: Với 1 ha đất sản xuất, gia đình đã đầu tư gần 40 triệu đồng làm hệ thống tưới ẩm, tưới tự động, phủ màng nông nghiệp. Sản phẩm được HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp tại Hà Nội.
Hiện tại, HTX đã ký kết hợp đồng cung ứng, bao tiêu sản phẩm với một số doanh nghiệp trong nước. Tại thành phố Hà Nội, các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, HTX đã hợp tác với các đối tác mở 4 cửa hàng bán lẻ dâu tây và các nông sản khác. Năm nay, HTX đã đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng 3 lò sấy nhiệt, công suất 5 tấn nhãn quả tươi/ngày hoặc 3 tấn táo mèo/ngày; đang hoàn thiện kho lạnh bảo quản nông sản 180m³. Ngoài ra, HTX còn 2 kho bảo quản lạnh của HTX và đối tác tại khu vực Hà Nội. Đẩy mạnh các phương thức tiêu thụ sản phẩm quả đa dạng, ngoài tiêu thụ quả tươi cho các thành viên, HTX tập trung thu mua, tiêu thụ dâu tây cho nông dân địa phương.
Năm 2021-2022, dự kiến thu mua cấp đông khoảng 250 tấn dâu tây, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại các khu du lịch, bãi biển vào mùa hè. HTX đang phối hợp với các HTX trên địa bàn tỉnh, mở 4 siêu thị nhà nông dọc quốc lộ 6 trên địa bàn các huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Mai Sơn để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản chế biến vùng miền.
Với sự chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, HTX dâu tây Xuân Quế đã nhanh nhạy điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kết nối liên kết sản xuất giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ, chế biến nông sản hiệu quả, bền vững.