Điều chỉnh sự chênh lệch mức sinh - Sự cần thiết vào cuộc quyết liệt từ chính quyền cơ sở
Hiện nay, cả nước có 21 tỉnh/thành có mức sinh thấp. Trong đó, đáng chú ý, xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Một số tỉnh/thành phố tại vùng Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung mức sinh xuống thấp đáng báo động.
Cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp đang là thực tế đáng lo ngại trong công tác dân số ở nước ta. Nếu điều này không được cải thiện, trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội.
Do đó, mục tiêu là cần phải đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Để đạt được mục tiêu này cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.
Theo bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho rằng, yếu tố quyết định thành công như mục tiêu đã đề ra là huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư; trong đó tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa đến việc thực hiện các mục tiêu dân số.
Đảng và Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tại Hội nghị lần thứ sáu, Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ "Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng" và đặt mục tiêu "đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên", "Đến năm 2030: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống". Chỉ đạo của Đảng về mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để ứng phó với mức sinh thấp ở Việt Nam cần có một hệ thống đồng bộ các chính sách. Trước hết, cần đẩy mạnh truyền thông về những hậu quả của mức sinh thấp đối với cá nhân, gia đình, xã hội. Đặc biệt là nghiên cứu những kinh nghiệm của các nước đi trước và gần Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
GS. Cử cũng cho rằng, để truyền thông đến các vùng, đối tượng có mức sinh thấp cần phải có cách đặc biệt hơn. Bởi các đối tượng sinh thấp, sinh ít thường là những người có trình độ học vấn cao và những người có điều kiện về kinh tế. Những người này có điện thoại thông minh và sử dụng thông thạo internet. Vì vậy, việc truyền thông hiện nay, thuận lợi hơn rất nhiều, có thể mời các chuyên gia đầu ngành để trao đổi với các bạn trẻ, lập các chuyên trang, chuyên mục thu hút mọi người thảo luận về vấn đề sinh đủ hai con.
Xây dựng các chính sách mang tính đặc thù để thực hiện công tác khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp
Bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hậu Giang – địa phương có mức sinh thấp cho rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải xác định đây là vấn đề cấp thiết và mang tính lâu dài. Đánh giá thực tế thực trạng mức sinh tại địa phương. Đồng thời, xây dựng các chính sách mang tính đặc thù để thực hiện công tác khuyến sinh trong người dân; các gia đình có đủ điều kiện có thể vận động sinh thêm con.
Cũng theo bà Loan, Nghị quyết số 21/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định một số mức hỗ trợ thực hiện chính sách dân số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2019 - 2025. Hàng năm Hậu Giang đầu tư gần 8 tỷ để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, gần 7 tỷ để đầu tư cho đội ngũ CTV.
Hậu Giang đang tích cực thực hiện các giải pháp để nâng mức sinh như: xây dựng, duy trì và mở rộng thực hiện mô hình ấp, xã, sinh đủ 02 con. Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2030.
Đồng thời đưa ra Chính sách khuyến khích khen thưởng, biểu dương cặp vợ chồng sinh đủ 2 con một bề là gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; cho cha mẹ sinh con một bề là gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu…
Cùng với Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước, để giải quyết tình trạng này TP.HCM đề ra mục tiêu nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và thích ứng với giá hóa dân số; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP. Thành phố đã ban hành kế hoạch số 2725/KH-UBND về hoạt động công tác dân số năm 2021 tại TPHCM.
UBND TP.HCM xác định đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tạo dư luận xã hội hưởng ứng công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi… Ngoài ra, tuyên truyền về lợi ích của việc sinh đủ hai con, vận động không kết hôn muộn, không sinh con muộn và sinh đủ hai con. Đối tượng tác động chủ yếu là nam, nữ thanh niên chưa kết hôn và các cặp vợ chồng chưa sinh đủ hai con. Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động người dân TP thực hiện thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con" nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội. Rà soát các quy định không còn phù hợp liên quan đến mục tiêu giải quyết tình trạng mức sinh thấp.
Ngoài ra, TP cũng có chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, sinh con, nhất là người lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế: hỗ trợ khám thai, quản lý và theo dõi thai sản, gói dịch vụ sinh đẻ, gói dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Hỗ trợ, khuyến khích các dịch vụ thân thiện với người lao động có con nhỏ tại khu công nghiệp, khu kinh tế: hỗ trợ đón trẻ, trông trẻ; ngân hàng sữa mẹ,... nhằm nâng cao mức sinh.