Điều chỉnh thời gian hoạt động của các tuyến phố đi bộ dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Để bảo đảm công tác tổ chức các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), UBND quận Hoàn Kiếm đã điều chỉnh thời gian hoạt động của các tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận từ ngày 4 đến 6/10/2024.
Ngày 2/10, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, nhằm thực hiện Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 5/7/2024 của UBND TP Hà Nội về việc tổ chức “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, được tổ chức vào ngày 6/10, tại Tượng đài Vua Lý Thái Tổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, UBND quận đã điều chỉnh lại thời gian hoạt động của các không gian đi bộ trên địa bàn quận.
Theo đó, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ diễn ra từ 21h ngày 4/10 (thứ sáu) đến 5h ngày 5/10 (thứ bảy); từ 11h ngày 5/10 (thứ bảy) đến 5h ngày 6/10 (chủ nhật); từ 11h đến 24h ngày 6/10 (chủ nhật). Các tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ diễn ra từ 19h đến 24h các ngày từ mùng 4 đến 6/10.
Liên quan đến các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tại các điểm di tích trên phố cổ Hà Nội, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, con người Thủ đô.
Cụ thể, trong chuỗi hoạt động điểm nhấn này có Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” diễn ra từ ngày 28/9 đến 29/10 tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Trưng bày “Ký ức Hà Nội - 70 năm” tái hiện không gian Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội giai đoạn Toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội tới ngày tiếp quản Thủ đô (1947 - 1954) sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 13/10 tại Không gian bích họa Phùng Hưng. Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các họa sĩ, nhà nghiên cứu thực hiện, phục vụ người dân và du khách trang trí, sắp đặt mô hình khu phố cổ xưa, các cổng chào, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu và tổ chức triển lãm ảnh chủ đề “quận Hoàn Kiếm - những hình ảnh lịch sử”, giới thiệu các ảnh tư liệu của quận Hoàn Kiếm trong quá trình từ cách mạng tháng 8/1945 tới ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954.
Tại Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm) diễn ra trưng bày chuyên đề và tour du lịch thực cảnh “Chuyện phố Hàng” từ ngày 4/10 đến 31/12. Trong đó, chuyên đề “Chuyện phố Hàng” do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đạo diễn bối cảnh, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức sắp đặt, tái hiện không gian, nếp sống văn hóa của gia đình người Hà Nội xưa làm nghề Đông y vào giai đoạn những năm 30 thế kỷ trước.
Tour du lịch thực cảnh với chủ đề “Chuyện phố Hàng” do Ban quản lý phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng. Chương trình được lấy cảm hứng từ hình ảnh và những câu chuyện về Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, tái hiện đời sống sinh hoạt của một gia đình trung lưu người Hà Nội làm nghề thuốc Đông y. Thông qua thực cảnh, các nhân vật và các màn biểu diễn nghệ thuật hát, múa truyền thống, kết hợp với kỹ xảo âm thanh, ánh sáng và các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ sẽ đưa khán giả trở về với cuộc sống những năm 30 của thế kỷ trước,…
Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống) sẽ tổ chức triển lãm ảnh “Hà Nội - Ngày tiếp quản năm 1954” và chiếu phim tư liệu “Ký ức Hà Nội” từ ngày 9 đến 20/10.
Tại Biệt thự di sản 49 Trần Hưng Đạo (phường Hàng Bài) có triển lãm ảnh “Hà Nội - Một thời để nhớ”, diễn ra từ ngày 10 đến 31/10, giới thiệu 86 bức ảnh đen trắng lần đầu tiên được công bố của hai tác giả Lê Bích và Andy Soloman (phóng viên người Anh), giúp người xem cảm nhận rõ sự biến đổi của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới.
Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm) có biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc vào tối 19/10.
Ngoài ra, triển lãm trực tuyến chủ đề “Hỡi đồng bào Thủ đô!” và trưng bày các tư liệu tiêu biểu của triển lãm đã được khai mạc tại Nhà khách Chính phủ, số 2 Lê Thạch, phường Tràng Tiền. Triển lãm diễn ra đến ngày 31/10.