Điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành rượu bia: Cần cân nhắc thời điểm

Việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành rượu bia cần cân nhắc một lộ trình hợp lý để giúp doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn.

Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo khoa học “Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” do tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức ngày 4/7/2023, tại Hà Nội.

Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá, làm rõ một số nội dung của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhất là về phương pháp tính thuế, điều chỉnh thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia; việc bổ sung một số mặt hàng nước giải khát vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tác động của việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp, thu ngân sách.

Đây cũng là những nội dung chính của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi mới đây.

Tại hội thảo, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất sửa đổi chính sách tại dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với sản phẩm rượu, bia thuộc nhóm đồ uống có cồn. Đây là những mặt hàng chịu tác động nhiều nhất trong thời gian qua bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chính sách pháp luật như Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, Luật Đầu tư, nhất là kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực.

Theo luật sư, khi điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm, hướng tới 3 mục tiêu: Điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khỏe con người; bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước ổn định, bền vững; và bảo đảm tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay và dự báo trong thời gian tới, ngành rượu bia đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm, tốc độ tăng trưởng âm, gây nhiều khó khăn, thách thức cho ngành.

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh cho rằng, việc Nhà nước tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế theo tỉ lệ như hiện nay, đồng thời có cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý dựa trên tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, thì một mặt vẫn có thể đảm bảo được nguồn thu ngân sách ổn định, điều tiết tiêu dùng, mặt khác vẫn góp phần duy trì sức cạnh tranh của các thương hiệu rượu bia Việt đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng như cơ cấu của ngành đồ uống có cồn Việt Nam.

Do đó, việc đề xuất theo hướng tăng thuế đối với như dự thảo có thể là phù hợp, nhưng cần tính đến lộ trình và thời điểm tăng thuế suất phù hợp, nhất là hiện nay lĩnh vực này đang rất khó khăn.

Đối với việc thay đổi cách tính thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) nêu quan điểm, thuế tương đối hay thuế theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên cơ sở tính thuế (giá tính thuế, trị giá tính thuế, doanh thu tính thuế,…), thuế tuyệt đối, hay thuế hỗn hợp (gồm cả thuế tuyệt đối và thuế phần trăm) là các phương pháp tính thuế đều có những ưu điểm cũng như các nhược điểm nhất định.

Cũng theo ông Phụng, đóng góp cho ngân sách của ngành công nghiệp đồ uống trong giai đoạn gần đây tương đối cao và ổn định (từ 50.000 tỷ đồng/năm đến 56.800 tỷ đồng/năm). Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành đồ uống đang cần phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, mức đóng góp ngân sách như vậy là rất đáng khích lệ.

Vì vậy, trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, ông cho rằng thời điểm này chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng phương pháp hỗn hợp hay phương pháp tuyệt đối, kể cả trên phương diện thu ngân sách nhà nước và chi phí quản lý thuế.

Đồng quan điểm với những xem xét các chiều cạnh mục tiêu chính sách, thực trạng và đặc điểm thị trường bia rượu Việt Nam hiện nay cũng như kết quả các nghiên cứu gần đây, TS. Võ Trí Thành cho rằng nên giữ nguyên phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối và điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia từ sau năm 2026 theo lộ trình.

Còn theo PGS-TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, chưa nên sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất trong thời gian 2023-2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.

Khi chưa có đầy đủ cơ sở khoa học thuyết phục cũng như chưa đánh giá tác động đầy đủ đối với việc mở rộng các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, chúng tôi đề nghị cân nhắc, chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Việt nói.

Việc cải cách chính sách thuế theo Quyết định 508/QĐ-TTg cần có nghiên cứu, tính toán khoa học, thực tiễn ở Việt Nam đảm bảo: Phù hợp với thực trạng điều kiện sản xuất, kinh doanh ngành hàng ở Việt Nam; minh bạch, có lộ trình rõ ràng, đơn giản, có tính khả thi; hài hòa các lợi ích.

Tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư khẳng định, phần lớn các ý kiến đều chia sẻ với tình trạng khó khăn của doanh nghiệp và đề nghị chưa có điều chỉnh về thuế hay bất cứ hành động chính sách gì có thể khiến doanh nghiệp khó khăn hơn.

Liên quan tới phương pháp tính thuế của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bên cạnh đề xuất, nên giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay ít nhất trong 5-10 năm tới cũng có những ý kiến cần tính thuế theo phương pháp tuyệt đối và hỗn hợp.

Tựu chung lại, các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn nữa tác động chính sách của dự án luật”, ông Tuấn nói.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dieu-chinh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nganh-ruou-bia-can-can-nhac-thoi-diem-260837.html