Điều chưa ai tính đến khi làm việc 4 ngày/tuần

Kết quả thử nghiệm khả quan ở vương Quốc Anh khiến đông nhân viên Mỹ háo hức được giảm giờ làm hơn bao giờ hết. Nhưng văn hóa hối hả, đề cao sự chăm chỉ lại là rào cản lớn.

Cuộc thử nghiệm lớn nhất từ trước đến nay về tuần làm việc 4 ngày đã đem lại kết quả tốt đẹp ở vương quốc Anh. Nhiều công ty sau đó đã chọn rút ngắn hẳn số giờ làm việc so với 5 ngày chính thức.

Còn tại Mỹ, cụm từ “làm việc 4 ngày/tuần” hiện có số lượt tìm kiếm tăng đột biến trên trang công cụ Google, theo Bloomberg. 73% tỷ lệ người lao động Mỹ nói rằng họ thường xuyên hoặc nhiều lần cảm thấy mệt mỏi sau giờ làm việc, không còn thời gian và sức lực để làm những việc họ thích, theo báo cáo về Tình trạng người lao động năm 2023 của Morning Consult.

Theo Giám đốc điều hành Charlotte Lockhart, nhiều cơ quan ở khắp các tiểu bang của Mỹ đã liên hệ với 4 Day Week Global, một trong những tổ chức phi lợi nhuận đã giúp tổ chức và điều hành thử nghiệm ở vương quốc Anh, để hỏi về kinh nghiệm rút ngắn số giờ làm việc.

Ở New York, một dự luật được đưa ra quy định tuần làm việc là 32 giờ đối với các doanh nghiệp có hơn 500 nhân viên. Cơ quan lập pháp ở bang California đang xem xét thực hiện chương trình thí điểm được hỗ trợ bởi các tuyển dụng muốn cung cấp làm việc 4 ngày/tuần.

 Trong nhiều thập kỷ, tuần làm việc 4 ngày được coi là điều nằm ngoài tầm với. Tuy nhiên, làn sóng đang thay đổi khi ngày càng có nhiều thử nghiệm toàn cầu cho thấy cách các công ty vận hành nó. Ảnh: Pixels.

Trong nhiều thập kỷ, tuần làm việc 4 ngày được coi là điều nằm ngoài tầm với. Tuy nhiên, làn sóng đang thay đổi khi ngày càng có nhiều thử nghiệm toàn cầu cho thấy cách các công ty vận hành nó. Ảnh: Pixels.

Ở cấp liên bang, Dân biểu Mark Takano, gần đây giới thiệu lại dự luật sửa đổi Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng (FLSA) để giảm tuần làm việc từ 40 giờ xuống còn 32 giờ.

Đây không phải là lần đầu tiên các chính trị gia Mỹ cố gắng rút ngắn tuần làm việc. Một dự luật cắt giảm tuần làm việc xuống còn 30 giờ từng được Thượng viện thông qua vào năm 1933, nhưng không được đưa vào luật. Gần một thế kỷ sau, các chuyên gia nhìn chung đồng ý rằng cơ hội áp dụng các biện pháp vẫn còn bấp bênh.

Mỹ muốn nối tiếp thử nghiệm

Ở Mỹ, dẫn đầu là bang California, hàng chục công ty đã thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày trong 3 năm qua, theo dõi chặt chẽ tác động của nó đối với phúc lợi, hạnh phúc, hiệu quả và năng suất của người lao động.

Phần lớn đã đi theo cách làm mới, sau khi nhận được phản hồi nhiệt tình từ nhân viên và nhận thấy những thành tựu về năng suất và tăng trưởng tích cực.

Tổ chức phi lợi nhuận Knowledge Futures có trụ sở tại Massachusetts, đã tiến hành thử nghiệm tuần làm việc 32 giờ vào tháng 7/2021, sau khi nhân viên than phiền họ cảm thấy "cực kỳ mệt mỏi và làm không hiệu quả sau hơn một năm làm việc trong đại dịch".

Trọng tâm của quyết định là ý tưởng cải thiện năng suất và hạnh phúc của người lao động bằng cách loại bỏ "các yếu tố gây căng thẳng bên ngoài công việc". Theo đó, bằng cách cho nhân viên thêm một ngày để giải quyết các vấn đề ngoài công việc, chẳng hạn như chăm sóc con cái, đưa thành viên gia đình đi khám bác sĩ, nhân viên có thể tập trung và hiệu quả hơn khi làm việc.

 Trải nghiệm tuần làm việc giảm xuống 4 ngày chứng minh được tính thiết thực, song các thách thức chưa thể giải quyết cũng nhanh chóng hiện rõ. Ảnh: Time.

Trải nghiệm tuần làm việc giảm xuống 4 ngày chứng minh được tính thiết thực, song các thách thức chưa thể giải quyết cũng nhanh chóng hiện rõ. Ảnh: Time.

Phản hồi này phù hợp với mong đợi của hầu hết người Mỹ được Newsweek khảo sát: khoảng 49% số người được hỏi trong cuộc thăm dò tin rằng một tuần làm việc ngắn hơn sẽ giúp làm việc hiệu quả hơn, trong khi 83% cho rằng họ có thể hoàn thành khối lượng công việc hàng tuần chỉ trong 4 ngày.

Đã quen làm việc nhiều

Trong khi người Mỹ nói rằng đã sẵn sàng chấp nhận tuần làm việc ngắn hơn, môi trường làm việc của đất nước có thể gặp khó khăn để bắt kịp mong muốn của số đông.

Theo các chuyên gia, văn hóa làm việc của Mỹ, tập trung vào sự chăm chỉ, tính cạnh tranh và thành tích, có thể là trở ngại lớn cho việc áp dụng tuần làm việc 4 ngày trên toàn quốc.

“Người Mỹ thích làm việc. Nhiều người coi công việc là cách họ định hình giá trị bản thân, đem lại cho họ ý nghĩa, các mối quan hệ bạn bè cho đến yêu đương”, Lindsey Cameron, trợ lý giáo sư tại Trường Wharton, Đại học Pennsylvania, nói với Newsweek.

Matthew Bidwell, giáo sư tại Khoa Quản lý của Wharton, người nghiên cứu các mô hình nghề nghiệp và nhân sự trong nền kinh tế mới, đồng ý rằng tầm quan trọng của công việc đối với cuộc sống của nhiều người là điều cần được xem xét.

“Điều này có lẽ đã bị bỏ quên trong những cuộc thảo luận. Chắc chắn sẽ có những người muốn tận hưởng cuộc sống thay vì cắm mặt vào máy tính làm việc cả ngày, nhưng cũng có những cá nhân coi sự nghiệp là một phần không thể tách rời”.

 Kết quả thử nghiệm khả quan ở vương Quốc Anh khiến đông người lao động ở Mỹ cũng muốn được rút ngắn giờ làm việc. Ảnh: BI.

Kết quả thử nghiệm khả quan ở vương Quốc Anh khiến đông người lao động ở Mỹ cũng muốn được rút ngắn giờ làm việc. Ảnh: BI.

Theo Mansoor Soomro, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh Quốc tế Đại học Teesside ở Anh, đánh giá dù văn hóa chăm chỉ được đề cao ở nước cờ hoa, ngày càng có nhiều người hiểu rằng làm việc quá sức dễ dẫn đến kiệt sức, giảm năng suất và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Cách để dung hòa ý tưởng về một tuần làm việc ngắn hơn với văn hóa hối hả là chuyển trọng tâm từ số giờ làm việc sang chất lượng và năng suất công việc.

"Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra năng suất và khả năng sáng tạo có xu hướng giảm sau một thời điểm nhất định, cho thấy rằng làm việc ít giờ hơn thực sự có thể giúp thả lỏng và làm mới lại các bộ óc".

Điều này sẽ làm giảm bớt những lo ngại rằng làm việc 4 ngày/tuần sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp và nền kinh tế rộng vĩ mô.

Ngoài ra, khi xem xét liệu tuần làm việc 4 ngày có thể trở thành tiêu chuẩn ở Mỹ hay không, hầu hết chuyên gia đều chỉ ra rằng có một nhóm người phù hợp với điều này: nhân viên văn phòng.

Người lao động trong các ngành như khách sạn, bán lẻ, sản xuất và y tế sẽ khó có thể được hưởng thay đổi. Lý do: nghề nghiệp của họ yêu cầu phải có mặt trực tiếp. Còn ở góc độ quản lý, giảm ngày làm đồng nghĩa với là phải thuê thêm nhân sự lấp vào chỗ trống.

“Tuần làm việc 4 ngày, nhưng bạn được trả lương 5 ngày. Đó sẽ là thách thức với công ty trong việc vận hành, chi trả các chi phí. Các đơn vị nhỏ không mấy nhiệt tình với ý tưởng này”, Matthew Bidwell nêu thêm ý kiến.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-chua-ai-tinh-den-khi-lam-viec-4-ngaytuan-post1422781.html