Điều chưa biết về tấm ảnh bán chạy nhất lịch sử

11 nam công nhân xây dựng thản nhiên dùng bữa trưa trong thời gian giải lao.

Không có gì đặc biệt. Cho đến khi người xem nhận ra, tất cả ngồi trên thanh dầm kim loại, trên độ cao 260m, không lưới hoặc đai bảo hiểm! Lunch Atop A Skyscraper (Bữa trưa trên đỉnh tháp) là tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng, chứa đựng không ít bí ẩn và thú vị.

Tác phẩm đậm bản sắc sử thi được thực hiện 20/9/1932 ở New York, nhật báo New York Herald-Tribune đăng ngày 2/10 cùng năm.

Bức ảnh khiến người xem lạnh tóc gáy, được giới phê bình những năm 1930 đặt vào đẳng cấp “kiệt tác” thời nay chắc không nghệ sĩ nào nghĩ đến, bởi nó quá nguy hiểm. Bữa trưa trên đỉnh tháp còn mang hàm lượng thời sự cao. Xuất hiện vào tột đỉnh Đại khủng hoảng kinh tế 1929-1932, nó được coi như biểu tượng hồi sinh của Mỹ và toàn thế giới.

Những người đàn ông hiện diện trên tấm ảnh là nhóm công nhân thực thụ ngồi trên dầm nhà ở độ cao 260m không có phương tiện bảo hiểm. Họ là những thợ nề lành nghề, đã quen làm việc trên cao và từng nhiều năm gắn bó với tòa nhà do chính họ xây cất sắp hoàn thành.

Bữa trưa trên đỉnh tháp, tác phẩm nhiếp ảnh chứa đựng không ít bí ẩn và thú vị.

Tháp RCA thuộc Rockefeller Center

Công trình nhóm công nhân trong ảnh tham gia xây dựng là tháp RCA thuộc Rockefeller Center, đến 1988 được đổi tên là GE, sau khi General Electric hoàn tất thương vụ thôn tính RCA, sau đó năm 2015 đổi tên thành Comcast Buiding.

Tháp RCA là cao ốc chọc trời thuộc trường phái art deco được hoàn thành năm 1933, là 1 trong những tòa cao nhất New York. Bức ảnh được thực hiện ở tầng 69.

Tòa Comcast nổi tiếng bởi thực tế, nó là trụ sở của NBC, mạng truyền hình khổng lồ Bắc Mỹ và American Radio Corporation (RCA). Tại đây được sản xuất các chương trình truyền hình huyền thoại, như Saturday Night Live, NBC Sport hay The Tonight Show với sự tham gia của Jimmy Falcon.

Charles Clyde Ebbets, tác giả đích thực?

Tác giả xê-ri ảnh là nghệ sĩ rất can đảm và hành nghề chuyên nghiệp. Suốt hơn 70 năm Lunch Atop A Skyscraper, bức ảnh nổi tiếng lịch sử bị xếp loại tác phẩm vô danh. Mãi đến 2003, gia đình nhiếp ảnh gia Charles Clyde Ebbets mới cung cấp chứng cứ khẳng định, ông chính là tác giả.

Charles Clyde Ebbets từng làm giám đốc nhiếp ảnh của Rockefeller Center, những tấm ảnh của Ebbets chụp cùng các nhân viên được lưu giữ vẫn còn âm bản trên kính. Cựu giám đốc cũng treo bức Lunch Atop A Skyscraper và một số bài báo viết về chủ đề này tại văn phòng của mình.

Có thể tham khảo một phần bộ sưu tập ảnh của Ebbets trên trang mạng Ebbets Photo-Graphics. Tuy nhiên không thể khẳng định 100% Lunch Atop A Skyscraper là tác phẩm của cựu Giám đốc nhiếp ảnh Rockefeller Center.

Bất chấp chứng cứ của thân nhân nhiếp ảnh gia Charles Clyde Ebbets, Công ty truyền thông Corbis, chủ sở hữu bản quyền Lunch Atop A Skyscraper đến nay vẫn xếp tác phẩm vào hạng mục “Ảnh khuyết danh”, bởi nhóm nhân vật này cũng xuất hiện trong một số ảnh do các công ty quảng cáo khác thực hiện. Xem ra từng có vài nghệ sĩ đã mạo hiểm tác nghiệp cùng thời gian, tại cùng địa điểm và độ cao lạnh tóc gáy.

Lunch Atop A Skyscraper là mặt hàng bán chạy nhất của Corbis trong lịch sử công ty. Liên tục trên 10 năm, Corbis tiêu thụ trung bình 100 sản phẩm/tháng.

Danh tính 11 công nhân xây dựng

Tương tự kho lưu trữ của Corbis, nhật báo New York Herald-Tribune số ra ngày 2/10/1932 đăng tấm ảnh cũng không có danh tính 11 nhân vật trên tác phẩm Lunch Atop A Skyscraper. Chỉ biết sự thật: các tòa cao ốc chọc trời ở New York xuất hiện đầu thế kỷ XX chủ yếu do lao động nhập cư xây dựng trong điều kiện làm việc cực nguy hiểm với đồng lương rẻ mạt.

Khi Lunch Atop A Skyscraper đã nổi tiếng, cho dù xuất hiện hàng chục người quả quyết, họ là nhân vật trong ảnh, song chỉ 3 người có thể chứng minh điều đó. 2 trong số họ là dân nhập cư từ Ireland: thứ 3 từ trái sang - Joseph Eckner và thứ 3 từ bên phải - Joe Curtis. Có thể nhận dạng họ, bởi chuyên gia đã tìm thấy những ảnh khác chụp cùng ngày có chú thích danh tính.

Người đàn ông đầu tiên bên phải là công nhân Slovakia Gustay Popovic. Năm 1932 mày râu gửi cho vợ tấm bưu thiếp kèm ảnh, sau ảnh viết: “Mansko yêu dấu, như em thấy trong ảnh, anh vẫn cầm chai bia!”. Popovic là người duy nhất tay cầm chai bia trong ảnh.

Ngọc Báu

( (Nguồn: Historia jednej fotografii VI - Lunch na szczycie wieżowca))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-chua-biet-ve-tam-anh-ban-chay-nhat-lich-su-n188254.html