Điều chuyển ông Đoàn Ngọc Hải: Vì đâu quy trình đúng nhưng vẫn lăn tăn?
Việc điều chuyển ông Đoàn Ngọc Hải từ Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP HCM sang làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một Thành viên vẫn tiếp tục khiến dư luận dậy sóng. Bên hành lang Quốc hội chiều nay, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đã có những chia sẻ thẳng thắn về công tác điều chuyển cán bộ.
Thưa đại biểu Tô Văn Tám, ông Đoàn Ngọc Hải ngoài thành tích thì còn có nhiều hạn chế. Việc điều động vừa rồi, dư luận cũng rất xôn xao, ông đánh giá có hợp lý hay không?
Việc này là việc của TP. HCM. Có thể nói thế này, quy trình điều động luôn có sự cân nhắc, sau đó là làm công tác gặp gỡ đương sự để đương sự trình bày nguyện vọng. Về nguyên tắc, đã là cán bộ cấp dưới thì phải chấp hành mệnh lệnh cấp trên.
Mình được bày tỏ nguyện vọng nhưng chấp nhận nguyện vọng hay không phải là cấp cơ quan có thẩm quyền. Cách làm như thế nào trong câu chuyện của ông Đoàn Ngọc Hải là của nội bộ TP HCM.
Ngoài ông Đoàn Ngọc Hải cũng có trường hợp cán bộ điều chuyển nhưng không đồng ý. Đó là trường hợp ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang được điều động về hội Chữ thập đỏ. Vậy làm thế nào để điều động được sự đồng thuận, nhân sự phát huy hiệu quả?
Mình phải dựa vào chuyên môn đào tạo, sở trường sở đoản, năng lực ở lĩnh vực mới. Ở lĩnh vực mới họ có được điều động nghiệp vụ chuyên môn hay không, năng lực của họ có đảm đương được nhiệm vụ đó hay không.
Trung ương chuẩn bị đại hội các cấp, chuẩn bị nhân sự cho khóa tới. Đây là bài học cho các địa phương. Theo ông, từ câu chuyện của ông Đoàn Ngọc Hải và các trường hợp khác, mình có nên luật hóa cụ thể các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ?
Tốt quá, tôi cho rằng, trong việc này nên chuẩn hóa nó ra, nếu luật hóa được thì nên làm. Nếu không luật hóa được thì ta dùng các quy chế, quy trình theo hướng đổi mới để theo đó mà làm.
Cũng bàn về vấn đề này, trao đổi với báo Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm: “Nếu nói rằng công việc này không phù hợp với tôi, tôi không chịu thì cũng không được. Cán bộ đó cũng phải nhìn nhận lại mình. Tuy nhiên cơ quan đó cũng cần nhìn lại vì sao cán bộ không chịu nhận nhiệm vụ mới.
Công tác tổ chức cán bộ địa phương ở địa phương còn những vấn đề nhạy cảm, nó không tròn vo mà có nơi này nơi khác. Nơi nào làm tốt công tác cán bộ thì cán bộ sẽ chấp hành tốt, nếu không sẽ gây ra cảm giác bị “đì” bị “điều” chứ không phải là do sự phân công nhiệm vụ của Đảng.
Quyền điều chuyển công tác không phải là của cán bộ mà của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trước khi phân công nhiệm vụ cần lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cán bộ, để mình có quyết sách đúng đắn, đả thông tư tưởng, động viên anh em. Còn chịu hay không chịu thì cũng không được vì anh là đảng viên, anh phải chịu sự phân công của Đảng”.