Điều cũ trong chính phủ mới tại Israel
Nỗ lực duy trì quan hệ với Mỹ và cứng rắn hơn trong vấn đề Palestine sẽ là hai nội dung ít thay đổi trong chính phủ thứ 35 ở Israel. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Ông Benny Gantz và ông Benjamin Netanyahu sẽ thay nhau cầm quyền tại Chính phủ liên minh. (Nguồn: AFP)
Chủ tịch Quốc hội Israel (Knesset) Benny Gantz thông báo các thành viên trong Chính phủ đoàn kết mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14/5 tới.
Động thái này có ba ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, kết thúc 16 tháng bế tắc sau 3 cuộc bầu cử liên tiếp tại Tel Aviv, trong bối cảnh người dân đã dần chán nản với những tranh đấu chính trị giữa đảng Xanh-Trắng và đảng Likud.
Thứ hai, đây là chiến thắng lớn dành cho ông Netanyahu. Chính trị gia lão làng này đã tận dụng khéo léo kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng để vượt khó, dù đó có là tỷ lệ ủng hộ suy giảm nội bộ Đảng và người dân, hay những cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực để tiếp tục nắm quyền 18 tháng tới.
Thứ ba, tạo cơ sở để Israel triển khai đồng bộ, toàn diện hơn các biện pháp chống đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính đến tối ngày 12/5, Bộ Y tế Israel thông báo đã có 16.506 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 258 ca tử vong, gần 11.500 bệnh nhân đã bình phục.
Thành tích này có được là do hệ thống y tế hiện đại, đi kèm nhiều biện pháp quyết liệt của chính quyền Israel, sớm tiến hành giới nghiêm và ban bố tình trạng cách ly xã hội.
Tới nay, Israel đã cân nhắc nới lỏng các lệnh cách ly xã hội và nối lại một số hoạt động. Tuy nhiên, Tel Aviv vẫn thận trọng và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Dù vậy, trên thực tế, còn đó những điều cũ và tiếp tục là nền tảng cho Chính phủ mới của Israel.
Trên tất cả, Israel sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Theo dự kiến, Chính phủ mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 13/5 tới. Tuy nhiên, sau khi có thông tin về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày, các nhà lãnh đạo mới đã quyết định dời buổi lễ sang ngày 14/5 để vị khách từ xứ cờ hoa có thể dự.
Lạ ở chỗ, trong khi đảng Xanh-Trắng khẳng định việc lùi thời gian không liên quan tới chuyến thăm, đảng Likud lại tuyên bố điều này là hoàn toàn hợp lý.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tháng 12/2019. (Nguồn: AFP)
Song dù là đảng Xanh-Trắng hay Likud, ông Gantz hay ông Netanyahu, họ đều nhận thấy quan hệ với Mỹ sẽ tiếp tục là nền tảng lớn trong chính sách đối ngoại của Israel ở hầu hết vấn đề then chốt như Palestine, quan hệ với các nước Arab, đối đầu Iran hay mở rộng chiến dịch tại Syria.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Cận Đông David Schenker thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo, gặp gỡ cả ông Netanyahu và ông Gantz, đã được lên kế hoạch trước khi Knesset phê chuẩn thành lập Chính phủ.
Rõ ràng, ông Pompeo không tới Tel Aviv chỉ để chung vui với Israel. Vậy đâu là lý do thực sự đằng sau chuyến thăm Israel của ông Pompeo?
Đó là Iran, và quan trọng hơn cả, là Palestine. Theo thỏa thuận, Chính phủ mới được thành lập với vai trò “khẩn cấp” trong sáu tháng đầu nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, liên minh cũng cho phép ông Netanyahu đề xuất dự thảo sát nhập Bờ Tây lên phía Chính phủ sau ngày 1/7, ngay cả khi ông Gantz phản đối. Chuyến thăm Tel Aviv của ông Pompeo là nhằm thảo luận về triển khai đề xuất này.
Tại sao Mỹ lại quan tâm kế hoạch này như vậy? Một số cho rằng hai bên có cơ hội để vẽ lại bản đồ Trung Đông trước cuộc bầu cử tháng 11 tại Mỹ. Nếu thành hiện thực, ông Trump có thể giành được sự ủng hộ của những cử tri thân Israel, đặc biệt là nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng Thiên chúa giáo Phúc âm.
Tuy nhiên, thỏa thuận sát nhập của ông Netanyahu cũng khẳng định mọi bước đi cần được tiến hành và phối hợp với phía Mỹ, đảm bảo sự ổn định khu vực và các thỏa thuận hòa bình.
Câu chuyện “kẻ tung người hứng”, từ tầm nhìn chính trị Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Mỹ tới động thái sát nhập Bờ Tây, vốn chịu sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, sẽ khiến quan hệ Israel - Mỹ - Palestine tiếp tục nóng thời gian tới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dieu-cu-trong-chinh-phu-moi-tai-israel-115439.html